Lũ nhỏ (Bài 1)
Mùa nước nổi về mang theo nhiều sản vật gắn liền với sông nước miền Tây như cá linh, cá lóc, ếch, bông điên điển,... góp phần tạo thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống người dân, nhất là làm nên nét văn hóa đặc trưng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi như vậy. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nước về thấp, đặc sản mùa nước nổi ngày càng khan hiếm, nhiều người phải bỏ nghề mưu sinh mùa lũ, tìm kế khác sinh nhai.
Bài 1: Mùa nước nổi khan hiếm đặc sản
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, mực nước tại các trạm đầu nguồn của huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng gần đạt đỉnh lũ và tăng nhanh hơn một tuần qua. Mặc dù vậy nhưng lượng thủy sản vẫn rất khan hiếm.
Chợ cá đồng thành chợ cá nuôi
Đêm Vĩnh Hưng tĩnh mịch, trên kênh 28, những chiếc xuồng câu, lưới của ngư dân chầm chậm cập điểm tập kết cá đồng tại chợ Bàu Sậy (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An). Tiếng nói, cười xôn xao của tiểu thương, người đánh bắt cá xóa tan sự yên tĩnh của vùng quê. Năm nào lũ lớn, chợ họp sáng đêm với nhiều loại sản vật mùa nước nổi như cá linh, mè vinh, trê, lóc, trèn răng, chạch, chốt,...
Song, những hình ảnh đó chỉ còn là ký ức bởi 3 năm trở lại đây, lũ về thấp, nguồn thủy sản ngày càng khan hiếm, chợ cá đồng đã thành chợ cá nuôi. Bà Trương Thị Mừng (tiểu thương chợ Bàu Sậy) nhớ lại: “Những năm trước, thời điểm này, cá đồng nhiều lắm! Mỗi đêm, tiểu thương thu mua khoảng 15 tấn cá ngon là chuyện bình thường. Còn bây giờ, chỗ bến này chỉ còn mình tôi thu mua cá đồng, bình quân được 200 - 300kg/đêm, trong đó chủ yếu là cá mồi; còn những tiểu thương từng thu mua cá đồng nay đã chuyển sang kinh doanh cá nuôi hoặc nghề khác”.
Rảo một vòng bến lên của chợ Bàu Sậy, hỏi thăm về chuyện cá đồng nước nổi, không chỉ bà Mừng cảm thấy buồn, tiếc nuối mà các tiểu thương nơi đây cũng chạnh lòng. Điểm tập kết cá đồng giờ chỉ toàn là cá nuôi, cá biển được các tiểu thương cân mua từ tỉnh Đồng Tháp và TP.HCM, đem về bỏ mối cho người dân Campuchia hoặc các chợ truyền thống. Chị Trần Thảo Nguyên (tiểu thương chợ Bàu Sậy) nói: “Gia đình tôi thu mua cá đồng từ mấy chục năm nay. Cứ 1 giờ sáng bắt đầu thu mua, sau đó xe tải chở đi bỏ mối nhiều nơi nhưng những năm gần đây, lũ thấp, cá đồng ngày càng ít nên người dân đem vào chợ bán lẻ, gia đình phải chuyển sang kinh doanh cá nuôi nhằm duy trì cuộc sống”.
Người đánh bắt thủy sản thành tiểu thương
Trước kia, nước về nhiều, chỉ đi thả lưới, đặt lọp,... chừng vài tiếng, sau đó đem cá bán cho tiểu thương là kiếm được cả triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng. Còn bây giờ, nước lũ thấp, nguồn thủy sản khan hiếm nên muốn có thu nhập cao thì người đánh bắt thủy sản cũng trở thành những tiểu thương bất đắc dĩ. Chị Trần Thủy Tiên (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) bày tỏ: “Đây là năm đầu tiên tôi bán lẻ cá. Bán như vậy cực lắm bởi đi giăng câu, giăng lưới cả đêm mới có cá, sáng lại đem ra chợ bán, chiều tất bật chuẩn bị ngư cụ để tối đi đánh bắt, không được nghỉ ngơi nhiều. Mấy năm trước, cá nhiều nên bán sỉ, còn năm nay, giăng lưới cả đêm chỉ được hơn 10kg cá mè vinh, dảnh, bán lẻ thì được 50.000 đồng/kg, còn bán cho lái khoảng 30.000 đồng/kg. Do đó, nhiều người chọn bán để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống”.
Tương tự chị Thủy Tiên, chị Đỗ Thị Ánh Tuyết (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) cũng làm tiểu thương bắt đắc dĩ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chị Ánh Tuyết nói: “Tôi phải tranh thủ thăm câu, thăm lưới thiệt sớm để đem cá ra bán cho kịp buổi chợ. Ngày nào khách đông, cá bán hết sớm thì được nghỉ ngơi sớm, còn ngày nào chợ vắng thì bán rất chậm. Cá đồng ngày càng khan hiếm nên năm nay, giá bán cao hơn so với mọi năm”.
Lũ nhỏ, đặc sản mùa nước nổi ngày càng khan hiếm, nhiều người cũng dần thích nghi. Thế nhưng ai cũng mong một mùa lũ đẹp, mang theo nguồn thủy sản dồi dào để người dân có thêm thu nhập từ mưu sinh mùa lũ./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lu-nho-bai-1--a143407.html