Lên Hồi Xuân thưởng thức khâu nhục

Gia đình chị Phạm Thị Nghị, ở khu 3, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa), là một trong những hộ dân sinh sống lâu đời trên vùng đất này. Nhắc đến món khâu nhục, chị Nghị không giấu được niềm tự hào khi bản thân đã góp phần gìn giữ món ăn truyền thống của gia đình và phát triển thành sản phẩm ẩm thực không chỉ phục vụ cho người dân trong vùng mà còn được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Khâu nhục - đậm đà hương vị vùng cao.

Khâu nhục - đậm đà hương vị vùng cao.

Biến mơ ước thành hiện thực

Chị Phạm Thị Nghị, sinh năm 1984, là cô giáo, người dân tộc Thái. Năm 2008, chị kết hôn với anh Trương Đức Vũ, thuộc gia đình gốc Hoa ở thị trấn Hồi Xuân. Về làm dâu, chị Nghị học hỏi được từ gia đình chồng nhiều món ăn, trong đó khâu nhục chính là món ăn mà chị yêu thích nhất và được bố chồng là ông Trương Thiều Quang truyền lại.

Khâu nhục xuất phát từ phiên âm tiếng Hán. “Khâu” có nghĩa là hấp đến mềm rục, còn chữ “nhục” có nghĩa là thịt, do đó nếu dịch đúng có thể hiểu là “thịt được hấp rục” hay hấp đến chín nhừ. Từ năm 2018, chị Nghị bắt đầu học hỏi cách làm món khâu nhục từ bố và phát triển thành sản phẩm với thương hiệu “Khâu nhục Vũ Nghị”. "Khâu nhục có vị ngon khó cưỡng và phù hợp với mọi lứa tuổi. Vì vậy mà tôi luôn mơ ước một ngày sẽ thành công với món ăn này. Nếu người Hoa chủ yếu dùng nhiều gia vị, nhân khâu nhục làm bằng dưa chua, rau cải khô thì khâu nhục Vũ Nghị đã được “Thái hóa” bằng việc sử dụng nguyên liệu làm nhân là măng khô, mộc nhĩ – những sản phẩm có sẵn ở Quan Hóa, hợp khẩu vị người dân và chính sự thay đổi này tạo nên hương vị đặc trưng của sản phẩm”, chị Nghị cho biết.

“Khâu nhục Vũ Nghị”, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

“Khâu nhục Vũ Nghị”, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ngoài nguyên liệu chính là thịt ba chỉ, măng rối, mộc nhĩ còn có các loại gia vị khác như: hạt dổi, chanh muối, hạt tiêu, hạt nêm, bột canh, mì chính.... Măng luộc kỹ, mộc nhĩ ngâm, nhặt sạch, chanh muối bỏ hạt và đem xay nhỏ 3 loại này rồi trộn với lượng gia vị vừa đủ. Đối với thịt lợn, phải lựa chọn phần thịt ba chỉ của những con lợn đen bản địa khỏe mạnh. "Khâu nhục là món ăn làm rất kỳ công. Thịt luộc trong nước sôi cho da mềm, vớt ra để ráo nước. Sau đó, dùng dụng cụ xăm đều lên bề mặt da, ướp da với mật ong, rượu, cuối cùng xát muối lên bề mặt da, đồng thời rán giòn một lượt để phần da có màu vàng cánh gián. Thái thịt thành từng miếng khoảng 1cm, xếp phần da xuống phía đáy bát, cho nhân phủ kín lên bề mặt bát và xếp vào nồi hấp trong 6 giờ. Khi thịt chín, dùng đũa tách miếng thịt, cảm giác thịt mềm, phía dưới nhân mộc nhĩ, măng lộ ra và có mùi thơm của hạt tiêu, dổi... Món ăn ngon hơn khi dùng với dưa chua hoặc cơm nóng", chị Phạm Thị Nghị chia sẻ.

Vươn tới OCOP...

Khâu nhục được nhiều khách hàng đón nhận. Sản phẩm hiện được bán lẻ trên thị trường cả nước và bán buôn cho một số nhà phân phối trên địa bàn trong tỉnh. Mỗi năm, gia đình chị Phạm Thị Nghị sản xuất khoảng 10.000 bát khâu nhục với mức giá bán lẻ hiện nay từ 110.000 đồng/bát, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Ngoài ra, cơ sở còn thu mua nguyên liệu cho bà con trong vùng như măng khô, lợn đen bản địa... Sau nhiều nỗ lực xây dựng thương hiệu, năm 2023, “Khâu nhục Vũ Nghị” đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Phạm Thị Nghị, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) giới thiệu món khâu nhục với khách hàng.

Chị Phạm Thị Nghị, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) giới thiệu món khâu nhục với khách hàng.

Hiện, chị Phạm Thị Nghị là thành viên của HTX phát triển dịch vụ nông lâm ngư nghiệp Quan Hóa. Chị cho biết: “Tôi mong muốn mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận và phát triển thành sản phẩm OCOP 4 sao, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực và du lịch cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Từ câu chuyện “khởi nghiệp” của bản thân và gia đình, tôi cũng mong muốn truyền cảm hứng, tinh thần “dám nghĩ, dám làm” cho học sinh. Mong các em hãy mạnh dạn theo đuổi những ước mơ, hoài bão ngay trên mảnh đất quê hương để cùng góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống...".

Ở Quan Hóa hiện nay có khoảng 80 hộ dân gốc Hoa, trong đó sinh sống nhiều nhất tại thị trấn Hồi Xuân. Tại đây, các hộ gia đình vẫn gìn giữ các món ăn truyền thống của đồng bào Hoa và đã được “Quan Hóa - Thái hóa” phù hợp với đặc trưng phong tục, tập quán, sinh hoạt của đồng bào vùng cao. Khâu nhục có mặt trong đời sống hằng ngày, trong dịp lễ, tết của người dân Quan Hóa. Ngoài khâu nhục mang thương hiệu Vũ Nghị, còn một số hộ dân gốc Hoa ở thị trấn Hồi Xuân đã và đang phát triển sản phẩm khâu nhục trở thành hàng hóa được người tiêu dùng yêu thích như khâu nhục Hương Thái, Cường Yến.

Quy trình làm món khâu nhục trải qua nhiều công đoạn...

Quy trình làm món khâu nhục trải qua nhiều công đoạn...

Khâu nhục cùng với bánh nhãn Hồi Xuân; nem chua ống nứa; măng khô Mường Ca Da,... những đặc sản truyền thống này đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Có dịp về với mảnh đất Hồi Xuân, thưởng thức món khâu nhục đậm đà, lâng lâng trong rượu men lá, trong điệu khặp Thái mượt mà... đến khó quên...

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/len-hoi-xuan-thuong-thuc-khau-nhuc-36939.htm