'Một nghề cho chín còn hơn chín nghề'?
'Một nghề cho chín' hay 'chín nghề' vẫn là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ khi đứng trước thử thách lựa chọn nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thái - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH): Cần tìm hiểu kỹ về xu thế việc làm, thị trường lao động
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, theo tôi, người lao động cần hiểu rõ khả năng của bản thân, đồng thời dành thời gian tìm hiểu về xu thế cũng như thị trường việc làm ở trong và ngoài tỉnh để đưa ra những quyết định phù hợp. Quan điểm “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” cần được linh động áp dụng chứ không nên cứng nhắc.
Hiện nay, cùng với xu thế lao động của thế giới và đất nước thì thị trường lao động ở Hà Tĩnh bị chi phối, ảnh hưởng của thời đại công nghệ 4.0. Thay vì chỉ chú trọng đến sở thích và mức lương, nhiều người trẻ còn ưu tiên hơn cho các công việc có tính sáng tạo, gắn với công nghệ…
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới đạt 23.125 người, tăng 100,56% so với năm 2022, đạt 102,77% kế hoạch. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở mức khiêm tốn.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung 75%; tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 36,0%. Nhìn chung, người lao động Hà Tĩnh còn có hạn chế về chuyên môn, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp nên khả năng cạnh tranh, tìm kiếm việc làm phù hợp không cao.
Trong khi đó, xã hội vận động nhanh thì những yêu cầu đặt ra với nguồn nhân lực ngày càng cao. Vì thế, dù là “một nghề” hay “chín nghề” thì người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng để thực hiện một hoặc nhiều công việc khác nhau.
Thầy Nguyễn Văn Dũng - giáo viên Trường THCS Đỉnh Bàn (Thạch Hà): Với công việc nào cũng cần sự chỉn chu, nghiêm túc
Tôi đã có 22 năm làm việc trong môi trường sư phạm. Hiện tôi là giáo viên dạy môn Mỹ thuật tại Trường THCS Đỉnh Bàn. Bên cạnh nghề nghiệp chính là một giáo viên, tôi còn làm thêm một số việc như thiết kế và in ấn quảng cáo, đánh đàn, dẫn chương trình tại các sự kiện, đám cưới, dạy kỹ năng sống...
Thời đại 4.0, xã hội ngày càng rộng mở, vì thế theo tôi không nên bó hẹp bản thân mà cần tích cực học hỏi những điều mới, trải nghiệm thêm những công việc phù hợp năng lực để từ đó có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. Đặc biệt, khi làm nhiều nghề giúp tôi có thêm nhiều nguồn thu nhập.
Tuy nhiên, dù làm một nghề hay nhiều nghề thì tất cả đều phải có sự chỉn chu trong công việc. Như trong tác phẩm “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao có viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”. Đó chính là lời cảnh tỉnh về việc một số người không có trách nhiệm với công việc của mình.
Vì thế, dù làm nhiều nghề nhưng tôi luôn sắp xếp thời gian hợp lý, cân bằng cuộc sống để đảm bảo vẫn thực hiện tốt các công việc. Tôi luôn ưu tiên đảm bảo công việc chính là dạy học, còn các “nghề tay trái” tôi sẽ sắp xếp dựa theo sự cần thiết, việc nào cần thì tôi sẽ làm trước. Đặc biệt, tôi luôn sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để đảm bảo sức khỏe, theo đuổi niềm đam mê của mình.
Cô Lê Bảo Thành - giáo viên Trường THPT Cẩm Xuyên: Cần linh hoạt áp dụng quan điểm “một nghề” hay “chín nghề”
Với vai trò là một giáo viên chủ nhiệm nhiều năm liền, tôi nhận thấy, quan điểm “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” vẫn phù hợp với mọi bối cảnh, thời đại. Bởi trước khi nghĩ tới việc làm được nhiều nghề, mỗi người cần phải nắm chắc một nghề để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn cần linh hoạt áp dụng, không nên bó buộc quá nhiều ở một khuôn khổ nhất định.
Thực tế cho thấy, hiện các em học sinh ở bậc THPT, đặc biệt là lớp 12 sau khi tốt nghiệp xong mới chọn nghề. Các em chọn nghề dựa vào cảm quan, vào sự yêu thích hoặc từ gợi ý của phụ huynh, thầy cô… mà chưa tìm hiểu kỹ về nghề, chưa thực sự hiểu năng lực của bản thân. Nhiều em sau khi đi học đại học, cao đẳng mới nhận ra bản thân không phù hợp với nghề, dẫn đến không có sự say mê, nỗ lực, cố gắng.
Vì thế, ngay từ lớp 10, tôi và các giáo viên khác thường thông qua những buổi sinh hoạt, nói chuyện để hướng nghiệp cho học sinh. Chúng tôi định hướng cho các em xác định niềm đam mê, sở trường, điểm mạnh, phù hợp với hoàn cảnh, nguyện vọng riêng của mỗi cá nhân để lựa chọn nghề nghiệp.
Ngoài ra, khi các em đã đạt tới độ “chín” của một nghề thì có thể thử sức với các công việc khác nhau để khai mở bản thân. Đó cũng là một thử thách của tuổi trẻ. Nhưng tựu chung lại, vẫn phải thực sự chăm chỉ, nỗ lực hết mình, chuyên tâm vào công việc thì mới mong có thành công.
Bạn Trần Thị Thanh Nga - lớp 12A3, Trường THPT Cù Huy Cận (Vũ Quang): Nên học “một nghề cho chín” để vững tin bước vào tương lai
Với em, quan điểm “một nghề cho chín” vẫn phù hợp với thời đại hiện nay bởi khi vững một công việc sẽ đáp ứng nhu cầu về chuyên môn có trình độ cao của xã hội hiện đại. Vì thế, theo em, những người trẻ nên học “một nghề cho chín” bên cạnh việc không ngừng phát triển toàn diện và khám phá khả năng của bản thân.
Khi là học sinh lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa tương lai, em cũng đã có những dự định, đắn đo. Vì thế, em đã tự tìm hiểu các phương pháp để lựa chọn nghề nghiệp dựa trên nhiều yếu tố như cái mình có, cái mình thích, cái xã hội cần, cái kiếm ra tiền...
Mặt khác, em đã tìm hiểu về các ngành nghề tương lai và xu thế phát triển của nó trong những năm kế tiếp. Bên cạnh đó, lời khuyên từ thầy cô, gia đình, các anh chị đi trước cũng là một nguồn tham khảo.
Việc đạt giải nhì môn Ngữ văn tại Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 đã giúp em mở rộng hiểu biết và thêm yêu môn học, từ đó, em quyết định sẽ theo ngành sư phạm Ngữ văn sau khi tốt nghiệp THPT. Em tin vào lựa chọn của bản thân và mong các bạn học sinh cũng sẽ có những hướng đi phù hợp để đạt tới độ “chín” trong nghề, từ đó vừa giúp bản thân phát triển, có thu nhập tốt và cống hiến cho cộng đồng.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/mot-nghe-cho-chin-con-hon-chin-nghe-post263934.html