Lối về ấu thơ

Tôi rất nhớ những ngày tháng tuổi thơ, nơi mà điều khó nhất phải làm là quyết định xem bây giờ sẽ chơi trò gì?' (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh). Trẻ con mà! Vui chơi vẫn là nhu cầu và mong muốn lớn hơn tất thảy. Và ngay cả người lớn cũng thế. Cũng bất giác mỉm cười thật tươi khi nghĩ về những trò chơi đã một thời náo động tuổi thơ mình.

Chơi chuyền từng là trò chơi được yêu thích của các bé gái một thời.

Chơi chuyền từng là trò chơi được yêu thích của các bé gái một thời.

Vòng xoay hối hả, xô bồ của cuộc sống thường nhật hiếm khi cho chúng ta cơ hội dừng chân trên chuyến ga đời để ngoảnh lại, sống lâu hơn một chút với hoài niệm, ký ức đã qua. Có lẽ bởi vậy mà trong mỗi chúng ta, dẫu cứ phải lớn lên và già đi, thì trong tim vẫn ấp ôm mãi khoảng trời tuổi thơ rộn rã tiếng cười, hồn nhiên, vô tư lự với lũ bạn tinh quái, những trò chơi chẳng tốn kém mà “vui hết sảy”. Với thế hệ 7x, 8x, 9x, những trò chơi “kinh điển” nhất không thể không nhắc tới như bắn bi, chơi cù, bắn súng, nhảy nụ, chơi chuyền, nhảy dây, ô ăn quan...

Bắn bi ấy à, tụi con trai đứa nào cũng mê tít. Chúng tụm năm tụm ba “so kè” với nhau về bộ sưu tập bi của mình rồi chẳng ngần ngại lăn lê trên nền đất, cốt sao tìm được tư thế thuận lợi nhất để bi của mình bắn trúng mục tiêu. Cái trò chơi đơn giản đến không thể đơn giản hơn được nữa thật kỳ lạ lại đủ sức hấp dẫn, làm si mê bao cậu nhóc. Hết chơi bi, đám con trai lại có trò chơi cù (con quay). Trò chơi này cầu kỳ hơn bắn bi, từ dụng cụ chơi đến cách chơi. Con cù được làm từ gỗ của các loại cây như xoan, găng, ổi. Từ khúc gỗ nhỏ, cứng trơ trơ, từng bước kiên nhẫn, tỉ mỉ đẽo, gọt đỉnh cù, thân và mấu cù sao cho vừa đẹp mắt vừa có thể quay được. Cù của ai quay càng lâu thì càng thích thú.

Nhưng có lẽ, cái trò náo động và hấp dẫn nhất với tụi con trai vẫn là bắn đùng. Chơi trò này lực lượng càng đông càng vui, càng lôi cuốn. Nghĩa là đám con trai chia phe, chia đội hò nhau bày trận giả. Hai bên “tham chiến” với vũ khí tự chế là cây súng phốc. Đây là loại súng được làm từ một đoạn lóng tre, hóp rỗng thân với hai phần là nòng súng và que thụt. Đạn súng là các loại quả dại, nhỏ, cứng như bời lời, xoan... Khi dùng, chỉ cần nạp các loại quả vào một đầu rồi dùng que thụt sang đầu bên kia nòng súng, tạo nên tiếng “phốc” nghe rất vui tai. Có mặt trong cuộc trận giả ấy, ngoài súng phốc còn một loại súng được làm bằng dọc lá chuối, “đám quỷ nhỏ” thường gọi là súng tanh tách. Cái súng ấy nhìn hài hước dễ sợ, nhất là cách nó phát ra âm thanh tanh tách khiến cả lũ cười bò. Cắt một tàu lá chuối, cắt bỏ phần lá chỉ để lại phần dọc, rồi chọn một đoạn cứng cáp nhất của dọc ấy, độ dài khoảng 15 - 20cm. Trên đoạn dọc chuối đó, khoét 3 - 4 nắp súng sao cho thật khéo để không bị đứt lìa mà có thể vén ngược lên được. Khi chơi, các nắp súng được vén lên hết, sau đó dùng tay đồng loạt gạt các nắp súng xuống. Quá trình ấy phát ra tiếng kêu tanh tách giòn tan, khí thế.

Khi đám con trai tụm năm tụm ba cười ha hả, lăn lê trên nền đất theo những viên bi tròn đủ màu sắc, cuộc trận giả đầy gay cấn thì đám con gái lại sôi nổi với trò nhảy nụ, nhảy dây, chơi chuyền. Giờ ngẫm lại những ngày xưa ấy, sức lực ở đâu mà hễ cứ hở ra chút thời gian nào là đám con gái chúng tôi lại căng dây nhảy nhót. Nhảy từ sân trường đến sân nhà; từ sân nhà mình sang sân nhà hàng xóm rồi đường làng, ngõ xóm đủ cả.

Có dạo nghỉ hè, ngày nào mẹ tôi cũng phải khản cổ gọi tên tôi khắp xóm vì đến bữa mà chẳng thấy mò về ăn cơm. Gọi riết mẹ tôi sinh ra phiền hà, bực bội nên việc đi chơi của tôi lâm vào khủng hoảng. Sáng, chiều mẹ giao thêm bài tập, viết mỏi nhừ mấy ngón tay vẫn chưa xong. Mẹ yêu cầu tôi phụ việc nấu cơm, rửa bát với một “bài ca giáo huấn”: “Con gái nhà người ta tầm tuổi này đã giúp bố mẹ được khối việc. Trong khi con gái nhà mình thì chỉ chăm chăm đi chơi, nhảy nhót là không ai bằng”. Tôi ấm ức lắm, chỉ dám trách thầm trong bụng, ngồi nhặt rau mà tâm trí cứ nghĩ đến cái Hoa, cái Nụ giờ này chắc đang tung tăng nhảy dây bên nhà cái Đào mà rơm rơm nước mắt.

Nhàn nhã hơn nhảy dây là trò chơi chuyền. 10 que chuyền dài chừng 10 - 15cm, được vót từ tre, nứa hoặc đứa nào cả gan thì lấy luôn cả đũa ăn của nhà đem ra chơi và một quả chuyền thường là quả bưởi non, quả vú sữa xanh hoặc bất kỳ quả gì tròn, cầm vừa tay. Theo từng cấp độ 1 - 10, mỗi cấp độ sẽ có một bài đọc đi kèm, sau khi rải que chuyền vừa đọc vừa tung quả chuyền lên cao đồng thời kết hợp linh hoạt với tay nhặt que chuyền. Mấy lời hát ấy chẳng hiểu ý nghĩa là gì nhưng đứa nào cũng thuộc làu làu.

Những đứa trẻ xưa kia nay đều đã trưởng thành, những trò chơi cũng đã rất xưa cũ. Thay vào đó, bây giờ lũ trẻ làm bạn với những trò chơi trên điện thoại thông minh, ipad... Cuộc sống là vậy, khởi đầu của cái này sẽ là lời cáo chung của cái khác. Những trò chơi mà tôi vừa nhắc tên cũng vậy. Nó tựa hồ như những mảnh ghép thời đại, “mã định danh” thế hệ. Người ưa hoài niệm sẽ cảm thấy có chút hụt hẫng, nuối tiếc: “Ngày xưa, bố mẹ đã từng chơi đùa vui vẻ như thế mà”. Người nặng lòng có khi buông tiếng thở dài: “Sao trẻ con bây giờ đứa nào cũng dán mắt vào màn hình ti vi, điện thoại”. Người lạc quan thì tặc lưỡi bảo: “Ôi trời, bọn nhỏ bây giờ sướng như vua”. Nhưng dẫu có thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất vẫn là để trẻ được sống trong tình yêu thương, để không có tuổi thơ nào bị đánh cắp cả.

Bài và ảnh: Nguyên Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/loi-ve-au-tho-31270.htm