Lợi gì khi giao nhà đầu tư cao tốc được làm trạm dừng nghỉ?

Việc xem xét, giao nhà đầu tư dự án PPP giao thông xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến được đánh giá là cần thiết, giúp tối ưu thời gian thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ, mỹ quan…

Số lượng còn hạn chế

Hành trình cao tốc Bắc - Nam từ TP.HCM đến Khánh Hòa dài khoảng 380km nhưng hiện mới chỉ có một trạm dừng nghỉ đang được khai thác ở đoạn Long Thành - Dầu Giây (tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) và một số trạm dừng nghỉ tạm để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho lái xe.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: Internet).

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: Internet).

Trên suốt đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh dài 206km, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách cho người dân, đặc biệt là các dịp cao điểm lễ, Tết, các trạm dừng nghỉ cũng đã được hình thành, song cũng mới ở tình trạng "tạm".

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phương tiện lưu thông với tốc độ càng lớn thì tinh thần lái xe càng căng thẳng và thời gian điều khiển phương tiện trên cao tốc tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn giao thông. Nếu chạy xe trên đường cao tốc liên tục 2 giờ thì cả người và xe được khuyến nghị cần nghỉ ngơi 15 phút.

Vì vậy, việc bố trí, thiết kế các cơ sở dịch vụ nói trên luôn là vấn đề cấp thiết cần đặc biệt được quan tâm và đề cập ngay từ khi lập dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5729:2012 yêu cầu thiết kế đường cao tốc ô tô, khoảng từ 15 - 25km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Khoảng từ 50 - 60km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).

Khoảng cách từ 120 - 200km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn).

Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mặc dù chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua từ năm 2022 tại Nghị quyết số 44/2022/QH15. Cho đến 31/7/2023, mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được phê duyệt với tổng số 36 trạm.

Trong số đó, 7 trạm đã đưa vào khai thác, 2 trạm đang đầu tư xây dựng và 27 trạm chưa đầu tư.

Các trạm dừng nghỉ được quy hoạch không chỉ là nơi nghỉ ngơi tái tạo năng lượng cho người tham gia giao thông, cấp nhiên liệu cho các phương tiện sau quãng đường dài mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phát triển vùng miền, trở thành điểm nhấn về cảnh quan, văn hóa cho địa phương và khu vực.

"Với sự an toàn, tiện ích khi lưu thông trên đường cao tốc có trạm dừng nghỉ còn góp phần thu hút người tham gia giao thông yên tâm lựa chọn tuyến đường, tăng lưu lượng phương tiện, tăng hiệu quả khai thác công trình", luật sư Tuấn đánh giá.

Theo ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN, để có cơ sở tổ chức, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ, từ năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01/2023 hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

Thủ tục chuẩn bị đầu tư trạm dừng nghỉ phục vụ người dân trên các tuyến cao tốc đang được Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan rốt ráo thực hiện (Ảnh minh họa).

Thủ tục chuẩn bị đầu tư trạm dừng nghỉ phục vụ người dân trên các tuyến cao tốc đang được Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan rốt ráo thực hiện (Ảnh minh họa).

Có thể giao nhà đầu tư dự án PPP làm luôn trạm dừng nghỉ

Đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông sau khi các tuyến đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, từ đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xây dựng Thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương triển khai các các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc.

Bộ GTVT khẳng định từ nay đến cuối năm 2025, toàn bộ trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới đi vào khai thác sẽ hoàn thành theo đúng quy hoạch.

Có thể nói, những vướng mắc về quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, các quy định pháp luật trong lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ đã và đang được quan tâm điều chỉnh.

Mặc dù vậy, nhiều quan điểm cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, tạo cơ chế để doanh nghiệp đầu tư dự án đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có thể đồng thời được phép xây dựng trạm dừng nghỉ và tính vào phương án hoàn vốn.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực giao thông (xin giấu tên), doanh nghiệp PPP khi tham gia dự án đã phải vượt qua những yêu cầu khắt khe năng lực và kinh nghiệm.

Nếu nhà đầu tư PPP triển khai cả hệ thống trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc, yếu tố quy hoạch tổng thể sẽ được đảm bảo, góp phần giảm thiểu thời gian xây dựng trạm.

"Để nhà đầu tư tham gia đầu tư trạm dừng nghỉ cũng là giải pháp tăng sức hút của các dự án PPP.

Như hiện tại, nhà đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng không được kinh doanh trạm dừng nghỉ trong phương án hoàn vốn", vị này nói.

Theo PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), giao việc xây dựng trạm dừng nghỉ cho các nhà đầu tư dự án PPP sẽ không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn phát huy tính sáng tạo từ không gian kiến trúc, vận hành kết hợp quảng bá các sản vật, văn hóa địa phương.

"Đối với các dự án cao tốc BOT, nhà nước có thể giao luôn cho doanh nghiệp đầu tư chủ động xây dựng các trạm dừng nghỉ.

Tại điểm c khoản 1 Điều 52 Dự thảo Luật Đường bộ đang được trình Quốc hội cũng nêu: "Đối với dự án đường cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chi phí đầu tư, xây dựng các hạng mục trạm dừng nghỉ không có mục đích kinh doanh được tính trong tổng mức đầu tư dự án.

Nhà đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có trách nhiệm tự bố trí nguồn vốn để đầu tư các hạng mục trạm dừng nghỉ có mục đích kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật".

Nội dung này tới đây nếu được thông qua sẽ góp phần quan trọng "khơi thông" cơ chế để xã hội hóa nguồn lực đầu tư các trạm dừng nghỉ trong tương lai", ông Chủng nhận định.

Cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ

Đảm bảo hệ thống trạm dừng nghỉ sớm được đồng bộ trên các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ VN trước đây) cho rằng, ngay trong thời gian tới, cơ quan chức năng nên rà soát, những tuyến cao tốc nào có thể tận dụng mặt bằng hoặc đã có sẵn mặt bằng thì mở nhanh các trạm dừng tạm để giải quyết nhu cầu cho người dân.

Với các trạm dừng đã có trong quy hoạch, cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh quá trình triển khai. "Khi đã có tiêu chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể", ông Chung nói.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, để tránh tình trạng nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ manh mún, thiếu tầm nhìn quy hoạch tổng thể, chỉ đấu thầu để giành quyền kinh doanh nhưng không thực sự chú trọng vai trò cốt lõi của trạm dừng nghỉ là nơi nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng cho người dân tham gia giao thông, quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cần chọn được đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, vận hành khai thác để đề xuất quy hoạch các trạm dừng nghỉ.

Ngoài ra, cần tổ chức đấu thầu các cụm trạm dừng nghỉ đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc và đầu tư hệ thống giao thông thông minh để đảm bảo an toàn, hiệu quả khai thác.

Ninh Cơ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loi-gi-khi-giao-nha-dau-tu-cao-toc-duoc-lam-tram-dung-nghi-192240625172816161.htm