Lịch tre - khẳng định sự trường tồn của tri thức dân tộc Mường
Di sản tri thức dân gian lịch tre (lịch Đoi/Roi) có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của người dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người... đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch tre. Việc đưa di sản văn hóa lịch tre vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy sự ghi nhận đây là một tài sản văn hóa quý giá mang tầm cỡ quốc gia, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay.
Sức sống của lịch tre trong cuộc sống người Mường
Ông Bùi Văn Nhân, 64 tuổi ở xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) tâm sự: "Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mường Thàng trù phú, giàu truyền thống văn hóa, tôi không biết lịch Đoi có từ bao giờ. Năm 15 tuổi, tôi đã được người nhà dạy cách làm và xem lịch Đoi. Năm 35 tuổi, tôi bắt đầu làm thầy Mo. Sau này, mặc dù có lịch hiện đại, nhưng lịch Đoi vẫn được nhiều người ưa dùng, xem như vật quý trong gia đình. Trên địa bàn xã, có nhiều người làm mo, nhưng không phải thầy mo nào cũng biết xem lịch Đoi và cũng có người không phải là thầy mo vẫn xem lịch Đoi để xem ngày tốt - xấu, đại cát, đại an, đánh cá…".
Chỉ cho chúng tôi cách xem lịch Đoi trong cuộc sống người Mường, thầy mo Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi đã được ông nội dạy cách xem lịch Đoi. Đến năm 1983, tôi bắt đầu làm thầy mo thì việc sử dụng lịch Đoi để xem ngày gieo mạ, cấy lúa, bắt cá, dựng nhà, cưới hỏi, lễ hội, tránh ngày hao, ngày lỗ... càng trở nên quan trọng". Theo ông Lựng, để làm ra 1 bộ lịch đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự tỉ mỉ. Lịch Đoi được làm từ tre, luồng, bương ngâm hoặc để trên gác bếp lâu ngày để không bị mối mọt.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng (Lạc Sơn) cho biết: Cùng là lịch tre, nhưng mỗi vùng Mường có tên gọi khác nhau. Vùng huyện Tân Lạc, Cao phong gọi là Khéch Doi - sách Đoi, lịch Đoi. Vùng Lạc Sơn gọi là Khéch Roi - sách Roi. Một số nơi khác gọi là Vác Bén - Khắc Dấu.
Để xác định xuất xứ lịch tre của người Mường Hòa Bình có thể dựa trên các yếu tố: Lịch tre của người Mường xuất hiện trong các áng Mo Mường: Trong chương Mo Náng Thuool Wan - Nang Tuôi Vạn thuộc hệ thống Mo Sử thi Đẻ đất - Đẻ nước có nói về việc người Mường làm ra lịch. Tuy nhiên, đây chỉ là thần thoại, huyền sử. Lịch tre cũng được xuất hiện trong huyền thoại của người Mường Bi. Trong công trình nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu địa phương dựa trên cơ sở thực tế hình thức thể hiện và chất liệu của lịch tre Mường, hiện nay trong tỉnh còn lưu giữ được một số bộ lịch được làm cách đây hàng trăm năm như bộ lịch Mường Vang, bộ lịch Mường Bi được lưu truyền theo dòng họ nhiều đời tới ngày nay. Vì vậy, có thể khẳng định, lịch tre Mường đã có từ rất sớm trong lịch sử của người Mường ở Hòa Bình.
Bộ lịch tre cổ hơn 100 năm tuổi được lưu giữ tại vùng Mường Thàng - Cao Phong.
Bộ lịch tre được làm từ những thanh tre được dóc, vót và đánh bóng cẩn thận, sử dụng để khắc các khấc, vạch, chấm, gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng… nhằm chỉ thị cho ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên, trong thiên nhiên gắn với chùm sao hình tua rua xuất hiện trên bầu trời trong chu kỳ ra vào của mặt trăng hàng tháng nhằm phục vụ các lĩnh vực trong đời sống của con người. Trong bộ lịch tre quy ước dựa trên sự dịch chuyển của Sao Roi. Lịch Sao Roi dùng 12 thẻ tre, tương ứng với 12 tháng âm lịch. Trên mỗi thanh tre có ghi tháng đủ, tháng thiếu, ngày Roi vào, Roi ra, từ đó để tránh ngày mưa gió, ngày xấu, chọn ngày tốt. Người Mường quy ước tháng Thớm ngàng tương ứng với tháng giêng; tháng Cây trong tương ứng với tháng 2 và tháng 3; tháng Thớm trong tương ứng với tháng 4; tháng Kim trong tương ứng với tháng 5, tháng 6; tháng Khóa rỏ tương ứng với tháng 7; tháng Kim tha tương ứng với tháng 8, tháng 9; tháng Thớm tha tương ứng với tháng 10; tháng Cây tha tương ứng với tháng 11 và tháng 12.
Dựa trên cơ sở thông tin được khắc trên các ký tự trong bộ lịch tre của các vùng, người Mường áp dụng vào trồng trọt, cấy hái mùa vụ nông nghiệp, đánh bắt cua cá, săn bắn, coi ngày tháng đẹp, xấu, kiêng kỵ… những giá trị này vẫn còn được ứng dụng trong đời sống của người Mường trên địa bàn tỉnh cho đến ngày nay.
Bảo tồn và phát huy giá trị lịch tre trong cuộc sống hôm nay
Những biểu hiện trên có thể khẳng định lịch tre của người Mường Hòa Bình là kho tàng tri thức trong nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân đã được đúc kết qua hàng nghìn đời nay và trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và là một trong những mốc biểu hiện văn hóa và văn minh của dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Từ khi Nhà nước ban hành quy định sử dụng lịch phương Tây (Dương lịch) làm lịch chính thức, thì người Mường cũng bị ảnh hưởng, hạn chế trong các hoạt động khi sử dụng theo lịch Dương. Do đó, lịch tre bị thu hẹp vì có sự ảnh hưởng của lịch âm (lịch phương Đông) nhưng vẫn tồn tại song hành trong đời sống dân tộc Mường và trở thành một di sản của dân tộc Mường.
Di sản văn hóa phi vật thể tri thức dân gian lịch tre của dân tộc Mường Hòa Bình hiện vẫn còn có nguyên giá trị và được một bộ phận người dân lưu giữ, đa số là bậc cao niên giữ làm lưu niệm và các thầy cúng, thầy mo lưu giữ đề hành nghề… Theo thống kê của ngành VH-TT&DL, hiện nay, trong toàn tỉnh chỉ còn 5 bộ lịch tre cổ có từ hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng. Số người còn xem được lịch tre, am hiểu, giải mã được toàn bộ thông tin trong bộ lịch còn rất ít, chỉ khoảng trên 10 người, tập trung vào các thầy mo, thầy mỡi của dân tộc Mường.
Tuy vậy, bên cạnh những yếu tố văn hóa tốt đẹp nêu trên được lưu giữ và phát huy trong đời sống của người Mường, giá trị tri thức lịch tre cũng như các di sản khác bị ảnh hưởng bởi đời sống hiện đại và có nguy cơ bị mai một.
Tại Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 7/2022 vừa qua, Bộ VH-TT&DL trao bằng chứng nhận cho 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho tỉnh là: Tri thức dân gian Lịch tre (lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai hạ của dân tộc Mường theo Quyết định số 1756/QĐ-BVHTTDL, ngày 26/7/2022.
Tại buổi lễ, khẳng định giá trị của lịch tre, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Tri thức dân gian lịch tre và được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, thể hiện trình độ phát triển cao, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Mường ở khắp mọi miền đất nước, mà còn là niềm vui chung của các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Những giá trị văn hóa đặc sắc này chính là sợi dây cố kết cộng đồng, là cội nguồn sức mạnh được gìn giữ, bồi đắp, trao truyền từ đời này qua đời khác, giúp cho người dân ở mảnh đất này vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước đi lên, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp...