Minh bạch hóa khai thác thủy sản để gỡ 'thẻ vàng' IUU
Dù ngành thủy sản Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tích cực, nhưng hoạt động khai thác trên biển vẫn là điểm nghẽn lớn khiến cả chuỗi giá trị thủy sản đối mặt nhiều rủi ro. Việc chưa đảm bảo minh bạch nguồn gốc thủy sản khai thác không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh, mà còn là nguyên nhân chính khiến 'thẻ vàng' IUU của Liên minh châu Âu (EU) chưa thể được gỡ bỏ.
Xuất khẩu tăng nhưng vẫn đối diện rủi ro
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng như tôm và cá tra chiếm ưu thế nhờ chuỗi giá trị được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thủy sản khai thác, nhất là hải sản đánh bắt xa bờ, vẫn chịu nhiều rào cản, đặc biệt từ thị trường châu Âu.
TS. Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Tuy kim ngạch xuất khẩu rất khả quan nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức đến từ biến đổi khí hậu, khai thác quá mức; thẻ vàng IUU từ EC; rào cản kỹ thuật và “rào cản xanh” từ các thị trường nhập khẩu; áp lực từ sắc thuế chống bán phá giá, thuế đối ứng của Hoa Kỳ gần đây.

Đánh bắt trên biển đang thiếu tính minh bạch và số liệu cụ thể
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, nếu không sớm minh bạch hóa hoạt động khai thác thì nguy cơ bị nâng từ thẻ vàng lên thẻ đỏ là điều có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể bị cấm xuất khẩu toàn bộ hải sản vào EU.
Trong khi các vùng nuôi trồng thủy sản hiện nay đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tương đối bài bản, thì hoạt động đánh bắt ngoài biển vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng: chưa kiểm soát đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, nhật ký khai thác còn hình thức và tình trạng đánh bắt bất hợp pháp (IUU) chưa được kiểm soát triệt để.
Thực tế cho thấy, còn hàng nghìn tàu cá tại Việt Nam chưa lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) hoặc có lắp nhưng không bật khi ra khơi. Điều này khiến cơ quan chức năng không thể xác định chính xác vị trí khai thác, dẫn đến việc không chứng minh được sản phẩm đánh bắt hợp pháp - một trong những yêu cầu bắt buộc để gỡ “thẻ vàng” của EU.
Ngoài ra, hệ thống nhật ký khai thác chủ yếu vẫn làm thủ công, khó xác minh độ tin cậy và thường thiếu kết nối dữ liệu giữa tàu cá, cảng cá và doanh nghiệp thu mua. Các cảng cá cũng thiếu nhân lực và thiết bị hiện đại để kiểm soát sản lượng cập cảng và xác minh nguồn gốc khai thác.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP nhấn mạnh, việc khai thác thủy sản hiện nay, đặc biệt là đánh bắt trên biển, đang thiếu tính minh bạch và số liệu cụ thể. Trong khi nguồn nuôi trồng trên bờ có thể truy xuất được, thì đánh bắt ngoài biển lại rất khó kiểm soát và định lượng chính xác. Do đó, để hướng tới một ngành thủy sản tuần hoàn xanh và bền vững, Việt Nam cần xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu đánh bắt trên biển; áp dụng công nghệ ở các nước tiên tiến đang làm như số hóa từ tàu vào đất liền, đấu giá minh bạch.
Truy xuất và quản lý số hóa là giải pháp lâu dài
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần một loạt giải pháp đồng bộ, trong đó số hóa chuỗi truy xuất nguồn gốc là bước đi không thể chậm trễ.

Nguồn nuôi trồng thủy hải sản trên bờ hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, chuyên gia độc lập về ngành thủy sản nhấn mạnh, cần xây dựng hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc điện tử xuyên suốt từ ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Nếu chỉ làm truy xuất trên giấy hoặc tách rời từng khâu sẽ không tạo được sự tin cậy với thị trường quốc tế.
Cụ thể, việc bắt buộc lắp đặt và duy trì hoạt động liên tục của thiết bị giám sát hành trình VMS với tất cả tàu cá từ 15m trở lên là điều kiện tiên quyết. Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hoặc chính sách tín dụng ưu đãi cho ngư dân khi lắp thiết bị.
Song song đó, cần triển khai ứng dụng nhật ký khai thác điện tử trên thiết bị di động để ngư dân cập nhật sản lượng, vị trí, loài cá khai thác theo thời gian thực. Dữ liệu này sẽ liên kết với hệ thống kiểm soát tại cảng cá và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi truy xuất liên tục và minh bạch.
Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là sự lạc hậu trong hạ tầng cảng cá, nơi tiếp nhận và phân phối sản lượng đánh bắt. Nhiều cảng cá chưa có hệ thống giám sát bằng camera, không đủ thiết bị cân đo, thậm chí thiếu nhân lực kiểm tra thực tế.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện đang triển khai mô hình thí điểm cảng cá số tại một số địa phương như Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, để nhân rộng ra toàn quốc cần nguồn vốn lớn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Cuối cùng, yếu tố con người là nền tảng không thể thiếu và đặc biệt chính là nhận thức của ngư dân. Việc nhiều ngư dân chưa thực sự hiểu rõ tác hại của đánh bắt bất hợp pháp khiến các quy định dễ bị đối phó hình thức.
Do đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn và tổ chức các tổ đội sản xuất gắn kết với doanh nghiệp chế biến. Mô hình liên kết này không chỉ giúp đảm bảo đầu ra ổn định mà còn hỗ trợ ngư dân tuân thủ quy trình truy xuất, từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.
Minh bạch hóa hoạt động khai thác thủy sản không chỉ là điều kiện tiên quyết để gỡ “thẻ vàng” IUU mà còn là nền tảng để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững và vươn xa trên thị trường quốc tế. Việc thúc đẩy giải pháp đồng bộ từ giám sát hành trình, truy xuất số hóa, hiện đại hóa cảng cá đến nâng cao nhận thức ngư dân chính là hướng đi tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho cả chuỗi giá trị thủy sản Việt.