Môn Ngoại ngữ: Học sinh có thể làm bài kiểm tra trên máy tính

Sở GD&ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông, năm học 2023-2024. Theo tinh thần đổi mới về kiểm tra đánh giá, học sinh có thể làm bài kiểm tra môn ngoại ngữ trên giấy và trên máy tính.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa

Học sinh lớp 10 Trường THPT Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa

Triển khai dạy tiếng Anh Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS triển khai dạy học tiếng Anh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) theo lộ trình. Nhà trường rà soát số lượng học sinh lớp 6 không được học tiếng Anh ở cấp tiểu học và xây dựng phương án dạy học bộ môn phù hợp với đối tượng này, trình Sở GD&ĐT xem xét, cho ý kiến.

Đối với các trường chưa thực hiện dạy môn tiếng Anh theo CTGDPT 2018, tiếp tục thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (CTGDPT 2006), lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ để chuẩn bị cho học sinh theo CTGDPT 2018 ở cấp THPT.

Các trường THPT triển khai dạy học tiếng Anh lớp 10, 11 theo CTGDPT 2018. Đối với các lớp 10, 11 chưa thực hiện dạy môn Tiếng Anh theo CTGDPT 2018, trình Sở GD&ĐT xem xét, cho ý kiến việc tiếp tục thực hiện theo CTGDPT 2006. Tiếp tục triển khai dạy học môn tiếng Anh khối 9 và 12 theo CTGDPT 2006, chương trình tiếng Anh 10 năm của Bộ GD&ĐT ở các trường, khối, lớp đã thực hiện trong năm học trước.

Tổ chức các hoạt động giáo dục về ngoại ngữ

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông rộng rãi về nội dung, chương trình, sách giáo khoa, các điều kiện bảo đảm thực hiện đối với môn ngoại ngữ để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội nắm rõ về chủ trương, mục đích yêu cầu, các điều kiện triển khai thực hiện đối với môn ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, kế hoạch giáo dục giáo viên và kế hoạch bài dạy theo quy định. Riêng các khối lớp thực hiện CTGDPT 2006 tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn từ năm học 2020-2021 trở về trước, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Nhà ttrường xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào học tiếng Anh, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong nhà trường năm học 2023-2024, bảo đảm các mục tiêu cụ thể cho mỗi năm học; khuyến khích, động viên học sinh tích cực tham gia các sân chơi bổ ích, như: cuộc thi hùng biện tiếng Anh về chủ đề bảo vệ môi trường, cuộc thi tài năng tiếng Anh...

Xác định việc đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ, phương thức kiểm tra, đánh giá và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng; tổ chức dự giờ thăm lớp, hội giảng, chuyên đề chuyên môn, tập trung các nội dung dạy học dự án, đổi mới phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học lấy người học làm trung tâm.

Khai thác triệt để và tận dụng tối đa các thiết bị như máy chiếu, bảng thông minh, phòng học tiếng... và nguồn học liệu hiện có để phục vụ tốt các hoạt động dạy học; sử dụng hiệu quả nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến, nghiên cứu hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp để có thể lấy điểm thường xuyên cho học sinh; chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT cho bộ môn ngoại ngữ.

Việc đầu tư cơ sở vật chất khác (ngoài danh mục quy định) theo hướng tập trung, lồng ghép nhiều chương trình dự án, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí và tuân thủ theo thủ tục quy định. Khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực qua việc thảo luận, trao đổi chuyên môn trong tổ; tự học từ những nguồn học liệu mở phù hợp với yêu cầu thực tế.

Chủ động phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ tin học có uy tín xây dựng và triển khai các chương trình xã hội hóa để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tạo môi trường và động lực học tập tích cực cho học sinh.

Các phòng GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình tiếng Anh, phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học, sử dụng ngoại ngữ trong nhà trường tại các đơn vị trực thuộc.

Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ

Sở GD&ĐT yêu cầu nâng cao hiệu quả các hoạt động kiểm tra đánh giá, bảo đảm chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; thực hiện theo các văn bản, thông tư quy định hiện hành của Bộ GD&Đ.

Trong đó lưu ý: Đối với bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng điểm số thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính, đề kiểm tra phải được xây dựng đúng theo ma trận và đặc tả ma trận (không bắt buộc xây dựng bảng đặc tả ma trận đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ đối với các khối lớp thực hiện CTGDPT 2006).

Căn cứ mức độ phát triển năng lực của học sinh, nhà trường xác định tỷ lệ phần trăm giữa câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận, tỷ lệ các câu hỏi và bài tập theo 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) trong các bài kiểm tra, đánh giá trên nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỷ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao. Mỗi kỹ năng được phép thay đổi tỷ lệ 5% so với mức trung bình của kiến thức ngôn ngữ và các kỹ năng còn lại đối với CTGDPT 2018.

Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 60 phút đến 90 phút (môn chuyên tối đa 120 phút) đối với CTGDPT 2018 và từ 45 phút đến 90 phút (môn chuyên tối đa 120 phút) đối với các chương trình khác. Thời gian kiểm tra kỹ năng nói đề kiểm tra cuối kỳ được bố trí riêng hoặc trong các hoạt động dạy học trên lớp.

Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha xây dựng kế hoạch triển khai dạy và học tiếng Pháp năm học 2023-2024 phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và nhu cầu học tập của học sinh, trình Sở GD&ĐT xem xét, cho ý kiến.

Đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2019-2025

Ngày 14.3.2023, Sở GD&Đ ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023 trong đó có Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025, nhằm triển khai thực hiện chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, phù hợp với đặc thù của địa phương và theo nhiệm vụ năm học.

Tiếp tục triển khai chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh tại những cơ sở giáo dục có nhu cầu và đủ điều kiện theo hình thức xã hội hóa. Đối với giáo dục phổ thông, thực hiện Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của Bộ GD&ĐT, tiếp tục triển khai ở các cấp học đang thực hiện trong năm học 2022-2023.

Tiếp tục triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 bảo đảm các yêu cầu được quy định trong CTGDPT 2018. Đối với CTGDPT 2018 và CTGDPT 2006 môn tiếng Anh: Tiếp tục triển khai dạy học theo lộ trình quy định của Bộ GD&ĐT.

Đối với Chương trình tiếng Pháp: Tiếp tục duy trì việc dạy và học tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 ở tất cả các khối lớp tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Việc dạy tích hợp ngoại ngữ trong một số môn học khác, dạy một số môn học khác bằng ngoại ngữ: Tiếp tục dạy và học môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh theo hình thức chuyên đề tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Tây Ninh) và THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Đối với giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và cao đẳng: Triển khai thực hiện chương trình dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục thường xuyên đáp ứng cơ bản nhu cầu đa dạng của xã hội.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mon-ngoai-ngu-hoc-sinh-co-the-lam-bai-kiem-tra-tren-may-tinh-a163593.html