Meta chi hơn 200 triệu USD giành chuyên gia AI từ Apple, nhóm 'siêu trí tuệ' có mức đãi ngộ thuộc hàng cao nhất
Meta Platforms đã đưa ra đề nghị lương thưởng cực kỳ cao cho các thành viên mới của bộ phận 'siêu trí tuệ', gồm cả gói hơn 200 triệu USD cho kỹ sư xuất sắc từ Apple.
Meta Platforms đã tuyển dụng Ruoming Pang, kỹ sư xuất sắc từng đứng đầu nhóm mô hình AI của Apple, bằng gói lương thưởng hơn 200 triệu USD trong vài năm, theo những người am hiểu vấn đề nhưng từ chối nêu tên vì thảo luận về thông tin chưa được công bố chính thức, trang Bloomberg đưa tin.
Từng gia nhập Apple từ Alphabet (công ty mẹ Google) vào năm 2021, Ruoming Pang là cái tên mới gia nhập bộ phận mang tên Superintelligence Labs của Meta Platforms, tập trung vào việc xây dựng "siêu trí tuệ cá nhân cho mọi người".
Tại Apple, Ruoming Pang từng dẫn dắt một nhóm khoảng 100 người, chịu trách nhiệm về các mô hình ngôn ngữ lớn của công ty – nền tảng cho Apple Intelligence và các tính năng AI khác trên thiết bị của hãng.
Apple không cố gắng cạnh tranh với Meta Platforms để giữ chân Ruoming Pang bằng mức đãi ngộ đó, vì con số này vượt xa mức lương thưởng phổ biến tại hãng sản xuất iPhone, ngoại trừ Giám đốc điều hành Tim Cook.

Ruoming Pang, cựu quản lý nhóm mô hình AI tại Apple, gia nhập bộ phận Superintelligence Labs của Meta Platforms với gói đãi ngộ hơn 200 triệu USD - Ảnh: Internet
Gói đãi ngộ này tương đương các vụ tuyển dụng lớn khác của Meta Platforms cho bộ phận Superintelligence Labs, theo các nguồn tin của Bloomberg. Đội ngũ này hiện gồm cả Nat Friedman (cựu giám đốc điều hành GitHub) và Daniel Gross (đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Safe Superintelligence).
Cuối tháng 6, Meta Platforms đã bổ nhiệm Alexandr Wang (đồng sáng lập công ty khởi nghiệp gán nhãn dữ liệu nổi tiếng Scale AI) làm Giám đốc AI của mình sau khi 14,3 tỉ USD để mua 49% cổ phần trong hãng này.
Ngoài Ruoming Pang, Meta Platforms vừa tuyển dụng nhà nghiên cứu Yuanzhi Li từ OpenAI và Anton Bakhtin - chuyên gia từng làm việc với mô hình Claude tại Anthropic, trang Bloomberg cho biết hôm 7.7.
Meta Platforms (có trụ sở tại thành phố Menlo Park, bang California, Mỹ) từ chối bình luận. Apple không phản hồi khi Bloomberg đề nghị bình luận.
Mức đãi ngộ thuộc hàng cao nhất trong giới doanh nghiệp
Từ góc độ thuần túy về số liệu, đội ngũ Meta Superintelligence Labs đang sở hữu mức đãi ngộ thuộc hàng cao nhất giới doanh nghiệp, thậm chí còn hơn cả vị trí giám đốc điều hành tại các ngân hàng lớn trên thế giới. Thế nhưng, phần lớn số tiền này được gắn với các mục tiêu hiệu suất và chỉ được giải ngân trong nhiều năm gắn bó, nghĩa là những nhân tài AI mới sẽ không nhận được toàn bộ số tiền nếu rời Meta Platforms sớm hoặc nếu cổ phiếu công ty tăng trưởng không tốt.
Gói đãi ngộ cho các thành viên Meta Superintelligence Labs gồm lương cơ bản, tiền thưởng khi ký hợp đồng và cổ phiếu công ty, trong đó cổ phiếu là phần có giá trị lớn nhất. Lương và tiền thưởng khi gia nhập Meta Platforms thường là các khoản thanh toán đáng kể. Trong trường hợp ứng viên phải từ bỏ lượng lớn cổ phần tại công ty khởi nghiệp đang làm để gia nhập Meta Platforms, tiền thưởng khi ký hợp đồng có thể cao hơn để bù đắp cho khoản bị mất đó.
Về phần thưởng cổ phiếu, Meta Platforms có xu hướng ghi trong hợp đồng rằng các khoản thanh toán được gắn với các chỉ số cụ thể như cổ phiếu công ty tăng ít nhất tỷ lệ phần trăm nhất định trong một năm nào đó, theo nguồn tin của Bloomberg. Trong nhiều trường hợp, các nhân viên mới đồng ý ký hợp đồng với công ty mẹ Facebook dài hơn cả lịch trình 4 năm - khoảng thời gian phổ biến để được nhận đầy đủ phần thưởng cổ phiếu.
Các chi tiết mới về cấu trúc gói lương thưởng được Bloomberg tiết lộ sau khi Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) gây sốc cho Thung lũng Silicon khi mô tả về cuộc chiến tranh giành nhân tài AI với Meta Platforms trên podcast Uncapped hồi tháng trước.
Sam Altman cho biết Meta Platforms đã đề nghị nhân viên của OpenAI tiền thưởng khi ký hợp đồng lên tới 100 triệu USD, cùng các gói đãi ngộ thậm chí còn lớn hơn, để gia nhập đội ngũ Superintelligence Labs. Doanh nhân 40 tuổi người Mỹ gọi đây là điều “điên rồ”.
Ông cho biết cách tiếp cận của OpenAI với việc giữ chân nhân tài là hướng đến “sứ mệnh lớn lao với những người thực sự tài năng và nỗ lực xây dựng một phòng nghiên cứu cũng như công ty tuyệt vời”.
Bất chấp những nhận xét của Sam Altman, Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) hiện đã tuyển dụng thành công hơn 10 nhà nghiên cứu AI kỳ cựu từ OpenAI, cùng các kỹ sư và chuyên gia hàng đầu từ Anthropic, Google, Apple và các công ty khởi nghiệp khác.
Khi cuộc chiến tranh giành nhân tài AI ngày càng căng thẳng, Sam Altman tiết lộ rằng đã không nói chuyện với Mark Zuckerberg kể từ khi Giám đốc điều hành Meta Platforms bắt đầu nỗ lực săn một số nhân tài AI hàng đầu của OpenAI. Thế nhưng, Giám đốc điều hành OpenAI nói đang “mong được gặp” chủ sở hữu Facebook tại Hội nghị Sun Valley.
Sun Valley là hội nghị tài chính - truyền thông thường niên do công ty đầu tư tư nhân Allen & Company tổ chức và tài trợ. Hội nghị này diễn ra trong một tuần tại thành phố Sun Valley (bang Idaho, Mỹ) vào mỗi tháng 7, kể từ năm 1983.
Hội nghị Sun Valley được mệnh danh là "trại hè của các tỷ phú" vì quy tụ những nhân vật giàu có và quyền lực nhất trong giới kinh doanh, truyền thông và chính trị toàn cầu. Đây là nơi các giám đốc điều hành, nhà đầu tư, lãnh đạo các công ty nổi tiếng (Apple, Google, Meta Platforms, Amazon, OpenAI, Walt Disney...) và cả chính trị gia cùng nhau thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của ngành công nghiệp.
Ngoài ra, Hội nghị Sun Valley cũng là nơi nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập trị giá hàng tỉ USD được khởi xướng và hoàn tất thông qua những cuộc gặp gỡ thân mật.
Các chương trình và chủ đề thảo luận tại hội nghị thường được giữ bí mật để đảm bảo không gian trao đổi thoải mái cho giới siêu giàu.
10 chuyên gia AI vừa gia nhập đội ngũ Meta Superintelligence Labs cùng Alexandr Wang, Nat Friedman và Daniel Gross cuối tháng 6 gồm:
Trapit Bansal tiên phong về học tăng cường trên chuỗi tư duy, đồng sáng tạo dòng mô hình o tại OpenAI.
Bi Shuchao đồng sáng tạo chế độ giọng nói của GPT-4o và o4-mini, trước đây dẫn dắt huấn luyện đa phương thức hậu kỳ tại OpenAI. Huấn luyện đa phương thức hậu kỳ là bước tinh chỉnh mô hình AI sau khi đã được huấn luyện ban đầu, với mục tiêu giúp nó hiểu và xử lý đồng thời nhiều dạng dữ liệu khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…
Chang Huiwen đồng sáng tạo khả năng tạo ảnh của GPT-4o, từng sáng tạo kiến trúc MaskGIT (tạo ảnh tiên tiến) và Muse (tạo ảnh từ văn bản) tại Google Research.
Lin Ji tham gia xây dựng mô hình o3/o4-mini, GPT-4o, GPT-4.1, GPT-4.5, o4-imagegen (thành phần phụ trách tạo ra hình ảnh trong kiến trúc mô hình o4) và nền tảng suy luận Operator.
Joel Pobartừng phụ trách suy luận tại Anthropic, trước đây làm ở Meta 11 năm về HHVM (máy ảo được Meta phát triển để chạy mã PHP hiệu quả hơn), Hack (ngôn ngữ lập trình được Meta phát triển dựa trên PHP, có hỗ trợ hệ thống kiểu tĩnh), Flow (công cụ kiểm tra kiểu tĩnh cho JavaScript), React (thư viện JavaScript mã nguồn mở do Meta phát triển để xây dựng giao diện người dùng, đặc biệt là các ứng dụng web tương tác cao), công cụ hiệu suất và học máy.
Ren Hongyu đồng sáng tạo GPT-4o, 4o-mini, o1-mini, o3-mini, o3 và o4-mini, trước đây lãnh đạo nhóm huấn luyện hậu kỳ tại OpenAI.
Johan Schalkwyk là cựu Google Fellow (một trong những cấp bậc kỹ thuật cao nhất tại Google), đóng góp sớm cho Sesame (công nghệ liên quan nhận dạng hoặc tổng hợp giọng nói tại Google) và lãnh đạo kỹ thuật dự án Maya (sử dụng Gemini API để thể hiện khả năng tích hợp ngữ cảnh hội thoại, xử lý hình ảnh và âm thanh một cách toàn diện).
Sun Pei từng phụ trách huấn luyện hậu kỳ, lập trình và suy luận cho Gemini tại Google DeepMind, trước đó xây dựng hai thế hệ mô hình cảm biến của Waymo (công ty con của Alphabet chuyên phát triển công nghệ xe tự lái).
Yu Jiahui đồng sáng tạo o3, o4-mini, GPT-4.1 và GPT-4o, từng là trưởng nhóm Nhận thức tại OpenAI và đồng lãnh đạo mảng đa phương thức cho dự án Gemini tại Google DeepMind.
Zhao Shengjia đồng sáng tạo ChatGPT, GPT-4, tất cả mô hình mini, GPT-4.1 và o3, từng dẫn đầu mảng dữ liệu tổng hợp tại OpenAI.
Trong số này có 7 nhà nghiên cứu AI đến từ Trung Quốc, từng tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở nước này (Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc), sau đó tiếp tục theo đuổi các chương trình học và sự nghiệp tại Mỹ. Cụ thể là Bi Shuchao, Chang Huiwen, Lin Ji, Ren Hongyu, Sun Pei, Yu Jiahui và Zhao Shengjia.