Miền xanh trọn vị
Người khách như lạc vào quá khứ của miền Tây thời mở cõi. Thời con người chỉ nhìn nhau qua màu thiên nhiên trải rộng. Xưa lắm. Xưa như chỉ có màu hồng trên môi trầu hoặc màu hồng từ hương rượu gạo. Hương sắc là từ sâu trong nết, trong na.
Mấy vị khách Tây nói với Thơ: “Tao ngủ ở nhà mày giống như ngủ ở cảnh tiên vậy”. Tôi không nghĩ cảnh tiên nó bình dị như vậy. Tôi thấy nó giống một giấc mơ của tôi. Nơi đó là quê ngoại. Nơi đó những ngôi nhà cách nhau một con mương để đậu xuồng ghe. Dưới mương là cây mái dầm, cây ô rô đóng màu bùn phơi mình khi nước cạn. Nơi đó là dòng nước chảy nhẹ với những con cá bống thệ háu ăn.
Tôi từng ước có tiền mình có thể làm một miền Tây xưa cũ thu nhỏ. Nơi con nước quanh co ven những lối đi. Nó không phải là một nếp nhà. Nó không phải là một cảnh quan. Nó không phải là những câu nói bỗ bã, suồng sã, rổn rảng. Nơi đó ta nhìn thấy cái thật trong ánh mắt, thật trong câu mời cơm, thật trong cơn thương, cơn giận. Thật trong nhẹ nhàng và riêng biệt.
Giấc mơ của tôi quá thuần phác nên nó cao vời giữa thời con người đang bẩn chật. Tôi gặp lại nó bằng con đường một cô giáo mang trên mình sứ mạng đọc và hướng đọc. Cô giáo đón tôi từ bến phà An Bình về nhà cô rồi đảo lại phà để về thư viện Miệt Vườn. Cung đường mười sáu cây số. Một chuyến phà lúc nào cũng ken cứng người. Mỗi chuyến đi dạy tốn một giờ đồng hồ, một chuyến phà chang chang nắng mà nhiều cô giáo phải bung dù trong lúc sang sông. Cô giáo của sách cười cười: “Em không thấy cực vì em thấy vui. Có bữa mệt thì em ngủ lại thư viện”. Tôi không nghĩ thư viện Miệt Vườn lại đặt trong một căn nhà đẹp giữa một khu nghỉ dưỡng đoạt giải ASEAN. Và độc giả cù lao được đọc sách trong một chốn chuẩn thiên đường thư viện. Thông thoáng, mát lành, tươi sáng và ngút ngát thiên nhiên. Mấy chục giá sách đủ dáng hình đặt vòng quanh ngôi nhà cổ trong quần thể nhà cổ mộng mơ.
![Thư viện Miệt Vườn lại đặt trong một căn nhà đẹp giữa một khu nghỉ dưỡng đoạt giải ASEAN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_342_51430186/d7eb1ed82496cdc89487.jpg)
Thư viện Miệt Vườn lại đặt trong một căn nhà đẹp giữa một khu nghỉ dưỡng đoạt giải ASEAN.
Homestay Út Trinh là giấc mơ của tôi thì thư viện Miệt Vườn là giấc mơ của những cuốn sách.
Thư viện Miệt Vườn như món quà không tưởng mà số phận dành tặng cho sự tận tâm cùng sách của cô giáo sách. Để mỗi ngày thà vượt chuyến phà đông, thà nhọc nhằn chặng đường dài mà cô bám trụ Hòa Ninh chớ không thích về dạy gần nhà. Và phải có người bạn tri âm, tri kỷ Út Trinh thì mùa nhọc nhằn kia mới rộ nở những mùa quả ngọt. Để dẫu phà An Bình có nắng chói chang, lối vào homestay Út Trinh khó tìm, khó đến vẫn có lắm giáo sư, nhân sĩ trí thức lần về thư viện Miệt Vườn. Tôi ngồi giữa những người bạn tri âm của thư viện Miệt Vườn nghe cô bé Thơ kể về nỗi nhớ của mình trong ngôi nhà chung của họ.
- Em xẹt qua, xẹt lại nhà Út Trinh, Út Bình quen rồi, đi du lịch chồn chân muốn chết. Nhớ cồn quá. Hời ơi, về đây ăn cơm nó ngon. Em còn du lịch dài dài nghe chị. Dạ là du lịch ở bệnh viện. Chồng em bệnh thời cuối rồi... Em làm ở đây mười năm rồi…
Thơ kể về bất hạnh nhẹ tênh làm cho người nghe cũng an lành. Lúc Thơ đang kể chuyện, những người khách Tây đi qua, đi lại cười cười ngọng nghịu “Chào bạn”.
Cù lao An Bình là một cù lao bình thường giữa con sông bình thường. Vài con đường gập ghềnh ven kênh. Bần lơ thơ. Dừa lơ thơ. Bao nhiêu cù lao mang đặc tính đó. Sao khách Tây nói tao ngủ ở nhà mày như ngủ giữa đất tiên. Vì sao những trường đại học phương Tây đưa sinh viên về đây làm dự án để chính tay sinh viên bỏ tiền, bỏ công xây cất hàng trăm căn nhà cho những người nghèo trên cồn.
![Một buổi chạm sách của thư viện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_342_51430186/a52b6a185056b908e047.jpg)
Một buổi chạm sách của thư viện.
Nó tĩnh lặng sao? Cũng có ca vọng cổ đèn dầu, cũng có tiếng í ới Út Mười ơi cho con một chén bánh canh hến, dì Bảy ơi cho con mượn cái áo bà ba.
Nơi đó kiểu gì mà Út Mười làm bảy năm rồi. Bảy thì cũng làm cỡ đó. Thơ rồi mấy chị ca tài tử cũng mười năm y như vậy. Có cảm giác ai vô nhà Út Trinh là dính duyên, dính nợ. Ở là ở luôn rồi còn ở nữa. Nhân viên nhà Út Trinh không phải là những người trường lớp. Các chị, các cô cư ngụ quanh đó cần việc là tới làm. Út Trinh dạy cách nói tiếng Anh, dạy cách giữ nếp miền Tây xưa trong cách ăn, cách đãi. Tuy nhẹ nhàng nhưng quy củ, chân chất nhưng dứt khoát rõ ràng. Người đối với người bằng sự trầm lắng nhẹ nhàng hiểu nết nhau, tin nhau và nương nhau đi tới.
Những người mang tên Út, Bảy, Mười với áo bà ba, với màu da sạch trơn không gợn chút son phấn thị thành. Ngay cả cô quản lý Thơ vốn mặn mà cũng để màu da ngăm đen và cứ thế cười giòn cùng khách lạ lẫn bạn bè. Ngay cả cô chủ Út Trinh duyên dáng hát ngọt như ca sĩ cũng kẹp cái đuôi tóc nhẹ trên lưng và một gương mặt không dấu phấn son.
Người khách như lạc vào quá khứ của miền Tây thời mở cõi. Thời con người chỉ nhìn nhau qua màu thiên nhiên trải rộng. Xưa lắm. Xưa như chỉ có màu hồng trên môi trầu hoặc màu hồng từ hương rượu gạo. Hương sắc là từ sâu trong nết, trong na. Khách về nhà Út Trinh như một người bạn về thăm lại nhà của một người bạn. Rồi mấy mẹ, mấy chị cứ ghé qua tai “cưng đói hông chị múc cho chén chuối chưng”. Khách như thấy thời bạn mình lủn đủn tắm mưa, lủn đủn bắt con cua buộc sợi dây chuối vô càng dắt đi dạo xóm.
![Đọc sách trên võng bên hàng hiên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_342_51430186/a1936da057eebeb0e7ff.jpg)
Đọc sách trên võng bên hàng hiên.
Khách cứ xe đạp rẽ vào một lối đi nhỏ như lối về xóm nhỏ gập ghềnh. Về xóm mình rồi. Kia là lối vô nhà của Út Bình. Kia là lối vô nhà Út Trinh. Mấy bó củi bên đường hình như bà má nào đó mới chặt cạch cạch rồi để đó vô nhà uống ca nước mưa đỡ khát.
Bà chủ homestay nhẩn nha đón khách, nhẩn nha hát cho khách nghe. Sứ mạng kiếm tiền được để lại sau sứ mạng bảo tồn. Út Trinh được ASEAN trao giải thưởng không phải ở cơ sở vật chất rình rang mà ở tính cộng đồng. Giữ lại nếp nhà cho miền Tây. Giữ lại nếp miền Tây cho thế giới. Để bốn phương hiểu được hồn hậu là gì, chân chất mộc mạc dáng dấp ra sao.
Rồi trong nếp hồn hậu đó Út Trinh giữ cho cô giáo khuyến đọc một không gian đọc trong xanh. Nhìn thư viện Miệt Vườn, tôi thèm đóng gói cả ngàn cuốn sách của mình đưa về đó. Một doanh nhân sẵn sàng bỏ hơn trăm triệu đồng để cô giáo đóng thêm giá sách đẹp vững vàng. Ngồi đọc sách bên salon gỗ, ngồi đọc sách trên lan can hay ngồi võng đọc sách chắc chỉ có miền Tây và nó hội tụ đủ nơi này.
![Út Trinh đang chia sẻ hoạt động của thư viện Miệt Vườn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_342_51430186/964154726e3c8762de2d.jpg)
Út Trinh đang chia sẻ hoạt động của thư viện Miệt Vườn.
Buổi sáng ngồi trước nhà với cái bàn tròn, đôi ba cái ghế, nhấp chung trà nghe tiếng ghe tạch tạch chạy dưới kênh. Nghe bên kia kênh tiếng rao bán đủ loại đá lửa, dầu gió, kim tây. Tiếng rao vọng lại từ quá khứ hay tiếng quá khứ vọng lại giữa giấc mơ ngày mới.
Sáng đó các em học sinh ngồi bên cạnh tôi cùng chạm sách rồi cùng nói về quê hương qua trang sách. Các em chưa biết được nơi các em ngồi nó sâu lắng không thua gì những cuốn sách nổi tiếng kia. Chưa thấm đâu. Một ngày nào đó các em học giỏi, đi xa hơn các em sẽ nhớ một nhà Út Trinh với hình ảnh vài bó củi bên lối mòn, rồi bếp củi cạnh hàng kiệu đựng nước; nhớ tiếng ca vọng cổ ngọt lịm bên ngọn đèn dầu. Các em sẽ thở một hơi mênh mang như Thơ từng kể. Quê tôi vậy đó, nhớ lắm, nhớ đứt ruột.
Chiều về ngồi trên xe qua phà An Bình, tôi nhìn xa theo con nước. Dòng sông Cổ Chiên mênh mông chở khẳm một dải cù lao bốn xã, chở khẳm một chốn nghỉ dưỡng bình an. Nó không cho riêng Vĩnh Long, nó cho miền đất Lục Vân Tiên hào khí sang sảng nghĩa lẫn tình. Nơi giữ lại cho đời miệt vườn trọn vị.
Bài và ảnh: Võ Diệu Thanh
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mien-xanh-tron-vi-46824.html