Lý do khiến các doanh nghiệp lớn giảm tốc đầu tư cho xe điện
Từ nay đến năm 2027, các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng thế giới đã lên kế hoạch đầu tư 616 tỷ USD vào điện khí hóa, tăng gấp đôi mức phân bổ được dự kiến chỉ hai năm trước.
Bài viết của tác giả Francesco Bertolino, đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy), đề cập tổng hợp nhiều yếu tố khiến các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới (Volkswagen, Ford, General Motors) đang phải thận trọng giảm tốc độ đầu tư cho lĩnh vực ô tô điện.
Từ nay đến năm 2027, các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng thế giới đã lên kế hoạch đầu tư 616 tỷ USD vào điện khí hóa, tăng gấp đôi mức phân bổ được dự kiến chỉ hai năm trước.
Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều nhà sản xuất đã công bố việc điều chỉnh chiến lược chuyển đổi năng lượng của họ. General Motors đã hoãn sản xuất ba mẫu xe chạy bằng pin trong ít nhất một năm và hủy dự án hợp tác trị giá 5 tỷ USD với Honda trong việc phát triển xe điện giá rẻ. Ford đã hoãn kế hoạch trị giá 12 tỷ USD để tăng công suất sản xuất xe điện chạy pin (BEV). Trong khi đó, Volkswagen tạm dừng việc tìm kiếm địa điểm thứ tư ở châu Âu cho các nhà máy sản xuất pin. Ngoài ra, Tesla còn quyết định hoãn việc xây dựng một siêu nhà máy (gigafactory) ở Mexico.
Giải thích cho những quyết định này, cả bốn tập đoàn đều viện dẫn “nhu cầu chững lại”. Vậy đâu là tác nhân thực sự?
Nhu cầu suy giảm
Theo ông Dario Duse, Giám đốc điều hành và phụ trách thị trường Italy của công ty tư vấn AlixPartners, hiện đang diễn ra sự điều chỉnh về kỳ vọng tăng trưởng, trong bối cảnh không chắc chắn của tình hình kinh tế, thực tiễn triển khai các quy định của châu Âu về khí thải, chi phí mua hàng và tiến độ nâng cấp hạ tầng sạc điện.
Trước nhu cầu gia tăng của thị trường những năm gần đây, nhiều công ty đã thông báo các dự án đầu tư mà cho đến nay, nhu cầu tiêu thụ của thị trường dường như không còn ủng hộ họ nữa. Trên thực tế, để hấp thụ hết mức tăng năng lực sản xuất dự kiến trong các kế hoạch đó, thị phần xe điện toàn cầu sẽ phải đạt 35% vào năm 2030. Tuy nhiên, trong năm ngoái, tỷ lệ thâm nhập của BEV đạt mức 11% và với tốc độ tăng trưởng hiện tại, có vẻ như khó có khả năng sẽ tăng lên gấp ba lần vào cuối thập kỷ này.
Ông Duse cho biết: “Tại châu Âu, tỷ trọng xe điện từ tháng 1-9/2023 là 14%, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022. Song tốc độ này cũng đang chậm lại do tỷ trọng BEV không còn đáng kể và do đó khó tăng ở mức rất cao”.
Tác động của lãi suất
Mặc dù vẫn duy trì chiều hướng đi lên song đường cong về doanh số dành cho ô tô điện đang trở nên bớt dốc hơn, không chỉ ở Liên minh châu Âu (EU). Theo tính toán của ông Duse, lượng xe BEV tồn kho của các đại lý tại Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm (từ khoảng 50 ngày lên 100 ngày), trong khi lượng xe sử dụng nhiên liệu không thay đổi.
Chênh lệch giá giữa xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel so với xe điện vẫn ở mức cao và trở nên trầm trọng hơn do lãi suất cho vay mua ô tô tăng. Người sáng lập Tesla, tỷ phú Elon Musk, cảnh báo: “Tôi lo ngại về môi trường lãi suất cao mà chúng ta đang đối mặt. Đối với hầu hết mọi người, việc mua một chiếc ô tô lại phụ thuộc vào số tiền phải thanh toán hàng tháng”. Hoặc chúng phụ thuộc vào các biện pháp khuyến khích mua xe. Dẫn chứng cho điều này là sự sụt giảm về lượng đăng ký BEV ở Đức (giảm 29% trong tháng 9/2023), kể từ khi chính phủ nước này loại bỏ trợ cấp đối với đội xe kinh doanh.
Trong khi đó, thị trường xe điện tại Italy đang gặp khó khăn ngay từ bước khởi động. Trong 10 tháng tính đầu năm 2023, theo tính toán của Motus-E, 51.513 ô tô chạy bằng pin đã được đăng ký (tăng 30,8%), song thị phần của loại hình phương tiện mới này vẫn dừng lại chỉ ở mức 3,9%.
Các cuộc thảo luận ở châu Âu
Tuy nhiên, sự kém hào hứng của các nhà sản xuất đối với xe điện không chỉ là hệ quả của nhu cầu suy giảm mà còn do những biến động về quy định.
Ở châu Âu, sau thỏa hiệp về tiêu chuẩn khí thải Euro 7 và mở cửa cho nhiên liệu tổng hợp, một số bên đang thúc đẩy để có thêm những ngoại lệ bị cấm đối với động cơ đốt trong vào năm 2035.
Thậm chí, một số bên khác còn muốn hủy bỏ lệnh cấm. Đáng chú ý, quy định này lại phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024.
Xung đột ở Mỹ
Tại Mỹ, ô tô điện thậm chí còn trở thành một trong những cuộc đấu lớn giữa những người phái cấp tiến và phái bảo thủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Bill Ford, Chủ tịch điều hành Ford Motor, thừa nhận: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chứng kiến mức độ chính trị hóa các sản phẩm của chúng tôi đến mức này. Các bang màu xanh lam (do đảng Dân chủ kiểm soát) hô hào rằng ô tô chạy bằng pin rất tuyệt và nên được sử dụng càng sớm càng tốt để phù hợp với khí hậu. Ngược lại, các bang màu đỏ (thuộc đảng Cộng hòa) lại cho rằng xe điện giống như vaccine ngừa dịch bệnh COVID-19 và họ bị chính phủ ép buộc sử dụng trái với ý muốn.
Rất có thể quan điểm thứ hai này sẽ chiếm ưu thế nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, dự kiến vào năm 2024. Khi đó, điều gì sẽ xảy ra đối với các động lực về cung và cầu ô tô điện ở Mỹ? Với mức độ không chắc chắn như vậy, các công ty khó có thể lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD với lợi nhuận dài hạn.
Những chiến lược mới
Vì vậy, có thể hiểu được tại sao cách tiếp cận phổ biến lại đang trở thành là “chờ xem”. Ông Duse lưu ý: “Nhiều nhà sản xuất hiện có dòng sản phẩm điện bao phủ hầu hết các phân khúc thị trường xe ô tô . Các khoản đầu tư tiếp theo sẽ được đánh giá dựa trên xu hướng nhu cầu thực tế, cũng bởi vì việc giảm giá thành - do Tesla thúc đẩy - đang khiến phần đóng góp của BEV vào lợi nhuận chung của các nhà sản xuất bị thu hẹp”.
Chuyên gia này kết luận, doanh số ô tô điện “sẽ tiếp tục tăng, song có lẽ, với tốc độ chậm hơn so với những năm gần đây”.