Mở rộng hình thức đầu tư để khai thác nguồn lực

Gặp khó khăn do không được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; tuy nhiên, cũng có đơn vị được phép hợp tác, liên doanh, liên kết, lại không thu hút được đầu tư ngoài ngân sách… Đây là thực tế quá trình quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao.

Khó khăn trong sử dụng tài sản công

“Chúng tôi mới được phê duyệt Đề án Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại Quyết định số 897/QĐ-BVHTTDL ngày 10.4.2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhờ Đề án, chúng tôi mới có nguồn kinh phí chăm sóc sân cỏ, vệ sinh các hàng ghế tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình…” - Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Nguyễn Trọng Hổ thông tin.

Trước đó, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia phát sinh nghĩa vụ tài chính với số tiền rất lớn mà đơn vị không có khả năng khắc phục; ông Nguyễn Trọng Hổ cho biết, nguyên nhân là do đơn vị chưa đủ điều kiện triển khai Đề án Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết. 3 năm qua, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vụ, ban, ngành đã tập trung chỉ đạo, và đây là đơn vị đầu tiên của Bộ phê duyệt Đề án này.

Phiên thảo luận Thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao. Ảnh: Lâm Hiển

Phiên thảo luận Thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Đề án, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia được khai thác tài sản dôi dư, tuy vậy, quá trình triển khai vẫn có một số vướng mắc. Bởi đây là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị quốc tế lớn, đơn vị chỉ được khai thác trong lúc nhàn rỗi, lúc nào Nhà nước cần, phải trả lại mặt bằng nguyên trạng, do đó, khó thu hút đơn vị đầu tư nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, tiền thuế sử dụng đất của Khu Liên hợp rất lớn. Quy định hợp tác đầu tư theo hình thức xã hội hóa với các danh mục nhà thi đấu, sân vận động… cũng đang là những điểm vướng.

Theo đại diện Khu Liên hợp Thể thao quốc gia, nếu được mở rộng hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cùng với việc điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan, và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, Khu Liên hợp thể thao quốc gia và các thiết chế khác có cơ sở kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án, công trình thể thao đã được phê duyệt, đồng thời việc quản trị vận hành và khai thác dịch vụ công hiệu quả hơn.

10 năm chưa thu hút được nhà đầu tư

Trong khi đó, theo quy định, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam “được hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay một số thẩm quyền của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam bất cập với các quy định của một số luật hiện hành.

Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị không thu hút được nhà đầu tư vì hai lý do rất quan trọng: vướng mắc giữa các thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư năm 2015 và thẩm quyền của chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg ngày 15.7.2014.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư và thu hút đầu tư vào Làng không được hưởng bất cứ ưu đãi nào. Trong khi đầu tư vào công trình, dự án về văn hóa đòi hỏi nguồn lực rất lớn và thu hồi vốn rất chậm. Nếu không có ưu đãi, nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực văn hóa. Nhiều nhà đầu tư sau khi nghiên cứu, tính toán hiệu quả đầu tư đều có mong muốn được hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với giá cho thuê đất tính theo quy định hiện hành...

Sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 151

Trước những khó khăn, vướng mắc các đơn vị đã nêu, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết: Bộ Tài chính đã hoàn tất việc soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ ngày 26.12.2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đang trình Chính phủ ký ban hành. Trong đó giải quyết cơ bản vướng mắc mà các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành văn hóa nói riêng: làm rõ về nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất, việc sử dụng vào mục đích phục vụ dịch vụ công và sử dụng tài sản phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết…

Cũng theo bà Trần Diệu An, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương rà soát để ban hành nghị định liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm giải quyết được rốt ráo vướng mắc liên quan trong việc quản lý các thiết chế này.

Về trường hợp Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc giải thích: khi thành lập Làng, đề án đưa ra với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc và dự án này sẽ được đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Tại thời điểm xây dựng Luật Đầu tư, Bộ đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan để làm rõ hai vấn đề: thẩm quyền và quản lý nhà nước đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với các dự án đầu tư thứ cấp tại đây. Song tại các cuộc làm việc đó không làm rõ được là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ quản lý dự án theo hình thức nào. Đó là lý do Luật chưa quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào Luật Đầu tư. Khi không rõ sẽ ứng xử với các dự án trong khu thứ cấp như thế nào thì cũng không đưa được vào ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành, vì là ưu đãi theo lĩnh vực, địa bàn.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/mo-rong-hinh-thuc-dau-tu-de-khai-thac-nguon-luc-i371510/