Lửa trong bão biển Trường Sa - Bài 1: Mùa biển lặng

Được đến với Trường Sa là ước mơ và là tâm nguyện của bất cứ phóng viên nào trong suốt cuộc đời làm báo. Với tôi ước mơ đó đã trở thành hiện thực sau 22 năm cầm bút.

Trường Sa mùa biển lặng

Xuất phát tại Cảng quốc tế Cam Ranh vào buổi sáng ngày 3 tháng 5 trên con tàu mang số hiệu 571 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, Đoàn công tác số 15 của chúng tôi có hơn 220 đại biểu, là các cán bộ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh ủy Đắk Lắk, Nghệ An, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và 15 nhà báo, đến từ các cơ quan báo, đài ở Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Gia Lai, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Theo đó, từ tháng 3 cho đến đầu tháng 6 là khoảng thời gian đẹp nhất để đi Trường Sa bởi đây là thời điểm mà “trời yên, biển lặng”, thời tiết khá thuận lợi cho những hải trình trên biển. Trên khuôn mặt háo hức, rạng ngời của các đại biểu - phần lớn trong số đó lần đầu ra Trường Sa, ai cũng muốn chụp lại những tấm hình lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ trước khi bắt đầu hành trình đến với vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Có lẽ say sóng là điều đáng “ngại” nhất trong suốt hành trình của những người ra Trường Sa và cả với những chiến sỹ trẻ lần đầu ra đảo. Để trấn an tâm lý cũng như hy vọng nếu có say sóng thì giảm tối đa cảm giác “dập dềnh”, tôi đã mua đủ 10 chai thuốc chống say tàu xe.

Cô bé bán thuốc dặn “chị nhớ uống trước khi lên tàu 30 phút, thuốc này chỉ có tác dụng trong 8 giờ thôi, sau đó chị phải uống tiếp”.

Nhìn 10 chai thuốc trong tay, tôi cảm giác rằng hình như chỗ này chưa đủ dùng trong suốt hành trình 7 ngày đêm trên biển.

Sau một ngày trên biển, Đoàn công tác số 15 của chúng tôi dần quen với tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi rì rào và cả âm thanh của đàn hải âu gọi bầy. Thậm chí, tiếng chuông reo thông báo của chỉ huy tàu, giờ giấc sinh hoạt cũng trở lên rất đỗi quen thuộc và trở thành quán tính.

Rời xa đất liền, điện thoại không có sóng đã khiến chúng tôi được sống “chậm lại”, bỏ lại sau lưng sự tất bật, hối hả với “guồng quay” của công việc, lần đầu tiên thấy mình được gần biển, gần thiên nhiên đến vậy. Ngoài việc lên bong tàu ngắm biển, có lẽ khoang lái tàu là “địa chỉ” quen thuộc không chỉ đối với tôi mà còn với nhiều thành viên trong đoàn.

Những tưởng rằng mình sẽ bị say sóng hay gặp cảm giác “chòng chành” bởi sóng biển, nhưng tôi đã lầm, ra Trường Sa lần này, tôi đã tận mắt chứng kiến mặt biển chỉ lăn tăn gợn sóng, thi thoảng từng đàn cá chuồn nhảy cạnh mạn tàu. So với những cung đường ở khu vực miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai hay Sơn La, Điện Biên… mà tôi đã từng đi, quả thật đi biển trong điều kiện thời tiết thế này là điều tôi chưa từng nghĩ đến vì quá “thoải mái và nhàn hạ”.

Đêm đầu tiên đi qua, ngày đến, bình yên giữa biển cả quê hương. Đứng ở buồng lái, tôi gặp những con người gần gũi và bình dị. Họ là những thủy thủ, cán bộ, chiến sĩ của tàu 571, khuôn mặt các chiến sỹ sạm đen, rắn rỏi vì nắng, gió biển khơi.

Bỗng có ai đó reo lên “cá heo kìa”, từng đoàn cá heo bơi trước mạn tàu trong làn nước biển xanh thẳm khiến cho các thành viên trong đoàn đều phấn chấn.

Với nhiều năm kinh nghiệm đi biển, Thiếu tá Phan Tiến Định, Thuyền trưởng tàu 571 chia sẻ: Cứ khi cá heo nổi thành đàn đi theo các tàu thuyền như có ý nhắc nhở, thời tiết sắp thay đổi.

Thiếu tá Định nói “chớ thấy biển lặng mà vội mừng, đừng thấy biển động mà vội lo” và bản lĩnh của người đi biển là vậy.

Có thể khẳng định, để đưa "đất liền" đến gần với Trường Sa, những sĩ quan, thủy thủ của các tàu hải quân đã góp phần không nhỏ để đảm bảo mỗi hải trình ra đảo được an toàn tuyệt đối.

Chuyện kể trên khoang lái

Tranh thủ vẫn còn ý chí “chiến đấu” khi chưa bị say sóng, tôi đến khu vực buồng lái để có thể cảm nhận được công việc của những sĩ quan, thủy thủ.

Chia sẻ với tôi, Thiếu úy Phạm Huy Hùng – Trưởng ngành Hàng hải của tàu 571 cho biết, là người con của quê hương Ninh Bình, sinh ra và lớn lên trong một gia đình quân nhân. Bố của Hùng rồi Chú và Bác đều công tác trong lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển. Do đó, từ nhỏ Thiếu úy Phạm Huy Hùng đã được hun đúc tình yêu với biển cả, với màu áo hải quân. Trở thành người lính hải quân đối với Hùng không phải điều gì quá xa lạ mà như là một cách thức tự nhiên phải thế.

Thiếu úy Hùng tâm sự: “Với em, môi trường quân đội là môi trường tốt để rèn luyện và trưởng thành, đồng thời em cũng muốn góp một phần sức lực của mình vào công cuộc bảo vệ đất nước”.

Ở tàu 571, Hùng có nhiệm vụ chính là lập kế hoạch các chuyến đi cho tàu, bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu trong suốt hải trình trên biển.

Đôi khi gặp các tình huống biển động, sóng cao hay sóng lừng… nhiều hiểm nguy, nguy cơ rình rập và các tình huống bất ngờ, nhưng chàng sỹ quan trẻ luôn tâm niệm phải bình tĩnh, phân tích và phán đoán để có những quyết định chính xác nhằm đảm bảo an toàn cho con tàu. Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu của Hùng và của các thành viên thủy thủ trên tàu.

Khi nói về cảm xúc của mình sau mỗi lần đưa các đoàn khách ra đảo, chàng Thiếu úy trẻ đã bày tỏ sự cảm phục về những người chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, bởi điều kiện sinh hoạt tại các đảo còn nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên các cán bộ chiến sĩ vẫn rất nhiệt tình, vui vẻ. Đặc biệt là tình cảm từ đất liền đối với cán bộ, chiến sĩ và người dân ở Trường Sa.

Điều đó càng được thể hiện sâu sắc hơn khi mà trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã tổ chức nhiều chuyến tàu đưa các đoàn dân, chính Đảng ra thăm Trường Sa. "Những món quà cả về vật chất và tinh thần cho thấy nhịp đập trái tim của hơn một trăm triệu người dân Việt Nam vẫn luôn hướng về Trường Sa" - Thiếu úy Hùng cho hay.

Nói về công việc của các thủy thủ trên tàu, Phó Thuyền trưởng tàu 571, Đại úy Trần Ngọc Sáng chia sẻ, để chuẩn bị cho hành trình chuyến đi trên biển, tùy từng nhiệm vụ mà thủy thủ cùng các chiến sĩ phải chuẩn bị từ 3-5 ngày, có những nhiệm vụ đôi khi công tác chuẩn bị lên đến 7 ngày.

"Lúc tàu rời bến chúng tôi sẽ chia 3 ca, trực 24/24h. Trên khoang lái, chúng tôi có kíp Ban Canh (Ban trực canh đủ các ngành từ hàng hải, chỉ huy, cơ điện, thông tin, quan sát), mỗi Ban canh là 7 người trong đó có 1 Chỉ huy ca’ - Đại úy Trần Ngọc Sáng chia sẻ.

Các vị trí của ngành cơ điện sẽ trực tiếp duy trì hoạt động của hệ thống máy móc động lực hệ thống điện, ngành thông tin đảm bảo liên lạc, ngành hàng hải đảm bảo lái tàu theo đúng kế hoạch đặt ra, 2 cán bộ quan sát 2 mạn phía trước mũi tàu và lái để quan sát các mục tiêu xung quanh nhằm kịp thời phát hiện từ xa kết hợp với các máy móc của tàu, đảm bảo hành trình được an toàn.

Tốt nghiệp Học viện Hải quân từ năm 2017, sau 7 năm gắn bó với các chuyến đi trên biển, chàng sĩ quan trẻ Trần Ngọc Sáng luôn tự hào là một người lính hải quân đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương thông qua các chuyến đưa đoàn công tác ra Trường Sa.

"Mỗi chuyến tàu chở đoàn ra Trường Sa là để cho các đoàn dân, chính Đảng thăm động viên bà con chiến sĩ ở đảo, để mọi người hiểu rõ hơn công việc, đời sống của cán bộ, chiến sĩ người dân ở quần đảo Trường Sa và Nhà giàn trong giữ vững chủ quyền biển đảo và thềm lục địa phía Nam của của Tổ quốc" - anh Trần Ngọc Sáng cho biết.

Anh Trần Ngọc Sáng tâm sự, mặc dù đã chở rất nhiều đoàn công tác ra Trường Sa, nhưng mỗi chuyến đi là mỗi câu chuyện thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương đất nước.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối Sáng đó là những chuyến tàu không thể vào Nhà giàn DK1 bởi sóng to, điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là những cơn sóng lừng, luôn khiến cho các thành viên của đoàn công tác và các cán bộ chiến sĩ trên Nhà giàn nhiều tiếc nuối.

Đại úy Trần Ngọc Sáng kể, có nhiều chuyến tàu khi đến gần Nhà giàn, những cơn sóng lừng bất ngờ về, những lúc như vậy xuồng không thể tiếp cận Nhà giàn, đoàn công tác chỉ có thể thăm hỏi, giao lưu và hát tặng các chiến sĩ qua bộ đàm, các chiến sĩ trên Nhà giàn đứng từ trên đón chào, vẫy tay, vẫy cờ rất xúc động.

"Nhìn thấy nhau mà không thể bắt tay nhau, nói chuyện trực tiếp với nhau, Tôi đã chứng kiến quá nhiều giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào, những bài hát đong đầy tình cảm của đất liền đối với các cán bộ, chiến sỹ ở Nhà giàn thông qua bộ đàm ngay trên khoang lái này. Có những người xưng chị, xưng mẹ với các cán bộ, chiến sĩ. Ở giữa biển khơi, những chiến sĩ được nhìn thấy người ở đất liền ra thăm đã vô cùng xúc động rồi, thế nhưng trong số người ra thăm đó nếu là đồng hương dù chỉ là cùng huyện, cùng tỉnh thôi thì niềm vui sướng còn nhân lên gấp bội" - anh Trần Ngọc Sáng kể.

Tàu là nhà, biển cả là quê hương

Đối với những thủy thủ, sĩ quan tàu hải quân, việc lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ đã trở nên hết sức quen thuộc, có những năm tổng số thời gian đi biển của các anh lên đến 9 tháng.

Tuy vậy, nhiều thủy thủ cho rằng mình vẫn may mắn hơn nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo, bởi ít nhất mỗi năm các anh còn có điều kiện về thăm nhà 2-3 lần mặc dù mỗi lần thăm nhà cũng hết sức ngắn ngủi chỉ 2-3 ngày.

Thượng tá Bùi Văn Cương - Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 955 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở Nam Định, 18 tuổi vào bộ đội đó là năm 1991, đến năm 1993 chiến sỹ trẻ Bùi Văn Cương vào Học viện Hải Quân. Sinh năm 1972 đến nay, sau 33 năm công tác, nhiều kỷ niệm dấu ấn mà anh không thể nào quên được

Thượng tá Bùi Văn Cương kể, năm 2004 - 2007 khi đó anh là thuyền trưởng của tàu HQ710 thuộc Hải đội 128 có nhiệm vụ bảo vệ các công trình dầu khí trên biển của Vệt Nam. Với đặc thù công việc, có những chuyến tàu các anh phải ở trên biển đến 131 ngày để làm nhiệm vụ bảo vệ tàu lắp đặt đường ống dự án xây dựng nhà máy Khí điện đạm Cà Mau. Đặc biệt hơn, có những thời điểm các anh đi biển từ 180-230 ngày/năm.

Thượng tá Bùi Văn Cương vẫn nhớ thời gian anh là Đội trưởng đội 2 Chi đội kiểm ngư số 4, có nhiệm vụ thường xuyên đi khảo sát ngư trường, tuyên truyền hướng dẫn ngư dân tuân thủ quy định về đánh bắt hải sản, có những thời điểm anh chỉ huy Biên đội (10 tàu) đã kiên quyết ngăn chặn nhóm tàu của nước ngoài khảo sát, thăm dò trái phép trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Trong những tình huống đó, nếu xử lý không khéo, đảm bảo đúng Công ước Luật biển năm 1982 thì sẽ gây hậu quả khó lường. Hay những thời điểm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ngư dân trên biển, chúng tôi đã phải vượt qua những con sóng cao từ 6-7m do bão, áp thấp nhiệt đới để cứu ngư dân gặp nạn. Trong điều kiện sóng to như vậy tàu cá nhỏ sẽ không trụ được trước sức mạnh của thiên nhiên’ - Thượng tá Bùi Văn Cương tâm sự.

Qua lời kể của những người lính bình dị trên tàu mới biết, để có sự bình yên và bản lĩnh hôm nay, mỗi người trong họ đã phải trả qua rất nhiều những cơn bão biển, vượt qua cả chính mình để vững vàng trước sóng gió biển khơi và những hiểm nguy không lường trước được.

Xem tiếp bài 2: Chuẩn đô đốc và ký ức siêu bão Linda 1997

-----------------------------------

Nội dung: Thu Hường
Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lua-trong-bao-bien-truong-sa-bai-1-mua-bien-lang-322104.html