Luật Nhà giáo: Bảo đảm sự đồng bộ và tương thích với các luật khác

Thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn) về dự án Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhất trí cần có chính sách đặc thù đối với nhà giáo và phải có ưu đãi đặc biệt để thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bảo đảm sự đồng bộ và phải tương thích giữa Luật Nhà giáo với các luật khác.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Cần có chính sách đặc thù

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo lần này sẽ góp phần khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là vấn đề thừa, thiếu cục bộ nhà giáo; đồng thời thu hút được những người giỏi vào nghề dạy học và bảo đảm tính tính khả thi, tương thích, đồng bộ với các quy định của hệ thống pháp luật.

Tại Khoản 1 Điều 2 về đối tượng điều chỉnh là nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng lại chưa đề cập đến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh... Đây là lực lượng rất quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tại phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tại phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 3 có quy định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định nhà giáo là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước là đúng nhưng là nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần cân nhắc cho phù hợp. Đối với vấn đề về tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo cũng cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các quy định liên quan tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động…

Đồng tình với quan điểm nhà giáo phải có chính sách đặc thù và phải có ưu đãi đặc biệt nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội phải có sự đồng bộ và tương thích với các luật khác. Ví dụ, tại Khoản 2, Điều 30 quy định: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

"Việc quy định không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ sớm lại liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội, theo nguyên tắc có đóng, có hưởng. Do đó, nên nghiên cứu chính sách đặc thù khác chứ không nên lấy một chính sách là nguyên tắc chung của tất cả các đối tượng để trở thành đặc thù riêng cho nhà giáo sẽ khó nhận được sự đồng thuận trong xã hội", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Quy định đầy đủ hơn đối với lao động là người khuyết tật và người cao tuổi

Góp ý về Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần tích hợp một số nội dung có tính chất gần nhau trong phạm vi điều chỉnh. Đối với những nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục và những vấn đề thuộc Nghị định, Thông tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì có thể giao cho Chính phủ thực hiện. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách khuyến khích hoặc quy định các mô hình liên kết trong đào tạo, tiêu chuẩn hóa các lĩnh vực về đào tạo nghề và vấn đề giải quyết việc làm. Từ đó, có các quy định về việc liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, nhà khoa học, nhà tuyển dụng, nhà đầu tư, nhà tín dụng (ngân hàng).

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng của dự thảo Luật, thể hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách tín dụng có ưu đãi về lãi suất nhằm tạo điều kiện và mở rộng việc làm, giải quyết việc làm theo hướng bền vững, đồng thời, chuyển đổi lao động sang khu vực có năng suất lao động cao hơn, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Trong dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi tạo việc làm là người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong thiết kế của dự thảo Luật chưa thật cân đối. Ví dụ, vấn đề hỗ trợ việc làm cho thanh niên được quy định rất dài, rất cụ thể. Nhưng đối tượng là người khuyết tật và người cao tuổi chưa được đề cập đến nhiều.

Với tình trạng già hóa dân số ngày càng nhanh như hiện nay thì độ tuổi nghỉ hưu 60 tuổi trở lên đối với nữ, 62 tuổi đối với nam là còn trẻ. Thậm chí một bộ phận rất lớn trong xã hội đến độ tuổi này là "chín" kinh nghiệm, "chín" về mặt chuyên môn, về trình độ quản lý. Trong khi đó, hiện nay chưa có nhiều quy định giúp phát huy, khai thác tiềm năng của lực lượng này.

 Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch cũng đề nghị, cần quan tâm thêm nhóm đối tượng mới của thị trường lao động là lao động công nghệ. Trong bối cảnh nền kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay, cần có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn để phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Nếu chưa có được chính sách cụ thể thì cũng phải có những chính sách mạnh mẽ quy định cho những nhóm đối tượng này để sau này Chính phủ có điều kiện quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Đối với nội dung về đăng ký và quản lý lao động, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem lại các quy định để việc đăng ký, quản lý lao động được thuận lợi hơn và sử dụng công nghệ để người đăng ký và quản lý lao động cũng như cơ quan quản lý tiếp cận một cách dễ dàng, thuận lợi nhất.

Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/luat-nha-giao-bao-dam-su-dong-bo-va-tuong-thich-voi-cac-luat-khac-post395896.html