Lợi lớn khi nâng tốc độ cao tốc Bắc - Nam lên 90km/h

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về việc nâng giới hạn tốc độ với một số tuyến cao tốc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã rà soát tiêu chuẩn và nhận thấy, các tuyến 80km/h có thể nâng lên 90km/h, thực hiện từ đầu năm 2024.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc này sẽ tối ưu hoạt động vận tải và thời gian lưu thông, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cao tốc.

Tài xế, doanh nghiệp mong sớm triển khai

Đón nhận thông tin trên, nhiều tài xế, doanh nghiệp vận tải đều hồ hởi, đồng thời bày tỏ mong muốn việc này sớm được thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi, ở Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa), một tài xế chuyên lái xe đường dài cho biết: "Tôi thường xuyên lưu thông trên các tuyến cao tốc, đường vừa đẹp vừa thông thoáng nhưng một số đoạn chỉ cho phép chạy 80km/h là chưa phù hợp".

Tương tự, anh Vũ Xuân Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đức Toàn - Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ thường xuyên vận chuyển hàng hóa ra Hà Nội, phải đi rất nhiều đoạn cao tốc, có những đoạn tốc độ 90 - 120km/h. Nhưng hiện nay cao tốc qua Thanh Hóa vẫn đang hạn chế tốc độ 80km/h. Nếu nâng lên 90km/h, lộ trình vận chuyển hàng hóa từ Nghi Sơn đi Hà Nội sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Anh Nguyễn Văn Minh, một lái xe tải chuyên chạy hàng từ Nghệ An đi các tỉnh phía Bắc cho biết: "Chạy cao tốc với tốc độ giới hạn 80km/h, lỡ đạp ga lâu một chút là quá tốc độ nên nhiều khi đi một mình một đường vẫn phải chăm chăm nhìn đồng hồ cảnh báo tốc độ".

Là người làm việc tại TP Vinh (Nghệ An), thường xuyên về thăm quê Hà Nam bằng cao tốc mới, anh Hoàng Văn Hưng (43 tuổi) cho biết: "Tính ra cao tốc mới cho chạy 80km/h còn thua cả quốc lộ 1 cho chạy 90km/h. Thời gian di chuyển có ngắn hơn so với đi quốc lộ 1 nhưng đó là vì không có xe máy, xe thô sơ. Còn đi ban đêm tính ra thời gian cũng ngang nhau".

Với tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm chạy qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều dài gần 50km hiện được khai thác tốc độ tối đa 80km/h, tối thiểu là 60km/h. Thời gian qua, việc khai thác với với tốc độ 80km/h khiến nhiều doanh nghiệp cũng như tài xế phản ánh chưa tối ưu được thời gian.

Giới tài xế, doanh nghiệp vận tải mong muốn việc nâng giới hạn tốc độ tối đa sớm được triển khai nhằm tối ưu thời gian lưu thông

Giới tài xế, doanh nghiệp vận tải mong muốn việc nâng giới hạn tốc độ tối đa sớm được triển khai nhằm tối ưu thời gian lưu thông

Theo ông Nguyễn Khánh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hồng Nhật (Cát Thiên Hải), đơn vị có hàng chục xe khách chạy tuyến Nha Trang – TP.HCM, việc chỉ cho lưu thông với tốc độ 80km/h ảnh hưởng không nhỏ về thời gian của hành khách.

"Việc tăng tốc độ tối đa lên 90km/h đối với các tuyến cao tốc đã hoàn thành là rất cần thiết. Đường chất lượng tốt mà hạn chế tốc độ thì mục tiêu rút ngắn thời gian không có nhiều ý nghĩa", ông Nguyên bày tỏ.

Tương tự, tài xế Huỳnh Văn Tuấn (ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, miền Tây có tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận song tốc độ cho phép tối đa 80km/h là quá chậm: "Tài xế chạy rất ức chế, phải canh để chạy từ 60 - 70km/h, nếu không rất dễ vượt tốc độ cho phép".

Thiếu tá Nguyễn Kim Thi, Đội trưởng đội tuần tra số 4, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT cho biết, việc nâng tốc độ tối đa trên đoạn tuyến cao tốc mới lên 90km/h là cần thiết. Tuy nhiên, qua thời gian khai thác tuyến, lực lượng chức năng nhận thấy, nếu nâng giới hạn tốc độ thì phải phân định làn đường và loại xe được phép chạy tới 90km/h.

Bởi hiện nay cao tốc chỉ có 2 làn xe, không có làn khẩn cấp mà chỉ có dải dừng khẩn cấp ngắt quãng, nếu để xe tải, xe khách cùng chạy 90km/h như ô tô con rất nguy hiểm. "Vì thế, cần phân định loại xe như ô tô con thì được chạy 90km/h và có làn riêng. Còn xe tải, xe khách, container chạy 80km/h ở làn riêng. Ngoài ra, cần đầu tư thêm làn khẩn cấp để đảm bảo an toàn", thiếu tá Thi nói.

Cần thiết và phù hợp

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, địa phương ủng hộ chủ trương điều chỉnh lại giới hạn tốc độ một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h.

"Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện có tốc độ tối đa 80km/h. Sở GTVT đang chờ Cục Đường bộ phối hợp khảo sát, đề xuất phương án phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, tuyến này cần đầu tư nâng cấp mở rộng lên 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp để đảm bảo an toàn", ông Bon đề xuất.

Ông Dương Đức Ý, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Bình Thuận cho rằng, đề xuất nâng tốc độ các tuyến cao tốc từ 80 km/h lên 90km/h là hợp lý, chắc chắn các doanh nghiệp vận tải đều ủng hộ: "Tỉnh Bình Thuận có hai tuyến cao tốc đi qua với tổng chiều dài hơn 200km. Trong khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được phép lưu thông tối đa 120km/h thì tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết chỉ được chạy 80km/h. Việc nâng tốc độ sẽ tăng năng lực thoát xe".

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa bày tỏ quan điểm, các tuyến đường bộ bình thường nếu là đường đôi (có dải phân cách giữa) khu vực ngoài đô thị xe ô tô cũng đã cho khai thác 90km/h. Với đường cao tốc đã là đường đôi không có xe mô tô, thô sơ đi vào, không có giao cắt nên việc khai thác 90km/h là phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Huy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, đối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Tập đoàn Sơn Hải đã đầu tư xây dựng đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng, việc cho phép khai thác 90km/h là cần thiết.

Đối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Túy Loan (La Sơn – Hòa Liên), ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, Ban sẽ chờ các chỉ đạo của Bộ GTVT để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo.

Còn theo ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa, Bộ GTVT tính toán việc nâng tốc độ là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tất cả các yếu tố kỹ thuật, thiết kế đã được chủ đầu tư tính toán kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành dự án QL 45 - Nghi Sơn cho rằng, khi nâng tốc độ lên, chỉ cần thay đổi biển báo về tốc độ. Hiện nay, về cơ bản tuyến đường đáp ứng được tốc độ 90km/h.

Đủ căn cứ để thực hiện

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến cao tốc với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.

Một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo phương án phân kỳ và đưa vào khai thác được phê duyệt phương án tổ chức giao thông với tốc độ tối đa cho phép 80km/h, tốc độ tối thiểu 60km/h như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Sơn - QL45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Dự kiến đầu năm 2024, Bộ Giao thông vận tải sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h (Trong ảnh: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 hiện cho phép tốc độ tối đa là 80km/h) Ảnh: Tạ Hải

Dự kiến đầu năm 2024, Bộ Giao thông vận tải sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h (Trong ảnh: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 hiện cho phép tốc độ tối đa là 80km/h) Ảnh: Tạ Hải

Về cơ sở để nâng tốc độ lên 90km/h, ông Thành cho hay, theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác. Thông thường, tốc độ tối đa cho phép lớn hơn hoặc bằng tốc độ thiết kế đã lựa chọn.

Trong các văn bản pháp luật về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc hiện nay, tốc độ lưu hành cho phép sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phương án tổ chức giao thông đường cao tốc. Bộ GTVT phê duyệt phương án, phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý.

Trong thời gian phân kỳ đường cao tốc có thể chấp nhận cho hạn chế tốc độ khai thác cho phép thấp hơn tốc độ của đường cao tốc trong tương lai (khi đã được xây dựng hoàn chỉnh). Tốc độ khai thác cho phép phụ thuộc vào tình trạng thực tế của đường, điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông. Trong mọi trường hợp, tốc độ khai thác tối đa không nên quá 90km/h.

Trong khi đó, hiện có nhiều đoạn tuyến trên hệ thống đường quốc lộ được nâng cấp, cải tạo với điều kiện tương đồng như đường cao tốc phân kỳ đầu tư. Các tuyến đường này có điều kiện khai thác phức tạp hơn các tuyến đường cao tốc 4 làn hạn chế, có dòng giao thông hỗn hợp.

Các tuyến quốc lộ hiện hữu có điều kiện tương đồng với các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ xây dựng 4 làn xe hạn chế cũng cho phép tốc độ tối đa 90km/h đối với một số loại phương tiện.

Từ đó, ông Thành cho rằng, việc nghiên cứu, xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, từ 80km/h lên tốc độ đa 90 - 100km/h là có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn.

"Việc điều chỉnh này sẽ góp phần nâng cao tốc độ hành trình của phương tiện tham gia giao thông, nâng cao mức độ phục vụ của tuyến đường, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác các đoạn tuyến", ông Thành cho hay.

"Với các tuyến đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép lên 90km/h đối với một số loại phương tiện như xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt).

Ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn, các phương tiện còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80km/h đã được phê duyệt tại phương án khai thác; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông của tuyến đường cao tốc tạm thời theo quy định"

Ông Lê Kim Thành

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loi-lon-khi-nang-toc-do-cao-toc-192231113213638234.htm