Lợi nhuận giảm, định giá quá 'đắt', cổ phiếu Gemadept liệu có bị bán tháo?
nh giá (P/E) của cổ phiếu GMD lên đến 33,x lần, cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành cũng như chỉ số VN-Index.
Giá trị cổ phiếu có tương xứng?
Không nằm ngoài con sóng cảng biển, cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept cũng liên tục tăng nóng thời gian gần đây. Cổ phiếu này đã tăng gần 30% trong khoảng một tháng và đã 2 lần vượt ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu bất thành và đều đảo chiều giảm điểm trong phiên 11 và 16/8 vừa qua.
Hiện thị giá GMD đang dừng ở mức 48.750 đồng/cổ phiếu, cao hơn 53% so với thời điểm đầu năm 2021. Do đó, không bất ngờ khi cổ phiếu này phải chịu áp lực chốt lời mạnh do mức định giá quá “đắt”.
Theo số liệu báo cáo tài chính các quý, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 4 quý của Gemadept chỉ ở mức 1.460 đồng. Với thị giá 48.750 đồng/cổ phiếu, định giá (P/E) của cổ phiếu GMD lên đến 33,x lần, cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành cũng như chỉ số VN-Index. Thực tế, Gemadept chưa cho thấy được những lợi thế khác biệt để thị trường trả mức giá cao như vậy.
Lợi nhuận bị chững lại
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 7 tháng, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần tăng 19% lên 1.678 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động khai thác cảng chiếm đóng góp 1.447 tỷ đồng, chiếm 86%. Phần còn lại là doanh thu từ logistics, cho thuê văn phòng và các hoạt động khác.
Sau khi trừ các chi phí đồng thời ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết (120 tỷ đồng), Gemadept lãi trước thuế 450 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 403 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 331 tỷ đồng, cũng tăng 27% so với 7 tháng đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu tính riêng tháng 7, doanh thu thuần của Gemadpet tăng 16% lên 239 tỷ đồng tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lại giảm 1% so với cùng kỳ xuống còn 42 tỷ đồng.
Như vậy, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh nửa đầu năm, lợi nhuận của Gemadept đã có dấu hiệu chững lại. Nếu tiếp tục xu hướng này trong những tháng tiếp theo, EPS của Gemadept sẽ không được cải thiện. Khi đó, sẽ không quá bất ngờ nếu cổ phiếu GMD tiếp tục giảm về mức định giá hợp lý hơn.
Năm 2021, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh theo hai kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản lạc quan, doanh thu dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; tăng lần lượt 7% và 37%. Ở kịch bản trung bình, công ty kỳ vọng doanh thu tăng 4% lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, tăng 23%.
Tính đến cuối tháng 7, tổng tài sản của Gemadept đạt 10.254 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng thêm 128 tỷ, tương ứng 46% so với đầu năm lên gần 627 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay của doanh nghiệp giảm nhẹ 4% xuống 1.818 tỷ đồng trong đó nợ vay dài hạn chiếm 57%.
Hiện Gemadept vẫn đang đầu tư vào 16 công ty liên doanh, liên kết với tổng giá trị đầu tư 2.461 tỷ đồng. Khoản lãi đến từ liên doanh, liên kết cũng có đóng góp đáng kể vào lợi nhuận mỗi quý của doanh nghiệp này.