Lúng túng trong việc chấm dứt hợp đồng dự án tuyến nối cao tốc

Để chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh về Dự án xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, ngày 23/4/2023, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị hướng dẫn thực hiện.

Theo ông Bùi Xuân Cường, sau khi ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã không thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc liên quan đến hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán từng hạng mục công trình. Nhà đầu tư cũng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn tài chính để thực hiện các hạng mục đã được bàn giao mặt bằng và không thu xếp đủ vốn để thực hiện dự án… Do đó, từ kiến nghị, đề xuất của các sở, ngành, ngày 22/6/2021, UBND thành phố đã chấp thuận chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án trên.

Khu vực triển khai dự án xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Khu vực triển khai dự án xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Thời điểm đó, UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và ngân hàng cho nhà đầu tư vay vốn về thủ tục chấm dứt hợp đồng. Nhưng việc này bị vướng do quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và hợp đồng BOT đã ký, để tiếp tục triển khai dự án trên, cơ quan ký kết hợp đồng là UBND thành phố phải phối hợp với ngân hàng cho vay lựa chọn nhà đầu tư thay thế để ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, ngân hàng cho vay đã có văn bản khẳng định không thực hiện quyền tiếp nhận dự án; không tiếp tục chỉ định nhà đầu tư mới và cũng không tiếp tục rót vốn cho nhà đầu tư cũ. Điều này khiến việc giải quyết bị bế tắc.

Do đó để có cơ sở tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án, UBND thành phố đề nghị Bộ KH&ĐT hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận khối lượng, giá trị hợp pháp nhà đầu tư đã thực hiện và nguồn kinh phí để thanh toán cho khoản này. Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị Bộ KH&ĐT hướng dẫn quy trình lập dự án BOT mới.

Trước đó, đề xuất với Sở GTVT thành phố vào năm 2021, ngân hàng cho vay là LP Bank chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã thông tin, để thực hiện dự án này, Công ty Yên Khánh đã ký hợp đồng vay 1.438 tỷ đồng từ LP Bank. Song nhà đầu tư đã không thực hiện đúng tiến độ thực hiện dự án trong hợp đồng BOT. Mặt khác nhà đầu tư đã vi phạm hợp đồng tín dụng, không trả nợ vay đúng hạn, khoản nợ của doanh nghiệp này đã chuyển thành nợ xấu (nhóm 5). Với thực trạng như vậy, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án không đủ điều kiện để được ngân hàng tiếp tục tài trợ vốn theo hợp đồng tín dụng.

Đại diện chi nhánh LP Bank cũng khẳng định rằng, theo điều 49 trong hợp đồng BOT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ngân hàng cho vay có quyền chỉ định nhà đầu tư mới để tiếp nhận toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư này để tiếp tục thực hiện dự án. Khi đó nhà đầu tư mà đại diện chi nhánh LP Bank giới thiệu để thay thế là Công ty CP Him Lam.

Góp ý với UBND TP Hồ Chí Minh vào tháng 6/2023 về thủ tục chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án trên, Bộ KH&ĐT đã nói rõ: Pháp luật về PPP không quy định Nhà nước phải thanh toán các chi phí nhà đầu tư đã thực hiện trong trường hợp dự án PPP phải chấm dứt trước thời hạn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Bộ KH&ĐT đề nghị UBND thành phố rà soát lại hợp đồng BOT đã ký để xác định cụ thể quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên. Trường hợp, hợp đồng BOT không quy định cơ quan ký hợp đồng có trách nhiệm chi trả, thanh toán cho nhà đầu tư khi chấm dứt do nhà đầu tư vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Khi đó, UBND thành phố phải thỏa thuận, đàm phán với nhà đầu tư để chấm dứt theo quy định trong hợp đồng và quy định pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hợp đồng BOT dự án được ký giữa đại diện UBND thành phố và nhà đầu tư ngày 25/5/2016 thì điều khoản về chấm dứt hợp đồng không có quy định nào như hướng dẫn của Bộ KH&ĐT.

Sau khi làm việc với các sở, ngành liên quan về việc chấm dứt hợp đồng BOT trên, trong thông báo kết luận vào ngày 3/4/2024, một Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy được giao theo dõi vụ việc này đã đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Sở GTVT đề xuất UBND thành phố lập tổ công tác giải quyết việc chấm dứt hợp đồng trước hạn với nhà đầu tư. Các đơn vị liên quan phải đánh giá, tính toán các thiệt hại về vật chất, phi vật chất do nhà đầu tư không hoàn thành dự án để làm cơ sở kết thức hợp đồng với nhà đầu tư. Ngoài ra, Sở GTVT phối hợp với Sở Tư pháp, Sở KH&ĐT được yêu cầu nghiên cứu các quy định pháp luật đề báo cáo UBND thành phố đưa ra hướng giải quyết cụ thể với việc chấm dứt hợp đồng BOT này.

Tình trạng lúng túng trong việc giải quyết chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT trên là hậu quả để lại từ việc UBND TP Hồ Chí Minh lựa chọn, chỉ định thầu vội vã khó hiểu. Bởi, ngày 27/4/2015, Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý về nguyên tắc cho phép thành phố đầu tư dự án trên, thì ngày 4/5/2015, UBND thành phố đã ra quyết định chỉ định Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư thực hiện dự án. Rất nhanh chóng, chỉ 10 ngày sau, vào ngày 14/5/2015, Công ty Yên Khánh đã có báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Dù sau đó phải thực hiện một loạt thủ tục, nhưng ngày 23/10/2015, đại diện UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư cho Công ty Yên Khánh…

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/lung-tung-trong-viec-cham-dut-hop-dong-du-an-tuyen-noi-cao-toc-i731001/