Logistics xanh: Điểm tựa để doanh nghiệp vượt qua các cú sốc
Trong bối cảnh thị trường đầy biến động, logistics xanh là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và là điểm tựa để doanh nghiệp vượt qua các cú sốc.
Đây là khẳng định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại diễn đàn “Logistics xanh - Sức bật trong biến động, kết nối cùng FIATA World Congress 2025” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 11/7, tại Hà Nội.
Logistics xanh “lá chắn kinh tế” rất cần thiết
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải cho hay, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc Top 5 ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ tại diễn đàn
Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 lên 786,29 tỷ USD.
Tuy nhiên, những cú sốc từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa toàn cầu mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách đối với khả năng thích ứng và phục hồi của ngành logistics toàn cầu. Trong bối cảnh này, logistics xanh là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và là điểm tựa để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các cú sốc.
Việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu lộ trình, số hóa quản lý kho bãi không chỉ tốt cho môi trường mà còn giảm được gánh nặng chi phí dài hạn. Trong bối cảnh giá dầu, giá vận chuyển luôn biến động, đây là một “lá chắn kinh tế” rất cần thiết.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, trên thế giới đặt ra những mục tiêu khá thách thức về giảm phát thải. Theo đó, EU triển khai cơ chế CBAM - đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có phát thải cao. Áp lực từ người tiêu dùng buộc nhà cung cấp phải xây dựng chuỗi cung ứng xanh, trong đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia chuỗi cung ứng phải ‘xanh’. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, chứng chỉ xanh sẽ là điểm vượt trội.
Theo ông Trần Thanh Hải, logistics xanh ở Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển khi hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng, đặc biệt là một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.
Sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử: Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Mặc dù vậy, ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh đến những thách thức của logistics xanh của Việt Nam. Cụ thể như: Chi phí đầu tư cho logistics xanh còn lớn trong khi chưa có sự hỗ trợ; công nghệ chưa phổ biến, giá thành cao; thiếu chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai; hạ tầng chưa đáp ứng và về nhận thức, thói quen.
Do đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh. Nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường; chia sẻ và nỗ lực hợp tác giữa các doanh nghiệp; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp
Lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn
Chỉ ra những áp lực ngày càng lớn trong việc giảm phát thải carbon và xây dựng các mạng lưới bền vững, có khả năng chống chịu… Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho hay, trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, sự dịch chuyển và tái cấu trúc thương mại toàn cầu, tác động từ xung đột địa chính trị giữa các quốc gia, biến động giá nhiên liệu, khủng hoảng container, cùng với đòi hỏi về tiêu chuẩn ESG, Net Zero và thuế biên giới carbon… đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật mới, buộc doanh nghiệp logistics phải chuyển đổi để tồn tại và nâng sức cạnh tranh.

Toàn cảnh diễn đàn
“Xanh hóa” trở thành con đường sống còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và tạo sức bật trong chuỗi biến động. Phát triển logistics xanh sẽ là lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn, vượt lên trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa, cho hay, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ mang tính lịch sử, trong đó, chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế.
Với sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ, ngành logistics Việt Nam sẽ không chỉ vượt qua những biến động hiện tại mà còn tạo nên những bước tiến vượt bậc, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững của đất nước.
Diễn đàn hôm nay còn mang ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình chuẩn bị cho FIATA World Congress 2025 - sự kiện lớn nhất của ngành logistics toàn cầu, sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 tới.
“Với chủ đề “Logistics xanh và Thích ứng nhanh”, FWC2025 phản ánh đúng những thách thức mang tính toàn cầu mà ngành logistics đang đối mặt: Từ đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị, đến sức ép về phát thải và tiêu chuẩn ESG từ các thị trường lớn”, ông Đào Trọng Khoa nói.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về xu hướng và yêu cầu tất yếu phát triển mạng lưới cung ứng xanh; logistics cho thương mại điện tử: Biên giới tiếp theo về tốc độ, hiệu quả và chi phí; chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo - đột phá phát triển logistics xanh và bền vững; phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt, bền vững và hiện đại hóa chuỗi lạnh;... Đồng thời, đề xuất giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác giữa các hiệp hội quốc tế, hiệp hội ngành hàng cho phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh; đề xuất lộ trình và biện pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, các ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, sẽ được VCCI tổng hợp báo cáo Chính phủ cùng các cơ quan liên quan cũng như góp ý hoàn thiện chương trình Đại hội FIATA World Congress 2025 mà Việt Nam là chủ nhà.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng kỳ vọng sự kiện FIATA WORLD CONGRESS 2025 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, là cơ hội khẳng định vị thế của ngành logistics Việt Nam nói riêng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.Gián tiếp mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, gia nhập thị trường và các chuỗi giá trị mới, góp phần phát triển kinh tế Việt Nam, đưa đất nước đến năm 2045 trở thành nước phát triển như mục tiêu đã đề ra.