Lớp dạy cồng chiêng, múa xoang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang ở Đắk Hà, Kon Tum đã giúp cho các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tiếp tục kế thừa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đều đặn mỗi cuối tuần, trên con đường nhỏ xanh bóng cây của thôn Kon Proh Tu Ria (huyện Đắk Hà, Kon Tum), Tiên và Hương lại háo hức để tới lớp học cồng chiêng, múa xoang. Đây là lớp học được UBND huyện tổ chức nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Lớp học gồm các em trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, từ 8 đến 14 đa phần là người đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại xã Đăk Hring, xã Đăk Long.

Lớp học kéo dài khoảng 3 tháng do các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong bảo quản, chỉnh sửa và trình diễn cồng chiêng - xoang truyền dạy.

Mỗi lớp có từ 15 - 20 em học sinh, được tổ chức ngay dưới mái nhà rông truyền thống vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần.

Các học viên được các nghệ nhân trong làng truyền đạt những kỹ năng cơ bản về diễn tấu cồng chiêng và những điệu múa xoang truyền thống. Qua lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục kế thừa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời, khơi dậy niềm đam mê diễu tấu cồng chiêng, nâng cao ý thức, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân A Bốc chơi cồng chiêng từ năm 15 tuổi. Được lớn lên với tiếng cồng chiêng, tham gia vào những lễ hội truyền thống của làng, ông cùng một số nghệ nhân khác vẫn miệt mài truyền dạy cho thế hệ trẻ. "Mình phải làm vậy cho các cháu để mai sau lớp già không còn vẫn có các em nhỏ duy trì, tiếp nối truyền thống", ông A Bốc nói.

Nhiều em nhỏ lần đầu tiên được học đánh cồng, gõ chiêng.

Em A Văn Cương cảm thấy rất vui khi được học chơi cồng chiêng cùng với các bạn. Em chia sẻ: "Trong gia đình của con, bố và ông đều biết đánh cồng chiêng nên con cũng muốn học".

Cồng chiêng và vũ điệu xoang là phần không để tách rời trong lễ hội của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ngoài giờ học cuối tuần, các em nhỏ cũng tham gia vào các đội múa của trường, của thôn mỗi khi có hoạt động văn hóa, lễ hội.

Hoạt động truyền dạy cồng chiêng, múa xoang góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Từ đó, triển khai đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa trước những tác động của đời sống xã hội, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình số 91-CTr/HU của Huyện ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thieu-nien-hao-hung-toi-lop-day-cong-chieng-mua-xoang-2222872.html