Mập mờ 'GS, TS danh dự': Cần biện pháp quản lý, đừng để đâu đâu cũng là 'GS, TS'

Cơ quan quản lý cần sớm có can thiệp để dẹp sự hỗn loạn bằng cấp tránh đi đâu cũng gặp 'giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ' nhưng không NCKH, học tập ngày nào.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết đề cập về các buổi lễ "sắc phong" giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự của nhiều trường đại học ở nước ngoài được thực hiện thông qua sự kiện của của tổ chức có tên Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ.

1. Lãnh đạo doanh nghiệp rầm rộ nhận "sắc phong" GS, TS danh dự từ ĐH nước ngoài

2. Dự "sắc phong" GS, TS danh dự: Doanh nhân tiết lộ chi phí, ngộ ra chỉ là tờ giấy

3. Cẩn thận "tiền mất, danh mất" từ chào mời nhận "sắc phong" GS, TS danh dự

Sau khi các bài viết trên được đăng tải, nhiều độc giả là lãnh đạo doanh nghiệp gửi thông tin về Tạp chí cho biết, có lãnh đạo doanh nghiệp sau khi nhận "sắc phong" GS, TS, Viện sĩ danh dự của các trường nước ngoài đã ghi cụm từ "GS, TS, Viện sĩ" vào tên của họ giống như các giáo sư, tiến sĩ phải qua đào tạo, xét công nhận chức danh. Điều này gây rất nhiều băn khoăn, nghi ngại.

 Văn bản gửi cơ quan nhà nước của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam có sử dụng danh xưng "GS, TS" nhưng không không ghi rõ cụm từ "danh dự" của ông Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Văn bản gửi cơ quan nhà nước của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam có sử dụng danh xưng "GS, TS" nhưng không không ghi rõ cụm từ "danh dự" của ông Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Độc giả cũng cũng nêu đến trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Văn Đệ (hiện là Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Hợp lực; Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam) sử dụng danh xưng "GS,TS, Viện sĩ" (viết tắt của giáo sư, tiến sĩ - PV) cùng với chữ ký và con dấu trong các văn bản của doanh nghiệp, hiệp hội mà vị này đang làm lãnh đạo để gửi đến cơ quan nhà nước và một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đáng nói, danh xưng giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ được ông Đệ sử dụng nhưng không ghi rõ là "GS, TS, Viện sĩ danh dự" khi sử dụng cùng với con dấu, chữ ký trong các văn bản gửi đi đang gây ra không ít hiểu nhầm về trình độ học vấn của người này.

Qua đó, độc giả cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong nước ồ ạt nhận "sắc phong" giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự từ một số trường đại học "lạ hoắc" ở nước ngoài. Đồng thời, việc có một số cá nhân không công bố rõ ràng và sử dụng các danh xưng đó như học hàm, học vị mà phải rất khó khăn qua đào tạo, nghiên cứu mới có được. Điều này dễ gây ra sự xáo trộn, hỗn loạn về bằng cấp, từ đó làm mất đi giá trị cao quý của học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ trong nước.

Biểu hiện của sự "sính" bằng cấp

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, điều này là biểu hiện rõ nhất của tình trạng "sính" bằng cấp.

"Khi chưa có chế tài cũng như quy định nào để xử lý về tình trạng này thì chỉ có cách là vận động, phê bình những cá nhân đang cố tình mập mờ khi sử dụng danh xưng "GS, TS, Viện sĩ danh dự". Để làm sao thức tỉnh những người dù đã có điều kiện kinh tế nhưng lại vẫn muốn có thêm "thành tích hào nhoáng", để họ trở về với thực tại của chính bản thân họ.

Để cho họ hiểu rằng, bằng "GS, TS, Viện sĩ" danh dự thì chỉ mang tính giao hữu, trao tặng của trường đại học nước ngoài chứ nó không có ý nghĩa như học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ trong nước và không thể áp dụng vào giáo dục, đào tạo được.

Doanh nghiệp họ hoạt động tốt, tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước thì bản thân họ luôn được xã hội tôn vinh, ghi nhận. Vì vậy, đừng cố để có "danh ảo" từ các trường ở nước ngoài mà khéo họ chưa được đến, cũng chả rõ trường ý hoạt động ra sao", vị nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanhphohaiphong.gov.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanhphohaiphong.gov.vn

Qua đó, vị này cho rằng, cơ quan quản lý cũng nên sớm có động thái quản lý để tránh tình trạng đi đâu cũng gặp "giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ" mà không qua học tập, nghiên cứu khoa học ngày nào.

Đồng thời, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cũng đưa ra lời khuyên: "Có thể, có nhiều người họ muốn có bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự đó để phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc làm việc cho "sang trọng" chứ không phải là học hàm, học vị để phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu.

Vì thế, chính các lãnh đạo doanh nghiệp khi có trong tay bằng danh dự của trường nước ngoài thì cũng cần hiểu rõ về giá trị của các tấm bằng danh dự đó là như thế nào. Tránh sự nhầm lẫn khi đưa nó vào sử dụng, phục vụ công việc".

Cần có sự quản lý chặt chẽ

Bày tỏ quan điểm về việc này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng này phụ thuộc rất lớn vào đạo đức và sự trung thực của chính lãnh đạo doanh nghiệp.

"Có thể lãnh đạo doanh nghiệp họ có điều kiện và là cổ đông góp vốn để mở trường học và tham gia hoạt động giáo dục, đào tạo. Thậm chí, có trường hợp các thành viên khác trong trường biết người đó sử dụng bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự nhưng vì "nể nang" nên đành nhắm mắt cho qua.

Vì thế, rất có thể xảy ra trường hợp, có người bằng dùng giáo sư, tiến sĩ danh dự nhưng vẫn được tham gia vào hoạt động đào tạo trong một số nhà trường, đặc biệt là đối với hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục", Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương nêu cảnh báo.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: vcci.com.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: vcci.com.vn

Qua đó, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương cho rằng, nếu vẫn còn tồn tại tình trạng cá nhân sử dụng danh xưng giáo sư, tiến sĩ nhưng không nêu rõ "danh dự" thì sẽ xảy ra sự bất công bằng và chất lượng đào tạo, đồng thời gây hỗn loạn về bằng cấp trong nước. Bởi lẽ, những bằng danh dự đó hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn như học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ mà phải trải qua quá trình học tập, nghiên cứu khoa học khó khăn, vất vả lắm mới có được.

Vị Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh nêu dẫn chứng: "Tôi đã từng thấy có người nhận bằng danh dự từ các trường đại học ở nước ngoài, và không biết bằng con đường nào đó họ có chân trong hội đồng giáo dục của một trường đại học tư thục và dùng danh xưng là giáo sư, tiến sĩ.

Ngoài ra, tôi cũng biết có một người từng là nhân viên của tôi khi tự nhận mình là phó giáo sư. Khi tôi hỏi bạn ấy là học tiến sĩ lúc nào mà sao lại được bổ nhiệm là phó giáo sư thì bạn ấy giải thích là đã từng là trợ giảng ở một trường đại học nào đó bên Phi-líp-pin sau đó họ phong cho là phó giáo sư. Nghĩa là bạn đó chưa học tiến sĩ nhưng đã là được phong là phó giáo sư rồi.

Điều này là để cho thấy, chính bản thân những người có "chức danh" đó họ không trung thực và có sự hám danh, mua danh để đạt được các mục đích cá nhân. Dù trên thực tế những người đó không đủ tiêu chuẩn và bằng danh dự đó hoàn toàn không được công nhận để phục vụ trong hoạt động giáo dục, đào tạo.

Vì vậy, nếu để lọt các trường hợp không có nghiệp vụ, chuyên môn vào hoạt động trong các cơ sở giáo dục như vậy thì điều này là cực kỳ nguy hiểm đến nền giáo dục. Khi chưa có chế tài để quản lý và xử phạt thì chắc chắn một số cá nhân họ vẫn sẽ tìm cách để "lạm dụng" các tấm bằng danh dự này. Câu chuyện về lãnh đạo doanh nghiệp dùng danh xưng "GS, TS" nhưng không ghi rõ cụm từ "danh dự" trong các văn bản gửi đi mà phóng viên phản ánh là một minh chứng của điều này.

Vì thế, đã đến lúc các cơ quan quản lý nên có sự kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trong nước tổ chức các hoạt động trao bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự từ các trường nước ngoài. Đồng thời, cơ quan Nhà nước liên quan cũng cần có biện pháp để tránh việc tùy tiện sử dụng danh xưng GS, TS, viện sĩ danh dự từ các trường nước ngoài như học hàm, học vị qua đào tạo, nghiên cứu khoa học mới có được.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/map-mo-gs-ts-danh-du-can-bien-phap-quan-ly-dung-de-dau-dau-cung-la-gs-ts-post243449.gd