Mua cơm đồ ở Mường

Mùa tết, tôi thèm được về quê Mường, muốn được nhìn thấy bác Cả xòe hai bàn tay chắc nịch, ngón tay nổi gân rắn rỏi, nhấc cái cuốp gỗ đã lên nước thời gian nâu bóng, dốc ngược để cho ụ xôi trắng muốt tinh khôi trôi ra tràn đầy cái viên - giống như cái mủng (thúng nhỏ) của người Kinh, có đáy nông và miệng rộng hơn, được đan bằng cật tre - thời gian in màu vàng ươm lên cái cật tre đan nước màu bóng loáng.

Những hạt xôi nếp căng tròn thau tháu như hạt trứng kiến, đã ngậm đủ nước đủ lửa no nê, vì còn nóng nên chưa dính vào nhau, lặng lẽ và kiêu hãnh, từ tốn ngả duỗi xuống rồi mãn nguyện nằm cạnh nhau một cách có trật tự, nom đẹp đẽ mọng mẩy và nõn nà.

Bạn có say không, khi được hít hà làn khói thơm đang bốc lên mù mịt, hương thơm tỏa lan ra khắp ngôi nhà sàn thênh thang. Hương vị của xôi đồ trong cuốp gỗ tinh lọc và giữ nguyên vẹn được mùi thơm của đất trời, nắng và gió, lá và hoa. Không biết thiên nhiên được kết tụ trong làn khói thơm quyến rũ, hay hạt xôi nếp mang được cả thiên nhiên vào ướp hương làm thơm cả ngôi nhà sàn?

Đó là mùi hương thanh ngát nhẹ nhàng của hoa lúa khi cây lúa vào độ uốn cong mình như dấu hỏi. Là hương thơm nồng đậm phả ra từng luồng nóng sực mùi nắng của cum lúa nếp vừa cắt từng bông mang từ ruộng về. Là làn hương ngào ngạt của hạt gạo mới buông mình tách ra khỏi vỏ trấu, khi hạt lúa nếp trằn mình vất vả dưới cối giã. Là hương thơm nồng nã mà ngọt ngào của nồi cơm gạo mới khi vừa chín tới. Tôi thầm cảm ơn cha mẹ khi chọn đặt tên con gái mang nghĩa là hương của hoa lúa, để trong sâu thẳm tâm hồn luôn trỗi dậy nỗi thèm mùi hương thơm nồng nàn của đầm ấm yêu thương.

Có khi trong cuốp gỗ đầy bí mật giấu sau tấm lá chuối chuyển màu xanh tươi sang màu xanh thẫm đen, tôi háo hức đợi từng tấm lá chuối được lật giở. Khi thì đầy ắp trong cuốp là rau đồ với hàng chục loại lá hái ngoài đồng cỏ, trong vườn, ven chân rào. Người Mường ăn rau đồ phải có đủ vị đắng và cay, mặn và ngọt, chua và chát.

Trong gia đình, cô dâu khéo léo và mẹ chồng uy quyền là phải biết hái các thứ lá rau có đủ 6 vị ấy mang về đồ, phải từ 25 loại lá cây trở lên. Trong các loại lá, thì có lẽ khó tìm nhất là rau muối mang vị mặn, mẹ tôi vẫn có thể hái được đầy ớp mang về. Chả thế mà bác Cả luôn yêu quý mẹ nhất, không chỉ vì mẹ là cô út trong nhà, mà hơn cả là sự vén khéo.

Có lẽ hồi hộp nhất là nhìn thấy trong gói lá chuối xanh thẫm kia những con cá suối béo mũm mĩm với cái lưng xanh màu rêu đá, phưỡn cái bụng trắng bạc giấu cồi trứng núng nính vàng óng bên trong, nằm giữa những miếng măng chua trắng hồng xếp ngổn ngang.

Có khi lại là một con chim chưa biết tên, so với việc được ăn một thức ngon thì tuổi thơ lại háo hức hình dung loài chim nào cũng là phượng hoàng rực rỡ mang túi ba gang đang sải cánh bay về nơi biển khơi xa lấp lánh châu báu, để ký ức nào cũng xa vời vợi như năm tháng bay qua đời người.

Về đến Mường là được bỏ dép, trèo lên cầu thang, chạy tung tăng khắp ngôi nhà sàn “dài như một tiếng chiêng” đến mỏi cả chân.

Tôi nhớ từng cái vân gỗ loang loang như vệt khói trên cây cột bóng loáng, đủ cho vòng tay ôm của thời tuổi nhỏ. Tôi thuộc từng cái mắt gỗ to và nhỏ trên những tấm gỗ rộng lót mặt sàn rộng thênh thanh, làm chân chạy của con bé thành phố đôi khi phải dừng lại rón rén ngắm nhìn. Tôi phân biệt được cái lỗ thủng nào là do con mọt cần mẫn gặm cót két suốt ngày đêm, cái lỗ thủng nào là do nứt vỡ. Tính bác Cả rất cẩn thận, tấm gỗ sàn nào bị thủng vỡ to là thay ngay.

Còn bao nhiêu là niềm yêu với cái hành lang bao quanh nhà sàn. Những khi giỗ chạp, nhà sàn rộng nhường nào cũng trở nên chật hẹp, thì cái hiên rộng rãi ấy đủ chỗ cho chị em tôi tụ tập đùa nghịch chạy nhảy mà không làm quẩn chân người lớn.

Khi lớn thêm chút nữa, hiên nhà lại là nơi tôi thập thò rình các chị đi chơi với bạn trai, là nơi tôi ngồi hóng hớt rình nghe trộm chuyện bí mật, khi các chị gái cùng bạn bè cười đùa rúc rích với những chuyện dưới đất trên trời. Thời gian đời người được tính bằng năm tháng trôi miên man, nhưng cái đọng lại trong tâm khảm là nơi hàng hiên ấm áp như tình yêu thương trìu mến của thời trẻ dại.

Mỗi khi nằm dang rộng chân tay trên nhà sàn, tôi thường nhìn lên mái gianh được lợp dày đến cả gang tay con trẻ, mà vẫn lo lắng lỡ mưa đá thủng mái nhà, giống như nhà bố mẹ tôi ở thành phố. Tôi nghĩ cắt được cỏ gianh để lợp đủ cái nhà sàn cũng là một kỳ công rồi. Lại còn lợp thật dày nữa, quả thật tính bác Cả rất cẩn thận. Ngôi nhà sàn ngày một đẹp hơn lên là nhờ bàn tay chăm chút của bác Cả.

Tôi nhớ cái máng đẽo bằng gỗ, đựng đầy nước, mà trong lòng máng phủ làn rêu xanh mịn như nhung. Cái gáo múc nước gọt bằng ống nứa xinh xinh đục lỗ nhỏ luồn qua một tay tre nhẵn thín làm cán cầm. Chiếc gáo nứa để úp ngang miệng máng, dùng để múc nước rửa chân trước khi bước lên cầu thang để trèo lên nhà.

Cái máng đựng nước ấy thường để ở gốc cây bưởi, mà mỗi mùa ra hoa thơm ngát cả ngôi nhà. Hình như hương thơm thanh ngát của hoa bưởi thấm xuống cả những phiến đá lót chân đã mòn vẹt theo thời gian, để loang ra ôm choàng lấy ngôi nhà sàn, như là vòng tay bao dung hiền từ của ông bà bao bọc lũ cháu từ thành phố về. Cảm giác như trong tán lá xanh còn có ánh mắt yêu thương của người xưa. Nghĩ thế nên cứ thấy nỗi nhớ nhoi nhói từ hoài niệm xa xôi.

Ngôi nhà sàn Mường thênh thang nắng gió ngập tràn, ở giữa vườn cây sum suê hoa trái, bếp lửa trên nhà sàn reo vui bên bữa cơm ấm áp giản dị và thơm ngát hương rừng, đã nuôi trong tâm hồn người xa quê một nỗi tiếc nhớ khôn nguôi.

PHAN MAI HƯƠNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325451/mua-com-do-o-muong.html