Loại xe nào chịu mức phí ít nhất khi đi trên cao tốc do nhà nước đầu tư?

So với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km.

Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỉ đồng.

 Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Bình Thuận) là một trong những tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Ảnh PN.

Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Bình Thuận) là một trong những tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Ảnh PN.

Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỉ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km, gồm: 61.000 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước đã bố trí thực hiện hoàn thành 916 km các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và các dự án cao tốc đang thi công.

Khoảng 211.000 tỉ đồng để khởi công và hoàn thành 1.127 km trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 105.500 tỉ đồng và ngoài ngân sách 105.500 tỉ đồng.

Cụ thể, cần khoảng 121.000 tỉ đồng để khởi công 925 km giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 73.000 tỉ đồng, ngoài ngân sách 48.000 tỉ đồng.

Như vậy, trong 10 năm tới, yêu cầu ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng mới đường cao tốc lên đến 239.500 tỉ đồng, bình quân 24.000 tỉ đồng/năm.

 10 năm tới, yêu cầu ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng mới đường cao tốc lên đến 239,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 24 nghìn tỷ/năm. Ảnh PN.

10 năm tới, yêu cầu ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng mới đường cao tốc lên đến 239,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 24 nghìn tỷ/năm. Ảnh PN.

Tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã đưa ra các định hướng huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc dưới nhiều hình thức.

Bộ GTVT nhận định, mức thu phí sử dụng đường cao tốc được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí có liên quan có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.

Mức thu được xây dựng trên cơ sở pháp luật về phí và lệ phí; tránh thu phí trùng phí; đảm bảo hợp lý, hài hòa nên mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được.

Hiện có 12 dự án/đoạn tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. Do vậy, mức phí được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tính toán và phân tích lợi ích của của chủ phương tiện khi lưu thông trên các tuyến cao tốc đó.

 Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn qua Đồng Nai do Nhà nước đầu tư. Ảnh PN.

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn qua Đồng Nai do Nhà nước đầu tư. Ảnh PN.

Đồng thời, tham khảo thông lệ quốc tế, theo đó người sử dụng đường cao tốc thường sẵn sàng chi trả mức chi phí tương đương với 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc.

Phân tích các tuyến đường cao tốc nhà nước đầu tư trước năm 2020, đang hoặc chuẩn bị vận hành, khai thác, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy, so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km.

Trong đó, 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường. Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km; phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.174 đồng/km.

 Theo Bộ GTVT : Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất khi đi trên cao tốc là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km. Ảnh PN.

Theo Bộ GTVT : Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất khi đi trên cao tốc là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km. Ảnh PN.

Trên cơ sở lợi ích tính toán và cân đối với mức giá đang thực hiện đối với các dự án BOT quốc lộ cũng như các dự án BOT cao tốc; các chính sách tổ chức, điều tiết giao thông đảm bảo tốc độ dòng giao thông trên cao tốc. Mức phí sử dụng cao tốc nhà nước đầu tư dự kiến mức 1 tương đương với 70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 1.300 đồng/xe/km).

Mức 2 (mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ ) tương đương với 50% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe/km).

 Cao tốc Mai Sơn-QL45 cũng do Nhà nước đầu tư. Ảnh ĐẶNG TRUNG.

Cao tốc Mai Sơn-QL45 cũng do Nhà nước đầu tư. Ảnh ĐẶNG TRUNG.

Theo Bộ GTVT việc thu phí này góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách nhà nước.

Bộ GTVT tính toán với mức phí đề xuất nêu trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác gồm: Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, TP.HCM – Trung Lương, Mai Sơn – QL.45, QL.45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây và Mỹ Thuận – Cần Thơ, số phí thu được là 3.210 tỉ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỉ đồng/năm.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/loai-xe-nao-chiu-muc-phi-it-nhat-khi-di-tren-cao-toc-do-nha-nuoc-dau-tu-post806236.html