Mô hình nuôi ong rừng lấy mật

Thành lập tháng 9/2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Chiềng Lao, huyện Mường La có 7 thành viên, tham gia liên kết với các hộ dân trong xã để sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trong đó mô hình nuôi ong rừng lấy mật đã đem lại hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.

Sản phẩm mật ong rừng của thành viên HTX Nông nghiệp Chiềng Lao.

Sản phẩm mật ong rừng của thành viên HTX Nông nghiệp Chiềng Lao.

Ông Vạ A Sỉa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chiềng Lao, cho biết: Chúng tôi đang tập trung cao cho việc xây dựng thương hiệu, phát triển và nhân rộng đàn nuôi ong rừng lấy mật. Từ lâu bà con dân tộc Mông ở các bản đã nuôi ong rừng lấy mật bằng cách tạo những tổ ở các hốc đá, gốc cây rừng dụ ong làm tổ lấy mật, nhưng số lượng ít, chủ yếu phục vụ sinh hoạt hoặc làm thuốc chữa bệnh, số ít bán ra thị trường. Nhận thấy, tiềm năng phát triển ong rừng lấy mật, Đảng ủy, UBND xã họp bàn và có chủ trương nhân rộng nuôi ong mật, tìm đầu ra cho sản phẩm và thành lập HTX.

Phong trào nuôi ong rừng lấy mật phát triển ở 4 bản vùng cao đồng bào dân tộc Mông, gồm: Huổi Hậu, Pá Sóng, Phiêng Phả và bản Đán Én. Hiện nay, đã có 103 hộ nuôi ong, với 4.435 tổ, sản lượng gần 10 tấn mật ong/năm (tương đương 7.700 lít), bán với giá 200.000 đồng/lít, thu 1 tỷ 500 triệu đồng. Sản phẩm mật ong được khách hàng ở Hà Nội đặt mua.

Sản phẩm mật ong rừng của HTX Nông nghiệp Chiềng Lao được dán tem mác trước khi xuất bán.

Sản phẩm mật ong rừng của HTX Nông nghiệp Chiềng Lao được dán tem mác trước khi xuất bán.

Anh Mùa A Nhịa, bản Pá Sóng, thành viên HTX, nói: Trước đây, gia đình tôi và các hộ khác trong bản chỉ nuôi vài tổ để dùng. Khi thấy mật ong có giá trị, gia đình tôi đã tìm khe, hốc đá, gốc cây trên rừng đặt 200 tổ ong. Năm 2021, gia đình thu 40 triệu đồng từ bán mật ong rừng. Nói là nuôi ong, song chúng tôi chỉ tạo các hốc đá để ong vào làm tổ, đàn ong tự đi kiếm các loại hoa rừng lấy mật. Công việc không quá vất vả, nhưng lại có thu nhập ổn định. Năm nay, gia đình tôi dự kiến thu khoảng 5 tạ mật ong.

Thành viên HTX Nông nghiệp Chiềng Lao khai thác mật ong rừng.

Thành viên HTX Nông nghiệp Chiềng Lao khai thác mật ong rừng.

HTX đã đến từng hộ dân trực tiếp thu gom mật về bảo quản, sơ chế, đóng chai, dán tem, mác xuất bán ra thị trường. Anh Ly A Khua, thành viên HTX, chia sẻ: Sản phẩm mật ong rừng của HTX được khách hàng đánh giá rất cao, hoàn toàn tự nhiên. Với kinh nghiệm, chỉ cần nhìn mắt thường cũng có thể nhận biết loại mật ong có màu đỏ óng, sánh đặc là mật ong già sẽ để được thời gian lâu hơn, còn mật ong có màu hơi sậm đen là mật ong lúc khai thác còn non dễ bị hỏng hơn. Nên thời điểm khai thác mật ong tốt nhất là vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6. Năm 2021, HTX đã tìm thị trường tiêu thụ 1.200 lít mật ong rừng cho thành viên và người dân trên địa bàn.

Một tổ ong rừng được làm trong hốc đá.

Một tổ ong rừng được làm trong hốc đá.

Có thể thấy, mô hình nuôi ong rừng lấy mật của HTX Nông nghiệp Chiềng Lao đã tạo sinh kế cho bà con vùng cao và có thu nhập ổn định. Hơn nữa, từ việc nuôi ong rừng lấy mật, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng, hạn chế phá rừng làm nương rãy. Để nâng cao giá trị sản phẩm, trong thời gian tới, HTX tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận mật ong rừng đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mo-hinh-nuoi-ong-rung-lay-mat-50338