Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cần tạo điều kiện để đại học phát huy vai trò dẫn dắt
Để thay đổi liên quan đến tổ chức hội đồng trường, cần hiểu rõ triết lý về mô hình phát triển giáo dục ĐH trong thời gian tới.
Tại dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia, vùng.
Về vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Hội đồng trường là tổ chức quản trị cao nhất trong trường
. Phóng viên: Ông có ý kiến như thế nào về những thay đổi liên quan đến tổ chức hội đồng trường trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến?
+ GS-TSKH Nguyễn Đình Đức: Quy định về hội đồng trường đã có từ lâu nhưng tại Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018, quy định về hội đồng trường có sự thay đổi mạnh mẽ hơn, mang lại tác động rất lớn.
Căn cứ theo Nghị quyết 19/2017, các đơn vị sự nghiệp công lập tiến tới tự chủ, tức là tự chủ chi và quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Và để quản trị theo mô hình này, cần có một hội đồng quản trị trên ban giám hiệu.
Hội đồng trường là một trong những trụ cột quan trọng để các trường ĐH thực quyền tự chủ. Đây là tổ chức quản trị cao nhất trong nhà trường, quyết định các vấn đề chiến lược. Hội đồng trường được tổ chức và hoạt động hiệu quả thì một trường ĐH mới có khả năng thành công và phát triển.
Hội đồng trường có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, quyết định chiến lược phát triển nhà trường, ngân sách đầu tư, nhân sự, chế độ chính sách, học phí, vị trí việc làm…
Trong bối cảnh hiện nay, tự chủ ĐH là xu hướng tất yếu. Nhờ tự chủ ĐH mà thời gian qua các trường đã phát huy được vai trò chủ động, năng động của mình, mang lại nguồn lực rất tốt.
Tự chủ ĐH có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải tiếp tục được phát huy. Chính vì thế, tại dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) đề xuất bỏ hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia, ĐH vùng là không có cơ sở.

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Cần tạo điều kiện để các trường tự chủ mạnh hơn
. Ông nhìn nhận như thế nào về việc tổ chức hội đồng trường trong thời gian qua? Theo ông, nếu chỉ còn một hội đồng duy nhất ở cấp ĐH Quốc gia/ĐH vùng có thể đảm bảo được việc điều hành hiệu quả cho tất cả trường thành viên hay không, khi quy mô và đặc thù mỗi trường rất khác nhau?
+ Trên thực tế, việc tổ chức hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục công lập đang gặp ba trường hợp phổ biến.
Thứ nhất, hội đồng trường và ban giám hiệu cộng hưởng sức mạnh, đoàn kết, phát triển và phát huy rất tốt, giúp nhà trường phát triển, bứt phá từng ngày.
Thứ hai, hội đồng trường và ban giám hiệu chưa thực sự đoàn kết, còn có sự mâu thuẫn. Những trường này khó có thể phát triển được.
Thứ ba, hội đồng trường mới được tổ chức. Tại một số đơn vị chưa tự chủ, hội đồng trường do một người trong ban giám hiệu kiêm nhiệm nên hội đồng trường chưa phát huy được vai trò chủ động của mình.
Tôi cho rằng việc chỉ tồn tại một hội đồng duy nhất ở cấp ĐH Quốc gia, bỏ hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên là không hợp lý, không phù hợp với bối cảnh hiện nay, cũng không tạo điều kiện để các trường ĐH thành viên phát triển, đồng thời đi ngược lại với xu thế phát triển chung.
Mỗi trường ĐH có một thế mạnh, đa ngành, đa lĩnh vực, có trường mạnh, có trường chưa thực sự năng động… Trường nào năng động, mạnh thì cần được tạo điều kiện để phát triển, bứt phá trước. Nếu chỉ một hội đồng duy nhất, làm sao có thể bao quát, hiểu sâu sát, hiểu rõ thực trạng, đặc thù để có thể điều hành hiệu quả cho tất cả trường ĐH thành viên.

Thầy và trò Viện Trí tuệ nhân tạo - Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội trong một buổi nghiên cứu đề tài. Ảnh: UET
. Trong bối cảnh ĐH Việt Nam đang chuyển sang tự chủ mạnh, theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi cần giữ vững trong mô hình quản trị?
+ Đối với mô hình ĐH hai cấp, quản trị ĐH cần được thay đổi. Các trường ĐH thành viên giờ đã phát triển, hoàn chỉnh, có uy tín, vị thế (university), không nên bỏ hội đồng trường để quay trở lại thành trường (college).
Đối với mô hình ĐH Quốc gia - làm nhiệm vụ tạo điều kiện đổi mới, kiến tạo cho các trường ĐH thành viên thì cần được tạo điều kiện để tự chủ mạnh hơn nữa.
Khi chuyển về trực thuộc Bộ GD&ĐT, ĐH Quốc gia phải thực hiện theo tất cả quy chế của Bộ GD&ĐT, nội dung này cũng nên được nghiên cứu kỹ hơn.
Để hai ĐH Quốc gia phát triển, cần được trao quyền tự chủ cao hơn trước: Được quyền ban hành quy chế đào tạo của mình để thực hiện sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt, trụ cột của mình trong hệ thống giáo dục ĐH. Nếu bỏ quyền đó thì hai ĐH Quốc gia khó mà phát triển được.
Theo quy định của Chính phủ, ĐH Quốc gia có quyền thí điểm những mô hình đào tạo, phương thức và chương trình đào tạo mới mà chưa có trong danh mục đào tạo chính thức của Nhà nước. Nhờ quy định này, hai ĐH Quốc gia trong những năm qua cũng đã có những sự phát triển, nhiều ngành học mới được đáp ứng kịp thời.
Trong vấn đề tổ chức nhân sự, ĐH Quốc gia cũng cần có cơ chế đặc thù: bổ nhiệm cán bộ; giữ chân nhân tài là các giáo sư, chuyên gia đầu ngành; quy định về mức học phí dựa theo định mức kinh tế kỹ thuật…
Những quy định này đã góp phần giúp hai ĐH Quốc gia phát triển rất tốt, cần tiếp tục được duy trì.
. Xin cảm ơn ông!