Lựa chọn giúp người yếu thế
Thay vì chọn cuộc sống an nhàn, được con cháu phụng dưỡng, nhiều nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo lại chọn việc phục vụ những người yếu thế trong cơ sở bảo trợ xã hội.
Việc làm này đã giúp nhiều người cao tuổi không người thân, người mắc bệnh không người chăm sóc có nơi nương tựa. Nhiều trẻ em mồ côi nhờ vậy được nuôi dưỡng, tạo điều kiện đến trường để có tương lai tốt đẹp hơn.
* Thương người cao tuổi
Bà Nguyễn Thị Khánh năm nay gần 90 tuổi. Lưng còng, sức khỏe yếu nhưng bà có được niềm vui khi ở nơi sạch sẽ, được lo từng bữa ăn, có những người bạn già cùng trò chuyện.
Bà Khánh cho hay, bà sống tại Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) đã nhiều năm. Ở đây có người khỏe mạnh song cũng có người yếu phải nằm một chỗ; có người tâm tính không bình thường nhưng các nữ tu luôn kiên nhẫn, dành tình thương thật sự cho từng người cao tuổi nên ai cũng cảm thấy ấm lòng.
Bà Khánh là một trong 120 người đang được chăm sóc tại cơ sở này. Theo nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc cơ sở, có 8 sơ đang đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc những người cao tuổi tại đây. Tình yêu thương thì không phân biệt biên giới, không phân chia tôn giáo nên cơ sở nhận tất cả người già vào chăm sóc. Cơ sở chỉ đặt ra yêu cầu khi tiếp nhận là người nghèo, người không có chồng con. Nếu có con thì các con phải có đơn cam kết đồng thuận đưa mẹ vào cơ sở để được chăm sóc.
Cũng theo nữ tu Hường, các sơ ở đây vất vả vì bình quân mỗi người phải chăm sóc 15 người. Song nhờ người khỏe chăm người yếu hơn nên các sơ cũng có được sự phụ giúp nhất định. Nhưng vất vả nhất là khi người già đi bệnh viện. Khi đó phải bố trí người chăm sóc tại bệnh viện nên công việc người vắng tăng thêm cho người ở nhà.
Tỉnh hiện có 14 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập ở Đồng Nai được cấp có thẩm quyền công nhận hoạt động. Những địa chỉ này đang tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 1 ngàn trường hợp.
Nữ tu Hường kể: “Có người cao tuổi không kiểm soát được bản thân nên chứng lắm. Đôi khi đang được tắm, thay quần áo thì quăng khăn tắm vào mặt các sơ. Có trường hợp còn nắm cổ áo hay vả vào mặt người chăm sóc mình. Mỗi lần như vậy các sơ cũng buồn nên mỗi lần đến giờ vệ sinh cá nhân, tôi đều cố gắng có mặt để động viên các sơ, để xoa dịu những người chứng”.
Còn tại Cơ sở Trợ giúp xã hội Hòa Hảo (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) đang chăm sóc 90 người già neo đơn. Điểm đáng chú ý là trước khi gây dựng nên cơ sở này, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc cơ sở thật sự là “đại gia” với nhiều tài sản, cuộc sống ổn định, không bị muộn phiền của cơm áo gạo tiền. Vậy nhưng, khi thấy những người cao tuổi khó khăn không nơi nương tựa, bà cùng chồng bán đất đai, xây dựng cơ sở vật chất để đón người già không nơi nương tựa từ các nơi hay tiếp nhận nhiều trường hợp được chuyển đến để chăm sóc.
Thay vì chọn cho mình cuộc sống hưởng thụ, mỗi ngày bà Hồng và chồng phải tất bật với việc nấu nướng để chuẩn bị phần ăn cho gần 100 người. Rồi dọn dẹp vệ sinh cơ sở, tắm, giặt quần áo cho từng cá nhân. “Có vất vả, có khó nhọc nhưng bù lại những gì mình bỏ ra tạo điều kiện cho nhiều người có được nơi ăn, chốn ở và được lo hậu sự khi qua đời” - bà Hồng chia sẻ.
* Quý trẻ em
Cùng với chăm sóc người già, nhiều nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo còn giúp trẻ mồ côi có tình thương, trẻ lang thang có mái nhà, đều được đi học để chuẩn bị cho tương lai.
Cách đây ít tháng, đại đức Thích Nguyên Thông, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Long Thành, Trụ trì Thiền tự Phước Quang đón nhận thêm một trẻ vào chùa. Thành viên mới này chỉ mới vài tháng tuổi. Đây là trẻ thứ 30 đang được nhà sư chăm sóc tại chùa.
Trẻ em chăm sóc tại đây khi đến tuổi đều được đi học. “Vì trẻ chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa nên ngoài học trên lớp, nhà chùa còn mời giáo viên kèm cặp thêm. Rồi những anh lớn được giao giám sát việc học của các em nhỏ. Nhưng mình vẫn phải chú tâm vào kiểm tra bài vở hàng ngày để mỗi em thấy lo mà tự học nghiêm túc. Nếu cần phạt thì vẫn phải phạt để các em học tốt hơn” - đại đức Thích Nguyên Thông nói.
Bên cạnh lo việc học, việc ăn mặc, đại đức Thích Nguyên Thông còn chú trọng việc vui chơi, giải trí cho các em tại chùa. Tối cuối tuần, đại đức thường chở các em đến khu vui chơi thiếu nhi, cho các em ăn kem, vui chơi...
Thời gian qua, Cơ sở Nuôi dạy trẻ khuyết tật chùa Long Phước Điền (xã Long Phước, H.Long Thành) đã chăm sóc cho hàng chục trẻ em mồ côi, khuyết tật. Mong muốn của các ni sư nơi đây là bên cạnh việc lo ăn, ở, các em được tạo điều kiện đến trường sẽ cố gắng học tập để sau này tìm được cơ hội việc làm cho bản thân. Nhiều trường hợp trong số này sau khi trưởng thành đã có công việc ổn định, xây dựng hạnh phúc gia đình.
Còn ở Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) hiện đang chăm sóc 176 trẻ từ sơ sinh đến đang là sinh viên.
Song song với việc học ở trường, trẻ ở đây được các cô kèm cặp sát sao để không lơ là việc học. Theo một cô phụ trách tại đây, vấn đề hạn chế nhất của các em là khả năng giao tiếp. Với mỗi trường hợp như vậy, các cô phải theo dõi để động viên, khuyến khích các em mạnh dạn hơn. 14 năm qua, đã có 34 em đã trưởng thành, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học.
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, khi đến thăm, tặng quà nhằm hỗ trợ các cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc trẻ em, ông nhận thấy dù nhiều nơi điều kiện còn thiếu thốn song các nhà tu hành, tín đồ tôn giáo vẫn cố gắng chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ, kèm cặp trong việc học. Đây là điều rất đáng hoan nghênh bởi qua đó san sẻ cùng nhà nước trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội, trợ giúp người kém may mắn.
“Về phần mình, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ xã hội. Mong rằng, các nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để chăm lo cho những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống” - ông Vũ Đình Trung nhấn mạnh.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202310/lua-chon-giup-nguoi-yeu-the-4f53f98/