Một người được trao gửi hồn cốt văn hóa Việt
Ông là một cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam, một trong tứ trụ Sáng - Nghiêm - Liên - Phái. Ông sống cuộc đời lặng lẽ, dành trọn tình yêu cho nghệ thuật.
Một người được trao gửi hồn cốt văn hóa ViệtTại Art Talk với chủ đề “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại” vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với những chia sẻ từ gia đình và giới nghệ thuật, giúp công chúng hiểu hơn cuộc đời và những giá trị mực thước mà ông để lại cho hậu thế. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Ông là người được trao gửi hồn cốt văn hóa Việt”.
1. Theo họa sĩ Nguyễn Thị Khuê, nói đến họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là nói đến một cuộc đời lao động không ngừng nghỉ, là nói tới sự kiên định một mối hoài niệm về quá khứ nghệ thuật, truyền thống, là nghệ sĩ mang tâm hồn dân tộc và thời đại một cách lắng đọng. Hiếm họa sĩ nào có cuộc đời làm nghệ thuật dài và bền bỉ như ông. Ông sống một mình 70 năm, sau đó kết hôn với họa sĩ Thu Giang - con gái nhà văn Nguyễn Tuân và tiếp tục vẽ cho đến khi ông qua đời vào tuổi 94. Gần như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm rất ít giao du, đến chỗ đông người. Mọi năng lượng của ông chỉ dành cho niềm đam mê duy nhất: hội họa.
Theo bà Khuê, nghệ thuật của ông chia làm giai đoạn: Hiện thực và Siêu thoát. Thời kỳ đầu từ 1945-1960 với những tác phẩm mang tính thời sự trong những chủ đề, đề tài thiết thực vào đời sống, bộc lộ một năng lực bao quát, xử lý kỹ thuật điêu luyện như tác phẩm sơn mài “Con Nghé quả thực”, “Đêm giao thừa”. Sau đó là thời kỳ chuyển tiếp, biến ảo của nhịp điệu khi ông chuyển sang loạt tranh “Điệu múa cổ”, “Thánh Gióng”, “12 con giáp”… trên nhiều chất liệu khác nhau. Chính hàng trăm tác phẩm thể nghiệm tạo hình mới hướng đến những định ước thẩm mỹ truyền thống và tích hợp nhiều phẩm chất tạo hình đã đem đến những thành quả nghệ thuật đặc sắc, cá biệt của nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại, khiến ông trở thành một biệt lệ trong chính các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng, lan tỏa đến nhiều thế hệ.
Nghệ thuật của ông mang đậm màu sắc truyền thống, dù ông được học theo kỹ thuật của hội họa Phương Tây. Trong các trả lời phỏng vấn lúc sinh thời, ông đều khẳng định: ông học từ vốn cổ, từ đình chùa Việt Nam. Khi được hỏi, đối với nghệ thuật phương Tây, ông đã tiếp thu như thế nào, ông nói không thích cổ điển, nghe nhạc cổ điển ông không rung động, ông không thích múa ballet bằng chèo. Ông luôn khẳng định cái mới của mỹ thuật Việt Nam theo ông là xuất phát từ đình chùa mạnh hơn là đi vòng qua Phương Tây. Danh họa nhiều lần nêu quan điểm sáng tác: “Tôi thấy tự hào về quá khứ dân tộc và hiện đại, không nên mượn của nước ngoài, quay về gốc rễ (đình, chùa) dễ hơn. Tôi không gắn bó một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc, thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại". Dù sáng tác không kể ngày đêm, ông nhận ra bản thân chưa vận dụng hết những bản sắc hồn hậu của dân gian. Đến khi mắt mờ, chân run, danh họa vẫn say mê với những bản phác thảo.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đánh giá, ông xác lập một ngôi vị đồ sộ nhất trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông Đoàn kể lại những lần ghé thăm ngôi nhà trên tầng 2 ở 65 Nguyễn Thái Học, ông nhớ hình ảnh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm âm thầm sống và vẽ. “Tôi đến thăm ông trong căn nhà giản dị ở tầng 2, trên mặt bàn ông bày đầy những tờ giấy nhỏ để bất cứ một giây khắc nào đó, ông cũng có thể thả màu vào tranh, ông sợ giây khắc ấy biến mất. Ông là người duyên nợ sâu nặng với truyền thống. Tôi đã được xem cuốn sổ tay của ông ghi lại chi tiết những chạm khắc đình làng. Có thể nói, ông được trao gửi hồn cốt của di sản Việt, tâm hồn Việt, nên khi nhìn lại chúng ta đều thấy, qua ngòi bút tài hoa của ông, những điệu múa cổ, Thánh Gióng, những trẻ em, trò chơi dân gian trở nên biến ảo nhưng cũng rất gần gũi”.
2. Ông đã sống một cuộc đời trong sự yên lặng và giản dị, cùng các đồng nghiệp của mình, họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… “Tôi đã chứng kiến những bữa cơm đạm bạc của ông Nghiêm và Dương Bích Liên. Họ quý nhau, trọng nhau, chấp nhận nhau trong đời thường cũng như trong cá tính nghệ thuật” - ông Đoàn nhớ lại.
Năm 1988, hội họa hiện đại Việt Nam mất đi 3 danh họa lớn: Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, những cây đại thụ rời bỏ trần gian khi chưa phải là già, ba cụ đi trước nhường lại thời gian sống cho danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nên đến 94 tuổi, cụ mới về với trời. “Ông Nghiêm và ông Sáng ở cùng tầng 2 với nhau, tối nào ông Nghiêm cũng lắng nghe được bước chân lảo đảo say của đồng nghiệp giữa đêm khuya, để xuống dìu bạn về phòng. Thế hệ các ông rất coi trọng phẩm cách của người nghệ sĩ, còn phẩm cách thì sáng tạo còn, giá trị còn” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn kể rằng một lần, ông đưa anh Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Anh Thắng rất bất ngờ vì cuộc sống của ông giản dị quá. “Ông lẳng lặng nấu bữa cơm bình dị tại nhà mời chúng tôi và chúng tôi được chứng kiến ông thả nét đặt màu như thế nào trong chốc lát, Sự xuất thần, nhập tâm của ông rất kỳ diệu. Hành trình sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm minh chứng cho một điều rằng, cứ đi tới tận cùng truyền thống sẽ gặp đương đại. Nhìn lại những tác phẩm của ông để thấy rằng, ông thấu hiểu âm dương ngũ hành, 12 con giáp và sự vận hành của đất trời. Hiểu trời, thấu đất, hiểu lẽ đời, nên ông chọn cách sống bình dị, nương mình vào vạn vật để làm nghệ thuật.
Nhà thơ, dịch giả từng Dương Tường nhận định: "Nguyễn Tư Nghiêm là người đầu tiên thực sự làm sống lại truyền thống nghệ thuật Việt Nam. Người kiên quyết đoạn tuyệt với những nguyên lý hội họa cổ điển châu Âu. Ông cho ta niềm tin và tính mãi mãi đương thời của truyền thống''. Còn nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng phân tích: ''Nguyễn Tư Nghiêm đã tiếp nhận nguyên lý lập thể, không phải từ hội họa hiện đại mà từ chạm khắc phù điêu đình chùa Bắc Bộ thế kỷ 16, 17, 18. Ông đã dịch chuyển lối tạo hình truyền thống từ không gian lên mặt phẳng và ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ Việt Nam trong cách tư duy hình tượng''.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh chia sẻ, hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giữ 28 tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, trong đó có tác phẩm “Gióng” được xếp hạng Bảo vật Quốc gia năm 2017. Tác phẩm này do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 1990, giành giải Nhất của Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm đó. Tác phẩm thể hiện anh hùng Thánh Gióng bằng ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật lập thể, vị lai với kỹ thuật đặc sắc, vận dụng nhiều nét trang trí họa tiết, hoa văn từ nghệ thuật Đông Sơn và điêu khắc đình làng. Bức tranh từng được định giá bảo hiểm tới 1 triệu USD vào thời điểm năm 2013, mức cao nhất trong lịch sử cho một tác phẩm sơn mài Việt Nam.
Những năm tháng cuối đời, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm gặp và kết hôn với họa sĩ Thu Giang, con gái nhà văn Nguyễn Tuân. Trong ký ức họa sĩ Thu Giang, ông là người nho nhã, nhẹ nhàng trong ứng xử và cần mẫn trong nghề. Là bạn đời, nhưng họa sĩ Thu Giang cũng là “trợ lý” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Các tác phẩm của ông, từ khi phác thảo đến lúc hoàn thành, bà Giang là khán giả đầu tiên. Bà thu vén, cất giữ cẩn thận để vào năm 2011, Bảo tàng Nguyễn Tuân - Nguyễn Tư Nghiêm ra đời trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), trở hành nơi trưng bày các tác phẩm của ông cụ thân sinh và người chồng tài hoa. Đó cũng là may mắn của họa sĩ và may mắn cho nền mỹ thuật Việt, để những tác phẩm của ông, di sản của đất nước không bị lưu lạc, mai một…