Luật Đường bộ: Phân cấp, phân quyền trong chi ngân sách cho đầu tư đường bộ

Luật Đường bộ tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ…

Ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Đường bộ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin về Luật Đường bộ

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin về Luật Đường bộ

Thông tin về Luật Đường bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, sau 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và giao thông vận tải nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; cơ cấu lại các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế.

Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động đường bộ, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, nâng cao năng lực vận tải đường bộ, việc xây dựng Luật Đường bộ là hết sức cần thiết.

Ngày 27/6/2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.

Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều, tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Ảnh: Phạm Hùng

Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều, tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Ảnh: Phạm Hùng

“Luật đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn, tiêu biểu là phân cấp, phân quyền trong vấn đề chi ngân sách cho đầu tư đường bộ để phát triển kinh tế xã hội; phân cấp công tác bảo trì. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đường bộ để công khai minh bạch và người dân tiếp cận dễ dàng, đầy đủ; tháo gỡ khó khăn về thu lệ phí” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy chia sẻ.

Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều, tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong nước.

Trước câu hỏi của phóng viên về mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho hay, phải thực hiện được mục tiêu này bằng mọi giá mặc dù có những khó khăn về điều kiện thi công, về vật liệu…

“Đây là một trong những đột phá chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hiện chúng ta đã đưa vào khai thác được 2.021km, đang đầu tư 1.800km và Chính phủ đang chỉ đạo đầu tư trong trung hạn khoảng 1.200km để hoàn thành mục tiêu này vào năm 2030” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-duong-bo-phan-cap-phan-quyen-trong-chi-ngan-sach-cho-dau-tu-duong-bo.html