'May đo' chính sách để hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể

Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên theo số liệu thống kê, đến thời điểm 31/12/2024, cả nước mới có khoảng 940.078 doanh nghiệp đang hoạt động.

Lắng nghe người trong cuộc

Bởi vậy để đạt được mục tiêu đã đề ra, theo các chuyên gia, cần có các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thuyết phục hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp lại không hề đơn giản. Không ít hộ kinh doanh nhỏ lẻ ngần ngại chuyển thành doanh nghiệp vì theo họ, hiện đang có những “tảng đá ngáng đường” như thủ tục hành chính, báo cáo thuế, hoạt động thanh tra kiểm tra...

Dù chuyển lên thành doanh nghiệp có không ít cái lợi nhưng nhiều người chọn “ở lại” làm hộ kinh doanh. Bởi, khi thành doanh nghiệp, thủ tục thuế nhiêu khê hơn và mọi hoạt động phải có hóa đơn chứng từ, phải có nhân sự chuyên trách am hiểu về kế toán, thuế để thực hiện báo cáo khiến việc quản lý phức tạp hơn và tốn kém hơn…

Hơn nữa, một hộ kinh doanh khác khẳng định, làm kinh doanh ai cũng muốn phát triển, nhiều cơ hội hơn, nhưng họ sợ những ràng buộc về “rừng” thủ tục không phân biệt lớn - nhỏ. Nhiều quy định pháp luật hiện nay khiến chi phí tuân thủ đối với hình thức cá nhân kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp tư nhân trở nên “quá sức chịu đựng”. Đó các quy định hiện hành đối với đăng ký kinh doanh, các yêu cầu về trụ sở, chế độ kế toán, báo cáo tài chính, thuế, lao động, bảo hiểm xã hội…

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, không ít hộ kinh doanh đang có nguyện vọng làm ăn lớn, mở rộng quy mô, kinh doanh chuyên nghiệp hơn, nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp.

Hộ kinh doanh cá thể tạo ra khoảng 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu mỗi năm, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động

Hộ kinh doanh cá thể tạo ra khoảng 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu mỗi năm, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), khu vực hộ kinh doanh cá thể tạo ra khoảng 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu mỗi năm, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế và giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1,7 triệu hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, trong khi hơn 3,3 triệu hộ chưa đăng ký kinh doanh chính thức, gây thất thu ngân sách đáng kể. Đáng chú ý, mức đóng góp thuế của khu vực này vào ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 1,5-2% tổng thu, thấp hơn nhiều so với tiềm năng thực tế.

Tìm mô hình hoạt động và ưu đãi thuế phù hợp

Để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần chuyển đổi cơ bản về chính sách thuế. Theo đó, những hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở xuống thì có thể áp dụng thuế khoán. Vì đây là những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, chủ yếu là để giải quyết công việc làm, thu nhập cho chính bản thân họ và gia đình. Với hộ có doanh thu trên mức này thì thực hiện theo phương pháp kê khai với mức thuế nộp tương đương như doanh nghiệp. Như vậy, sẽ góp phần đảm bảo minh bạch và không thất thu ngân sách.

Một thực tế là hộ kinh doanh khi phát triển lên doanh nghiệp sẽ đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tư nhân với đa dạng các lĩnh vực từ du lịch, dịch vụ đến sản xuất. Để làm được điều này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất cần miễn thuế từ 3 - 5 năm đầu để nuôi dưỡng nguồn thu. Thứ hai là đơn giản quy trình thủ tục, không bắt buộc áp dụng ngay mô hình quản trị của doanh nghiệp hoàn chỉnh (không cần hội đồng quản trị, không cần ban kiểm soát, không cần kế toán trưởng…); đồng thời, cần hỗ trợ công cụ quản trị về mặt tài chính, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền minh bạch, hiệu quả hơn. Hiện một số doanh nghiệp công nghệ đã sẵn sàng cung cấp phần mềm miễn phí trong giai đoạn đầu, giúp hộ kinh doanh tiếp cận dễ dàng hơn với mô hình doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, cần “dọn chỗ” trước để các hộ kinh doanh tự nguyện chuyển lên doanh nghiệp, hơn là ép buộc họ phải khoác một tấm áo không phù hợp. Kịch bản tối ưu nên là đổi mới các quy định liên quan đến doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo hành lang pháp lý ngay trong luật này dành cho doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, vốn có chi phí vận hành thấp, thuận tiện, dễ dàng với những người hiện đang là hộ kinh doanh…

Võ Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/may-do-chinh-sach-de-ho-tro-ho-kinh-doanh-ca-the-161805.html