Linh thiêng tiếng chiêng Mường

Với người Mường, cồng chiêng không chỉ là vật thiêng mà còn là công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh, là tài sản quý của mỗi gia đình, bản làng.

 Với người Mường, tiếng cồng chiêng mang ý nghĩa thiêng liêng

Với người Mường, tiếng cồng chiêng mang ý nghĩa thiêng liêng

Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ.

"Một thời gian dài do kinh tế khó khăn, văn hóa Mường nói chung và tiếng cồng chiêng Mường nói riêng đã bị mai một. Thế nhưng, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, văn hóa người Mường đã được khôi phục.

Tiếng cồng chiêng Mường lại vang lên mỗi khi có sự kiện trọng đại như đám cưới, mừng nhà mới...", bà Đinh Thị Thế, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lạc Bình 2 (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, Ninh Bình), chia sẻ.

Theo bà Thế, tiếng cồng chiêng là linh hồn của văn hóa, tiếng chiêng mang ý nghĩa linh thiêng. Người Mường quan niệm mỗi chiếc chiêng đều có thần, có hồn.

Đây không chỉ là loại hình nghệ thuật đặc sắc, phổ biến và có sức lan tỏa trong đời sống văn hóa của người Mường mà còn là "vật báu hồn thiêng", thể hiện những giá trị tâm linh sâu sắc.

"Trước đây, tiếng cồng chiêng của người Mương có giá trị vô cùng lớn lao, là khởi đầu cho tất cả những sự kiện lớn nhỏ. Cưới hỏi cũng không thể thiếu tiếng cồng chiêng.

Khi nhà trai đến đầu ngõ gõ chiêng, nếu chưa nhận được tiếng chiêng đáp lại từ nhà gái thì nhất quyết chưa được vào. Ngược lại, nếu tiếng chiêng từ nhà gái vang lên, nghĩa là "đàng gái" đã sẵn sàng, xin mời nhà trai vào nhà", bà Thế nói.

Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời

Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời

Bà Trần Thị Ngọc Linh, công chức văn hóa-xã hội xã Thạch Bình, cho biết, năm 2024, xã đã thành lập thêm 5 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng. Dự kiến năm 2025, cả 18/18 thôn của xã Thạch Bình sẽ có CLB cồng chiêng.

Các CLB được hỗ trợ mua trang thiết bị, âm thanh, nhạc cụ. Mỗi CLB có 20 thành viên và chiêng có 12 cái, tương ứng với 12 nốt nhạc tượng trưng cho sự giao hòa của 12 tháng trong năm.

Các ngày lễ, sự kiện quan trọng không thể thiếu tiếng cồng chiêng Mường. Các CLB cũng thường xuyên giao lưu với nhau, góp phần gìn giữ văn hóa Mường.

Tại xã Thạch Bình, một thời không được nghe tiếng chiêng ngày xuân, hay trong những dịp cưới hỏi, làm nhà, khai mùa cày cấy...

Thế nhưng giờ đây, ở các thôn người Mường tại xã Thạch Bình, mỗi dịp có sự kiện quan trọng, người dân lại hòa mình vào điệu chiêng, cùng hát vang những lời ca cổ.

Tiếng chiêng đã trở thành âm thanh quen thuộc trong các ngày hội văn hóa, hội diễn, hội thi, là niềm tự hào của cộng đồng người Mường ở vùng đất bán sơn địa này.

Nguyễn Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/linh-thieng-tieng-chieng-muong-20241122131119788.htm