Món ăn bài thuốc từ gừng, hành, ngải cứu giúp 'phòng chống rét'

Mùa đông ở miền Bắc đặc trưng bởi thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp, gió thổi mạnh… Để ứng phó với tiết trời giá rét này bạn có thể trang bị cho mình một số vị thuốc dùng dưới dạng món ăn bài thuốc phòng chống rét.

Theo lý luận Y học cổ truyền, mùa đông ở miền Bắc nước ta là sự lưu chuyển của phong, hàn, thấp chiếm nhiều ưu thế hơn cả trong lục khí (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). Ở trong điều kiện như vậy, phong hàn thấp rất dễ xâm nhập vào cơ thể, gây cảm mạo phong hàn với các triệu chứng điển hình như đau đầu, đau hai bên thái dương, hắt hơi, sổ mũi, cơ thể mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng…

1. Một số vị thuốc phòng chống rét hiệu quả

1.1. Hành (thông bạch)

Hành còn có tên gọi là thông bạch, hành hoa, hành… Tên khoa học: Allium fistulosuml, họ Alliaceae; vị cay, tính bình, có mùi thơm đặc trưng; qui kinh phế, vị.

Tác dụng: Giải biểu, khu phong tán hàn.

Hành có công dụng khu phong tán hàn, rất thích hợp trong thời tiết giá lạnh.

Hành có công dụng khu phong tán hàn, rất thích hợp trong thời tiết giá lạnh.

Chúng ta có thể sử dụng hành trong một số món ăn sau:

- Cháo hành: Nấu cháo loãng, hạt gạo nở đều, bắc bếp, cho cháo ra bát, sau đó cho hành đã thái nhỏ khoảng 5g. Ăn cháo hành ngay khi còn ấm nóng. Thường dùng với trường hợp cảm thấy đau đầu, đau nhiều hai bên thái dương, người gai rét, nổi gai ốc, hắt hơi, sổ mũi có nước mũi trong loãng…

- Cho vào canh nóng: Thái hành thành khúc khoảng 2-3 cm cho vào bát canh còn nóng mới tắt bếp.

Nếu muốn trừ hàn (lạnh), nên sử dụng hành sống, sau khi cho vào cháo hoặc canh nóng thì sử dụng luôn mới đạt hiệu quả cao.

Lưu ý: Không nên dùng hành với những người hay nóng trong, bốc hỏa, mụn nhọt, tăng huyết áp…

1.2. Gừng sống (sinh khương)

Sinh khương hay còn gọi là gừng sống có tên khoa học là Zingiber Officinale; thuộc nhóm tân ôn giải biểu, khu phong trừ hàn; vị cay, tính ấm, có mùi thơm rất đặc trưng. Qui kinh: Phế, vị, tỳ.

Tác dụng: Khu phong tán hàn, tân ôn giải biểu.

Gừng có vị cay, tính ấm rất thích hợp vào mùa đông giá rét.

Gừng có vị cay, tính ấm rất thích hợp vào mùa đông giá rét.

Một số món ăn nấu với gừng có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh như sau:

- Cho vào món xào thịt bò: Thịt bò sau khi đã xào chín, cho gừng đã băm nhỏ, nên để gừng cả vỏ, cho vào đảo đều rồi tắt bếp.

Thịt bò có thể dưỡng âm, bổ huyết; gừng có công dụng khu phong tán hàn. Do vậy, món thịt bò xào gừng vừa bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, lại có thể đuổi phong hàn tà, dưỡng sinh phòng bệnh.

- Nước gừng: Cho khoảng 15g gừng cắt lát, đun với nước đường (hoặc 3 quả táo đỏ cắt lát), đun với lửa to, sôi chừng 2-3 phút thì tắt bếp, cho ra cốc, dùng ngay khi ấm nóng. Nước gừng có tác dụng khu phong tán hàn, nên dùng với người đang cảm phong hàn, sốt nhẹ, sợ gió, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau mỏi thân mình…

1.3. Ngải cứu

Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris; thuộc nhóm trừ hàn; v đắng hơi cay, tính ấm. Qui kinh: Can, tỳ, thận.

Tác dụng: Ôn kinh tán hàn, chỉ thống chỉ huyết, an thai.

Ngải cứu ôn kinh tán hàn có tác dụng tốt khi trời rét lạnh.

Ngải cứu ôn kinh tán hàn có tác dụng tốt khi trời rét lạnh.

Ngải cứu có thể chế biến một số món ăn như:

- Trứng rán lá ngải: Dùng 3 quả trứng, khoảng 50g lá ngải cứu băm nhỏ; trộn đều trứng với lá ngải thêm gia vị vừa miệng, cho vào chảo dầu nóng, sau đó đun với lửa nhỏ đến khi trứng chín vàng đều. Có thể sử dụng 3 lần/tuần.

- Gà hầm lá ngải: Dùng lá ngải 50g, gói hầm thuốc bắc, gà ác đen… đem hầm nhỏ lửa 30 phút kể từ khi sôi.

Công dụng: Nâng cao sức khỏe, chuyên dùng cho người hay đau ốm, người lạnh, tay chân lạnh khó ấm, đau bụng, đại tiện lỏng nát … Đặc biệt, ngải cứu là một trong số ít các vị thuốc có tính ấm mà có thể an thai, dưỡng thai. Do đó rất thích hợp để sử dụng cho các bà bầu thể chất thiên hàn.

2. Lưu ý khi dùng

- Thông bạch (hành), sinh khương (gừng sống), ngải cứu là vị thuốc có công dụng phòng bệnh, chữa bệnh với nguyên nhân gây bệnh là phong hàn. Với bệnh cảnh nguyên nhân khác, tuyệt đối không dùng mà nên có sự tham vấn của người có chuyên môn.

- Thông bạch (hành) và sinh khương (gừng sống) khi dùng sống có tác dụng chữa bệnh, khi dùng dạng chín tác dụng chữa bệnh giảm đi.

- Không nên sử dụng hành, sinh khương, ngải cứu trong thời gian dài, vì có thể gây nóng trong, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, nổi mụn nhọt.

Miền Bắc chuẩn bị đón đợt rét đậm, rét hại kéo dài, có nơi xuất hiện băng giá | SKĐS

BS. Lan Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mon-an-bai-thuoc-tu-gung-hanh-ngai-cuu-giup-phong-chong-ret-169231221081317273.htm