Loại gia vị trở thành 'linh hồn' của món salad
Với Tahini, bạn có thể tự do 'thiết kế' nước sốt salad theo phong cách riêng của mình.
Dù là mùa đông hay mùa hè, dù trời lạnh hay nóng, một đĩa salad luôn là lựa chọn hoàn hảo giúp bạn giải tỏa căng thẳng và cảm nhận sự tươi ngon ngay trong từng miếng. Không thể phủ nhận rằng nước sốt chính là linh hồn của món salad. Dù cho sốt salad bán sẵn rất tiện lợi và đảm bảo hương vị vừa vặn. Nếu muốn sáng tạo hơn, bạn có thể thử dùng Tahini - một loại sốt bơ vừng để tạo ra nhiều hương vị sốt salad đa dạng và độc đáo.
Tahini - một loại sốt bơ đáng nhớ
Có lẽ chúng ta đều biết đến hạt vừng và sử dụng chúng trong nấu ăn như thế nào. Và bạn đang tự hỏi vừng thì liên quan gì đến Tahini phải không?
Tahini là một loại bột nhão được làm bằng cách nghiền nhỏ hạt vừng rang nhẹ. Chúng được ứng dụng linh hoạt trong nền ẩm thực Trung Đông từ lâu đời, từ nhúng rau tươi, nấu súp, làm nước sốt salad và thậm chí là nướng bánh nữa.
Từ xa xưa, vừng đã có một vai trò quan trọng.
Cây vừng, đã được trồng từ hơn 5.000 năm trước. Đến từ Quần đảo Sundra của Indonesia, cây vừng du hành đến nhiều châu lục, nhờ những người du mục, nhà thám hiểm. Cây vừng trước đó được sử dụng trong nhiều nền văn hóa và quốc gia. Người Trung Quốc đốt cây vừng để làm mực, người Ai Cập dùng dầu mè đốt đèn, còn người Ấn Độ, nhất là những người theo đạo Hindu sử dụng dầu mè trong các nghi thức tang lễ của họ.
Lịch sử lâu đời và phong phú của cây vừng cũng từng được "tiết lộ" trong truyện Alibaba và bốn mươi tên cướp. Câu thần chú "Vừng ơi, mở ra!" đã giúp mở ra hang động chứa đầy châu báu một cách kỳ diệu. Phải chăng câu thần chú này được lấy cảm hứng từ quá trình chín của vỏ vừng?
Mặc dù sự liên hệ nho nhỏ này không khẳng định được điều gì, nhưng đã chứng minh được vừng đã gắn liền trong đời sống văn hóa của người Trung Đông rất sâu sắc. Thật may mắn, ngày nay, chúng đã trở nên giá trị hơn nhiều, khi được đặt trên những kệ hàng đắt đỏ.
Một trong những lý do khiến sốt bơ vừng rất ngon là vì nó có nhiều chất béo, đồng thời cũng giàu dinh dưỡng. Ngoài chứa rất nhiều vitamin B và E, magiê, sắt, chúng còn có hàm lượng canxi cao đáng ngạc nhiên. Tahini mang lại cảm giác dính và mượt mịn trong miệng bởi chúng đậm đặc dinh dưỡng, như ngày nay, chúng ta gọi đó là thứ chất béo tốt.
Vị của Tahini thế nào?
Bạn có tò mò vị của loại gia vị sốt bơ này như thế nào không?
Tahini được làm từ hạt vừng ngâm trong nước và sau đó nghiền nát để tách cám ra khỏi nhân. Hạt được giã nát ngâm vào nước muối làm chìm lớp cám. Các hạt nổi sẽ được hớt khỏi bề mặt, nướng và xay để tạo ra một hỗn hợp dầu. Tahini cũng có thể được chế biến bằng hạt chưa rang và được gọi là "tahini thô". Đây chính là cách sản xuất Tahini xưa kia thường dùng.
Tahini khi được chế biến đúng cách sẽ có vị ngọt nhẹ, ngậy như hạnh nhân. Chúng được miêu tả là có nốt cuối đắng "tinh tế". Và khi cảm thấy "ưng cái bụng" loại sốt này, bạn sẽ rất thích sử dụng chúng trong các món salad của mình.
Tahini bị đắng, phải làm sao?
Tahini hẳn không phải cần một quá trình sản xuất thần thánh, vì bạn có thể tự làm chúng tại nhà. Như đã nói, vị cuối của Tahini có chút đắng tinh tế nhưng nếu đắng sâu thì có lẽ bạn đã gặp rắc rối trong quá trình thực hiện.
Khi rang hoặc nướng vừng, chúng rất dễ bị cháy nếu bạn không kiểm soát nhiệt tốt. Rõ ràng điều này sẽ khiến chúng trở nên đắng trong chốc lát. Ngoài ra, bảo quản không đúng cách cũng làm Tahini trở nên nhanh hỏng. Đơn cử như việc chúng nhiều chất béo nên dễ bị ôi thiu.
Nếu bạn mua một lọ Tahini mới tinh, hãy đặt chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời. Sau khi đã mở nắp, nhớ giữ lạnh. Còn đối với Tahini tự làm phải luôn được bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trước hai tháng.
Tahini "đa nhiệm"
Bạn đang tự hỏi loại sốt này sẽ làm nên chuyện gì hay ho? Pha nước chấm, rưới lên salad, nấu súp hoặc cho vào món mặn... chúng đều trở nên thơm ngon dưới bàn tay khéo léo của bạn.
Còn nếu bạn đang suy nghĩ đến việc tự làm bơ mè? Hãy thử tham khảo công thức sau.
Công thức Tahini rất đơn giản
Không cần một cách thức cầu kỳ, bạn có thể tự làm Tahini tại nhà. Để làm được loại sốt vừng này chỉ cần hạt vừng, dầu và một chút muối. Đương nhiên, không thể thiếu chiếc máy xay sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hiệu quả.
Nguyên liệu để làm bơ mè gồm 300g vừng tách vỏ, 1/4 bát dầu ô liu nguyên chất hoặc dầu hạt cải, 1/4 thìa cà phê muối.
Đầu tiên, cho hạt vừng vào chảo rang ở mức lửa nhỏ. Đảo đều liên tục đến khi có mùi thơm, chỉ chuyển màu hơi vàng thì tắt bếp. Đừng để vừng chuyển màu nâu sậm. Bởi vậy, hãy tập trung khi rang vừng, đây không phải là lúc bạn lướt điện thoại hoặc mải mê trò chuyện với người bên cạnh.
Sau khi vừng đã chín nhẹ, đổ vừng vào máy xay. Thêm dầu ăn, muối và bắt đầu xay. Chỉ mất vài phút cho hỗn hợp mịn mượt. Cho bơ mè vào hũ thủy tinh, đậy kín nắp. Hãy bảo quản bơ mè trong ngăn mát tủ lạnh, từ 3 tuần đến 1 tháng. Tuy nhiên, hãy dùng càng sớm càng tốt và nên làm vừa đủ, không nên làm quá nhiều.