Luật phải thực sự tôn vinh, tạo điều kiện cho nhà giáo
Tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo và báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ và của các Ủy ban Quốc hội về luật này. Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, người thầy là chủ thể rất quan trọng trong công tác giáo dục đào tạo.
Góp ý Dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý nhiều chính sách cần được quy định để bao quát các vấn đề cụ thể và nhấn mạnh, luật phải thực sự tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, giáo dục đào tạo có ý nghĩa chiến lược, trong đó, người thầy đóng vai trò rất quan trọng.
Hầu hết các ý kiến tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo và tập trung thảo luận, cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo. Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi rất tán đồng và tâm đắc với 8 điểm mới trong tờ trình của Chính phủ về chính sách với nhà giáo. Luật đã tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác. Nếu luật được thông qua không chỉ thể hiện sự tôn vinh nhà giáo mà còn giúp nền giáo dục nước nhà phát triển”.
Lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Ngành giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo. Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho hay: “Chính sách tiền lương với nhà giáo và quyết định tuyển dụng là hợp lý, ổn định đời sống. Tuy nhiên đội ngũ nhà giáo công tác lâu năm trong ngành đang tâm tư rằng cần tính toán tăng đồng đều cho mức lương nhà giáo”.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 50 điều. So với quy định hiện hành tại các luật liên quan, Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm nổi bật như: Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, để phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong nền giáo dục.