Mối liên hệ giữa bệnh béo phì và chứng mất cân bằng khí huyết

Khi mất cân bằng khí huyết, chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể không được chuyển hóa thành năng lượng, mà dần tích tụ và tạo thành mỡ. Muốn vóc dáng cân đối, cần điều hòa khí huyết.

 Chứng béo phì gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Ảnh minh họa: L.C.

Chứng béo phì gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Ảnh minh họa: L.C.

Khí huyết cân bằng thì nội khí hoạt động bình thường, cơ thể hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn, loại bỏ chất thải ra ngoài, đánh tan mỡ thừa, đương nhiên thân hình sẽ cân đối.

Ngược lại, người bị mất cân bằng khí huyết, nội khí trong cơ thể yếu, thì dù nạp nhiều thức ăn bổ dưỡng cũng không thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm, chất thải tích tụ, quá trình chuyển hóa kém hiệu quả, kết quả là chất béo không được chuyển hóa thành năng lượng phục vụ cho hoạt động của cơ thể, dần tích tụ và tạo thành mỡ.

Đông y gọi “chữa bệnh” là quá trình “điều hòa khí huyết”, tức là khôi phục khí huyết về trạng thái cân bằng. Như đã giải thích ở trên, thiếu khí là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì. Vì vậy, có thể phân loại béo phì theo bốn nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu khí:

- Loại thứ nhất là khí hư: Tức là người đó vốn mang thể chất thiếu khí, chức năng khí hóa yếu, không thể chuyển hóa hết chất béo trong cơ thể.

Nhìn chung, người thiếu khí là người lầm lì, ít nói, ít vận động, không thích mạo hiểm, hay quên, luôn trong tình trạng mệt mỏi, giọng nói yếu ớt, dễ cảm lạnh, lâu khỏi bệnh. Muốn biết người béo phì có bị thiếu khí hay không, cần đặc biệt chú ý đến lưỡi. Người thuộc nhóm này có lưỡi to dày, mép lưỡi hơi đỏ và có vết răng ở mép.

- Loại thứ hai là dương suy: Tức là dương khí trong cơ thể rất yếu, dẫn đến các chức năng chuyển hóa kém. Những người này thường sợ lạnh, thời tiết nóng nực nhưng vẫn mặc quần áo thu đông, tay chân lạnh, tinh thần uể oải, phân lỏng và đi tiểu lâu.

Hoàng đế nội kinh chép rằng: “Dương khí trong cơ thể con người giống như mặt trời, nếu không có mặt trời, mặt đất sẽ không có sự sống. Con người cũng thế, cơ thể không có dương khí, sinh mạng đương nhiên sẽ chấm dứt.” Dương khí bao gồm thận dương, tâm dương và tỳ dương.

Khi thận dương thiếu hụt, cơ thể suy nhược dẫn đến chân tay lạnh hoặc sợ lạnh, đồng thời thận thủy không thể thoát hơi nước để chuyển hóa thành thận khí, do vậy thận khí không đủ khiến tiểu tiện lâu, thậm chí xảy ra tình trạng xơ vữa động mạch. Nếu tỳ dương thiếu hụt thì chức năng tiêu hóa suy giảm dẫn đến đi ngoài phân lỏng.

Loại thứ ba là đàm ẩm: Tức là khí trong cơ thể con người lúc đầu không yếu mà do đàm và nhiệt ẩm tồn tại lâu ngày kết hợp với nhau làm cho khí không thể hoạt động bình thường, dẫn đến thiếu hụt khí. Những người thuộc nhóm này thường có các biểu hiện như hai bọng mắt sưng to, nhiều đàm, tức ngực.

Đàm là chất thải do tỳ, thận và dạ dày hình thành sau quá trình chuyển hóa. Theo nhận định của Đông y, “Phổi là nơi chứa đàm, tỳ là nguồn gốc sinh ra đàm.” Đàm có thể chia thành đàm trong và đàm ngoài.

Bằng mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy đàm ẩn trong nội tạng, nhưng có thể nhìn thấy đàm dưới da, đó là các u, hạch mọc ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Đông y gọi các u, hạch này là nhân đàm.

Vậy ẩm là gì? Sau khi nước vào dạ dày, tinh chất của nước sẽ được vận chuyển đến tỳ để tỳ chuyển lên phổi, khí phổi tích tụ, điều hòa mạch nước đưa vào bàng quang, qua một vòng tuần hoàn như vậy, nước và chất dịch sẽ lưu thông khắp cơ thể.

Nếu các chức năng của tỳ và dạ dày có vấn đề khiến việc chuyển hóa nước không diễn ra kịp thời, nước sẽ ứ đọng ở một bộ phận nào đó của cơ thể và gây ra tình trạng ẩm ướt, làm giảm chức năng chuyển hóa của khí.

- Loại thứ tư là ẩm nhiệt: Tức là ẩm và nhiệt kết hợp với nhau cản trở khí vận hành. Những người thuộc nhóm này thường dễ nổi mụn trên mặt, nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt ẩm tích tụ trong cơ thể. Đồng thời, họ cũng rất thèm ăn, ăn uống tốt nhưng không có nghĩa là dạ dày hoạt động bình thường.

Nhiệt ẩm ảnh hưởng đến dạ dày, tăng cường chức năng tiêu hóa gây cảm giác thèm ăn, khiến người ta thường xuyên cảm thấy đói. Tuy nhiên, dạ dày hấp thụ quá nhiều thức ăn sẽ tăng gánh nặng chuyển hóa của tỳ, từ đó cản trở sự chuyển hóa của khí.

Đặc điểm của nhóm người này thường là lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi vàng và có chất nhờn. Nhiệt tích tụ trong cơ thể càng lâu thì rêu lưỡi càng ngả vàng và sậm màu. Nếu nhiệt lấn át ẩm sẽ dẫn đến đại tiện phân khô; nếu ẩm lấn át nhiệt, phân sẽ dính và đi tiểu rắt.

Triệu Dung/ Skybooks & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-lien-he-giua-benh-beo-phi-va-chung-mat-can-bang-khi-huyet-post1552621.html