Mạng xã hội bị biến thành công cụ bài Do Thái?

Một cuộc điều tra của tổ chức Fake Reporter (Phóng viên giả mạo) đã hé lộ rằng kể từ năm 2021, một mạng nước ngoài kết thân với một quốc gia Hồi giáo đang hoạt động ở Israel, đã phát tán sự dối trá, kích động và thù hận trên, bằng cách dùng hàng tá hồ sơ giả và mạo danh người thật nhằm gieo rắc sự mất đoàn kết, chia rẽ.

Hồi đầu năm, một video đặc tả cảnh những người biểu tình cầm cờ đốt hình ảnh của giáo sĩ Chaim Drukman - một trong những lãnh tụ của cộng đồng Tôn giáo Phục quốc Do Thái, người đã qua đời một tuần trước đó - lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, X, WhatsApp và Telegram, được lưu hành bởi những người dùng thật và các tài khoản giả. Những người dùng cánh hữu và giới truyền thông không thể nào kiềm chế được sự phẫn nộ của họ.

Tài khoản Menny Asayag viết: “Đừng tự miễn trách nhiệm nặng nề cho cuộc biểu tình bài Do Thái này”. Sau đó, Yair Netanyahu (con trai Thủ tướng Benjamin Netanyahu) nhanh chóng đáp lời: “Hãy nhớ những gì họ đã làm với người Do Thái - những kẻ làm xấu hình ảnh người Arab tại đám cưới? Lẽ dĩ nhiên cảnh sát không quan tâm”. Kênh 7 cũng đăng tải vụ biểu tình với dòng tiêu đề “Ảnh của Giáo sĩ Chaim Drukman bị đốt cháy trong cuộc biểu tình cánh tả”.

Hàng vạn người Israel biểu tình chống cải tổ tư pháp trong thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Hàng vạn người Israel biểu tình chống cải tổ tư pháp trong thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Sự cảnh giác của Israel

Những người này cùng với nhiều người dùng và cánh các nhà báo không hề hay biết rằng mình đã trở thành những nạn nhân đầu tiên bị dính bẫy do thực thể nước ngoài dựng sẵn, mà không chỉ mỗi trường hợp này. Một cuộc điều tra bởi tổ chức Fake Reporter đã tiết lộ rằng kể từ năm 2021, một mạng gây ảnh hưởng nước ngoài đã hoạt động ngay trong lòng Israel và phát tán đủ thứ dối trá, kích động và thù hận, làm sâu sắc thêm sự rạn nứt giữa những người Israel, và dùng họ để mở rộng tầm ảnh hưởng của mạng lưới này ra ngoài thế giới ảo. Hoạt động của mạng lưới này được tạo thành từ hàng tá hồ sơ giả, bot, các nhóm chát và những tài khoản khác trên các nền tảng WhatsApp, X, Telegram, Facebook, TikTok và Instagram, và dùng các địa chỉ hẹn hò và trang web giả nhằm tạo và quảng bá những chiến dịch gây ảnh hưởng khác nhau.

Những chiến dịch này bao gồm phát tán nội dung độc hại và gây hiểu lầm về kết quả các kỳ bầu cử giả mạo, kích động chống lại cộng đồng đồng tính (LGBTQ+) và những người Do Thái chính thống; mạo danh các nhà báo nổi tiếng, những nhà hoạt động xã hội, và cả các giáo sĩ. Kể từ khi bùng nổ cuộc chiến ở Gaza, mạng lưới này đã tập trung vào các nỗ lực hoạt động liên quan đến những cuộc biểu tình của các gia đình và con tin, hoặc thậm chí tìm đến những nhân vật nổi bật trong cuộc biểu tình để vận động họ.

Ông Achiya Schatz, giám đốc điều hành (CEO) của Fake Reporter đã phát biểu với Ctech: “Cuộc nghiên cứu dài 2 năm đã chứng minh rằng kẻ thù của chúng ta không chỉ ở cổng mà còn lọt vào trong nhà. Những ngày này chúng ta đang tập trung vào biên giới vật lý và không thể bỏ qua biên giới ảo thông qua những đối tác nước ngoài tạo ra xung đột giữa chúng ta, thao túng những người vô tội, và thu thập tình báo. Đã đến lúc để hiểu rằng đây là mối đe dọa mới và thật sự đối với các xã hội dân chủ trên toàn cầu, và chắc chắn với đất nước có nhiều kẻ thù như Israel”.

Ông Achiya Schatz nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần có một kế hoạch mang tầm vóc quốc gia nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về thông tin và kỹ thuật số cùng với một sáng kiến rộng rãi nhằm quản lý các mạng xã hội ở Israel. Cho đến khi điều này xảy ra, người dân sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với các điệp viên nước ngoài trên WhatsApp”. Cuộc điều tra của Fake Reporter bắt đầu vào tháng 11/2022 sau khi nhóm nghiên cứu tìm thấy các cáo buộc về sự gian lận trong các đợt bầu cử được tổ chức đầu tháng đó.

Những cáo buộc này bao gồm ảnh chụp màn hình của ông Yair Netanyahu tuyên bố rằng các ông Benny Gantz và Yair Lapid đang cố gắng thực hiện hành vi gian lận bầu cử. Ảnh chụp màn hình được công bố đồng thời trên vài hồ sơ đáng ngờ có liên kết với nhau và được kích hoạt kể từ năm 2021. Việc công bố này đã cho phép các nhà nghiên cứu bắt đầu quy trình vạch trần mạng lưới rộng hơn.

Số trẻ em được cho là bị Hamas bắt giữ làm con tin ở Dải Gaza.

Số trẻ em được cho là bị Hamas bắt giữ làm con tin ở Dải Gaza.

Hoạt động ra sao?

Cuộc điều tra hé lộ rằng kể từ năm 2021, mạng lưới bí mật đã thiết lập và xây dựng các tài sản kỹ thuật số như những hồ sơ giả hoặc các trang Facebook và các nhóm như “Second Israel” (Nhà nước Israel thứ 2) nhắm đến cộng đồng LGBTQ+. Ban đầu, mạng lưới tập trung chủ yếu vào việc phát tán những thông điệp vu khống chống lại cộng đồng LGBTQ+ và công chúng cực đoan chính thống. Tháng 1/2023, mạng này đã đạt được thành công lớn nhất bằng việc phát tán một video giả mô tả những người biểu tình cánh tả đốt cháy hình ảnh của giáo sĩ Drukman.

Ban đầu video đó có trên một nhóm WhatsApp do mạng này quản lý. Nó dựa trên cảnh quay một cuộc biểu tình được tổ chức trong những lần đàm phán liên minh và được chỉnh sửa để gộp hình ảnh giáo sĩ Drukman. Trong những cuộc biểu tình phản đối việc cải tổ tư pháp của chính phủ Israel vào năm ngoái 2022, mạng này tập trung mạnh trên 2 nền tảng Telegram và Twitter, các nội dung khuyến khích và ủng hộ biểu tình.

Tại thời điểm đó, một tài khoản có giao kết với mạng lưới được đặt dưới tên của một người tên là Sarah Efron đã tiếp cận quản trị viên của các nhóm phản đối trên WhatsApp để yêu cầu phân phối các phim hoạt hình có nội dung cực đoan chẳng hạn như mô tả Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich đang cưỡi lừa có đầu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Bắt đầu từ ngày 7/10/2023, mạng bắt đầu tập trung vào việc phá vỡ và khai thác cuộc đấu tranh của những gia đình có người bị Hamas bắt cóc thông qua các kênh Telegram và tài khoản Facebook, cũng có mặt trên cả Twitter và TikTok, đặt dưới cái tên “The Second Israel”. Những bài viết được mạng này đăng tải bao gồm các cuộc tấn công vào Thủ tướng Israel đương nhiệm (đại loại như “Netanyahu là nguồn cơn chính của thảm họa”). Nội dung được sao chép từ các trang của những người ủng hộ biểu tình trong khi đó lại giảm tối đa nội dung từ những trang ủng hộ ông Netanyahu.

Mạng này cũng tạo ra nội dung gốc, chẳng hạn như một video chỉ trích sự thiếu đồng cảm của ông Netanyahu đối với những nạn nhân bị bắt cóc cùng một video giả ngài Thủ tướng. Người sử dụng Sara Efron thậm chí còn kêu gọi quản trị viên những nhóm các gia đình có người thân bị bắt cóc làm con tin trên WhatsApp nhận thông tin về các nhóm biểu tình, và thuyết phục những nhà hoạt động phân phát tài liệu chế nhạo ông Netanyahu, Ben-Gvir cùng các quan chức dân cử khác. Các điều tra viên của Fake Reporter đã xác định có 3 phương pháp chính được mạng lưới này sử dụng. Thứ nhất là thu thập thông tin và tung điệp viên.

Đối thủ khai thác đa nền tảng mạng xã hội để chống phá quốc gia Do Thái.

Đối thủ khai thác đa nền tảng mạng xã hội để chống phá quốc gia Do Thái.

Tấn công cộng đồng người đồng tính

Các nhà nghiên cứu giải thích: “Sarah đề nghị họ dùng một loại đồ họa đặc biệt mà hai vợ chồng bà ta đã tự thiết kế cho cuộc biểu tình, bao gồm ảnh ông Netanyahu trong ngọn lửa. Sau khi bắt đầu xung đột, Sarah bày tỏ sự quan tâm đến cuộc chiến giành lại con tin và yêu cầu tham gia vào các nhóm WhatsApp về chủ đề này, liên hệ với ít nhất một nhóm mở, tiếp xúc với quản trị viên của nhóm đó, và cung cấp các áp phích được thiết kế cho cuộc biểu tình. Có sự lo ngại rằng hồ sơ giả đã thiết lập liên hệ với các quản trị viên khác”. Một video ở Haifa đã được chia sẻ bởi các tài khoản liên đới với mạng bí mật bao gồm một tài khoản mạo danh cựu đại sứ Israel tại Liên hiệp quốc, Gabriela Shalev.

Báo cáo của Fake Reporter phân tích: “Điều này cho thấy rằng mạng đã có thể tuyển dụng những người ủng hộ và thậm chí cho họ hành động trong thế giới thực nhằm tiếp tục phát tán thông điệp lừa dối. Trên thực tế, các công dân Israel đã hành động nhân danh mạng lưới này, ngay trên quê hương mình mà họ vẫn không hề hay biết”. Phương pháp thứ 2 là làm sâu sắc thêm những rạn nứt giữa các bộ phận dân cư khác nhau. Video giả mạo hình nộm giáo sĩ Drukman bị đốt là minh họa sống động nhất, nhưng không phải chỉ có mình nó.

Các nhà nghiên cứu của Fake Reporter giải thích: “Phần lớn nội dung được phân phối trên tài sản kỹ thuật số “The Second Israel” liên quan đến vấn đề những người bị bắt làm con tin. Thông điệp chính ở đây là chính phủ Israel mà cụ thể là ông Netanyahu không quan tâm tới các nạn nhân và họ bị xem như đã chết. Nó cũng tuyên bố rằng công dân nước ngoài được đối xử tốt đẹp hơn trong một nỗ lực làm mất tinh thần và khuyến khích nhập cư trong suốt cuộc chiến”.

Trước đó mạng này cũng tham gia vào kích động chống lại cộng đồng LGBTQ+ và cực đoan Chính thống giáo. Chiến dịch này nhằm mục đích củng cố niềm tin rằng không có ai muốn nói chuyện và rằng những khoảng cách trong xã hội Israel không thể được thu hẹp, đề xuất rằng những nhóm người thế tục và cực đoan Chính thống giáo nên cách biệt về mặt địa lý và ý thức hệ. Có các nội dung căm thù về cộng đồng LGBTQ+ với những thông điệp đại loại như “đây không phải là tình yêu mà là sự đố kỵ” cùng với hình ảnh các cặp đồng giới.

Ngoài ra còn có đồ họa lá cờ của người đồng tính trong thùng rác với chú thích “Những kẻ bệnh hoạn, cút đi!” Còn cựu bộ trưởng y tế Israel, Nitzan Horowitz (một đồng tính nam) được miệt thị là “Satan” (Quỷ Sa Tăng). Nội dung phản đối bao gồm những hình ảnh kỳ thị người đồng tính của một phong trào hư cấu gọi tên là “Phong trào ngừng Haredim”, một hình ảnh cấm uốn tóc và cắt tóc, cùng một hình ảnh chống thế giới thứ 3 với dòng chú thích “Lòng hận thù chống Do Thái”.

Phương pháp thứ ba là tạo ra những tổ chức giả và mạo danh người thật. Đáng lưu ý là mạng này đã mạo danh những vị giáo sĩ và người có tầm ảnh hưởng nổi tiếng. Các điều tra viên Fake Reporter xác nhận những tài khoản mạo danh 7 giáo sĩ Do Thái (Zvi Kostiner, Reuven Elbaz, Aharon Biton, Shmuel Eliyahu, Shlomo Amar, Avigdor Nabnetzel và Eliyahu Maksomov), tất cả đều bày tỏ quan điểm chống lại cộng đồng LGBTQ+ và chế giễu người đồng tính. Những tài khoản này đã chiêu mộ hàng trăm hoặc hàng ngàn người theo dõi.

“Tất cả các hồ sơ giả này vẫn tồn tại trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau và cùng có nội dung kích động”, dẫn tuyên bố của các nhà nghiên cứu Fake Reporter. Kênh YouTube của giáo sĩ Shlomo Amar cũng còn tồn tại và chứa nhiều đoạn âm thanh giả mạo tấn công cộng đồng người đồng tính và đồng thời kêu gọi phủ nhận nữ quyền gồm cả quyền đi bầu cử. Giọng nói của kẻ giả mạo không giống giọng của giáo sĩ Amar và có thể xác định được lỗi phát âm, nhưng nhiều người vẫn tin sái cổ.

Ba hồ sơ Twitter cũng được xác định là mạo danh những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng và dùng để tán phát nội dung ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ và chống cực đoan Chính thống giáo. Một hồ sơ được tìm thấy đã giả danh Idit Klein, chủ tịch kiêm CEO của Keshet, một tổ chức bảo vệ công bằng cho cộng đồng người đồng tính Do Thái. Một tài khoản khác mạo danh Yehudit Plesko, một nhà thần học nữ quyền người Do Thái, cũng như nhà báo Omar Schubert. Tên và tiểu sử của ông Omar bị đánh cắp, một bức ảnh không phải của ông được đính kèm vào đó.

Các nhà nghiên cứu của Fake Reporter cũng xác định được một số hồ sơ bằng tiếng Do Thái và tiếng Anh đã giả mạo các tổ chức trên thế giới với những biểu tượng độc đáo. Mạng lưới bí mật cũng thành lập 2 trang web tin tức giả nhằm phổ biến những tin tức bịa đặt từ Yair Netanyahu chống lại Yair Lapid, thủ lĩnh đảng đối lập của Israel.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/mang-xa-hoi-bi-bien-thanh-cong-cu-bai-do-thai--i734951/