Mùa Hè trẻ thơ

LTS: Kinh tế, tài chính, xã hội, thời sự quốc tế rồi cả bóng đá… Chúng ta có thể bàn đủ thứ chuyện trên đời nhưng dường như chúng ta đang quên một chuyện tưởng nhỏ nhưng lại quan trọng: Mùa Hè cho trẻ thơ…

Mùa Hè của con

Khi tôi còn bé, mùa Hè là quãng thời gian có nhiều ký ức. Chúng tôi đá bóng từ sáng sớm, có thể lang thang cả trưa hè đi chọc sấu, bắt ve sầu… rồi chiều tối thì xuống sân chung của khu tập thể chơi bắn bi, lia ảnh, đánh đáo. Tới giờ cơm thì từ trên tầng cao, mẹ chỉ cần gọi một cái là lên ăn.

1. Một cách ngẫu nhiên, chúng tôi đã trải qua những mùa Hè rất đáng nhớ. Cho đến giờ, những kỷ niệm vẫn tái hiện sống động trong ký ức. Những năm tháng ấu thơ ấy đáng nhớ vì trẻ con hoàn toàn chưa tiếp xúc với các thiết bị điện tử, và trải nghiệm mọi thứ bằng đầy đủ các giác quan, cũng như có không gian tự do, vì sự giám sát của người lớn là không nhiều.

Theo nhà tâm lý học người Mỹ Stuart Brown, tác giả một cuốn sách rất nổi tiếng về cách con người phát triển qua các trò chơi, nhu cầu được chơi của con người bắt nguồn từ một đặc điểm sinh học đặc biệt: chúng ta là loài động vật duy nhất có tuổi thơ kéo dài đến… 18 năm. Trong giai đoạn này, chúng ta háo hức khám phá mọi thứ, đôi khi nhiệt tình đến độ có thể tự gây nguy hiểm cho bản thân.

Trò chơi có những đặc điểm rất quan trọng với sự phát triển của tâm hồn: nó diễn ra không mục đích, hoàn toàn tự nguyện và hấp dẫn một cách tự nhiên, đồng thời mang đến sự tự do khỏi thời gian, sự giảm thiểu ý thức về bản thân và khơi dậy tiềm năng sáng tạo. Khi chúng ta chơi, chúng ta tồn tại bên ngoài thời gian và không muốn dừng lại.

Hơn 30 năm trước, chúng tôi có rất nhiều không gian để chơi, một phần vì chương trình học ở cấp tiểu học không quá nặng nề như giờ, một phần vì được tự do hơn với tuổi thơ của mình.

Hồi đó, nhà trường chỉ tương tác với học sinh qua chương trình học hè. Ở tổ dân phố, mọi người tổ chức thêm các chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi. Nhưng cơ bản thì trẻ con tự chơi là chính. Chúng tôi tương tác nhiệt tình với thế giới quanh mình, bằng bản năng sẵn có.

Hồi đó, gia cảnh mọi người xêm xêm nhau: hầu như bố mẹ đều là công viên chức nhà nước, đi làm cả ngày, nếu không mang con cái đến cơ quan thì đa số chỉ để trẻ con tự trông nhau ở nhà.

2. Hơn 30 năm sau, mọi chuyện đã thay đổi. Nếu bạn để con cái tự trông nhau trong bối cảnh hiện tại, bạn có thể bị nhìn nhận như những cha mẹ tồi. Trường học hiện tại cũng là nơi khuyến khích sự cạnh tranh, không phải sự hợp tác, hay sự đồng cảm. Và để trông một đứa trẻ hiện đại, chúng ta thường phải sử dụng đến các thiết bị điện tử, là tivi và Ipad.

Hóa ra trong nửa thế kỷ qua, điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Trong cuốn sách “Trẻ em chơi đùa: Một lịch sử Mỹ” (phát hành năm 2007), tác giả Howard Chudacoff gọi nửa đầu thế kỷ 20 là “thời kỳ vàng” để trẻ em tự do tham gia vào các trò chơi, và cảm nhận thế giới.

Từ năm 1960 hoặc sớm hơn một chút, người lớn bắt đầu thu hẹp sự tự do khám phá đó bằng việc gia tăng số giờ học tập và, quan trọng hơn, giảm tự do chơi đùa của trẻ, ngay cả khi họ không có bài tập về nhà hoặc nghỉ Hè.

Các hoạt động thể thao dành cho trẻ em do người lớn điều khiển bắt đầu thay thế các trò chơi tự tổ chức; các lớp học do người lớn điều khiển bắt đầu thay thế sở thích cá nhân; và nỗi sợ hãi của cha mẹ với những rủi ro của thế giới hiện đại dẫn đến việc họ cấm trẻ em ra ngoài chơi với các bạn khác, và tăng cường giám sát chúng.

3.Tất nhiên, cũng là một người cha, tôi hiểu những rủi ro đó, và bản thân cũng không dám để con mình vuột ra khỏi tầm mắt quá 5 phút. Tôi sợ phải đánh đổi, vì thế giới hiện đại đã tạo ra những ám ảnh quá lớn về rủi ro (mở báo ra là đọc ngay mấy vụ trẻ chết đuối trong bể bơi vì cha mẹ không để ý, hay trẻ chết ngạt trong xe vì bị bỏ quên). Tôi cũng đưa đón chúng 24/7, dạy chúng tránh xa người lạ, cẩn thận khi gặp ai đó lần đầu, và tuyệt đối không đi chơi xa với bạn.

Nhưng ở một khía cạnh khác, tôi cũng day dứt, vì các con tôi có thể sẽ đánh mất cơ hội để trải qua một mùa Hè rực rỡ như tôi đã từng có. Để học cách sống và trải nghiệm bằng tất cả các giác quan và tâm hồn. Để sở hữu một thế giới phong phú của riêng chúng, qua việc chơi và tương tác với mọi thứ xung quanh.

Đấy có thể là nhan đề mà mọi phụ huynh đều đang phải đối mặt, không chỉ trong mùa Hè năm nay. Tôi chưa biết giải quyết ra sao, và cũng chưa đủ can đảm để làm điều đó. Nhưng ít nhất, chúng ta hãy một lần thử nhìn lại, và nghĩ về nhu cầu được chơi của trẻ con.

Phạm An

Tìm chỗ sinh hoạt hè

Chỉ một tháng rưỡi nghỉ Hè, và “tìm sinh hoạt Hè” trở thành từ khóa nóng sốt của mọi bậc phụ huynh thành phố.

Tôi vừa kể với vợ rằng mình có giải khuyến khích thi aerobic cấp quận, giành được vào mùa Hè năm lớp 9 hay lớp 10 gì đó. Cô cười rú lên. Đó là một môn hay mang định kiến giới, là dành cho các bạn gái: thời tôi tham dự thi, cả quận chỉ có mỗi phường tôi có 2 thí sinh nam. Và nó cũng chẳng liên quan gì đến tôi lắm. Tôi là người ghét thể dục thể thao, suốt ngày ngồi ôm cái máy tính, từ thời thanh niên đã mang hình ảnh xấu về bia rượu thuốc lá giờ lại lòi ra cái giải aerobic, bị coi là chuyện rất hài hước.

Chuyện diễn ra như thế này, có lẽ là kinh điển cho những mùa Hè cách đây hơn mấy thập niên. Bạn có một cái “phiếu sinh hoạt Hè”, được nhà trường đưa cho trước kỳ nghỉ Hè, và phải nộp nó ra phường xã. Sau đó phường xã xác nhận rằng bạn có tham gia vào hoạt động sinh hoạt Hè tại địa phương. Một số phường coi việc tổ chức hoạt động sinh hoạt Hè này là nhiệm vụ chính trị: ở phường nhà tôi, đoàn thanh niên nghĩ ra ý tưởng tổ chức lớp thể dục nhịp điệu.

Tôi không thể nhớ được vì sao tôi và ông anh họ lại đồng ý tham gia cái khóa đó, chỉ nhớ là đã ra nhà văn hóa rất đều đặn, cùng tập với một nhóm bạn nữ, tổng cộng có khoảng 7-8 bạn, cùng chị phụ trách đoàn đội của phường. Chúng tôi khá là nghiêm túc, cũng mặc đồ bó sát, nhảy theo nhạc và làm các động tác khó kiểu đứng chồng lên nhau. Cuối Hè, chúng tôi đi thi, và có lẽ được giải vì là đoàn duy nhất có 2 ông con trai.

Mặc dù bây giờ nhớ lại, đó vẫn là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của đời học sinh, nhưng nếu nhìn từ điểm nhìn chính sách, nó cũng là một thứ “đặc sản” của quá khứ: tôi đoán hầu hết các địa phương cũng không thể tổ chức lớp học ngoại khóa cho 100% trẻ em trên địa bàn. Không dự sinh hoạt gì thì phường cũng xác nhận cho thôi (các mùa Hè khác tôi chỉ nộp phiếu, lấy xác nhận và trả lại nhà trường). Cái “phiếu sinh hoạt Hè” đó là một hình thức quản lý sinh hoạt đoàn viên/ đội viên giống với quản lý sinh hoạt đảng viên, vừa thừa vừa thiếu, vừa có sự nhân văn lại mang một tinh thần hà khắc điển hình của xã hội hậu bao cấp.

Chuyện tôi, một cậu bé thừa cân, chỉ thích chơi game, bỗng nhiên tìm được một lớp aerobic và có một mùa Hè vui vẻ trong ký ức, hoàn toàn là may mắn.

Bây giờ không thấy con trai tôi có cái phiếu sinh hoạt Hè đó nữa. Từ lúc đi học đến nay cháu chỉ học trường tư, và thực ra nếu giờ này tổ chức một hoạt động khai báo/ đối soát như thế chắc sẽ bị phụ huynh lên mạng xã hội nói ầm lên. Vì ai chẳng biết rằng hạ tầng con người và hạ tầng kỹ thuật của các phường xã ngày nay không đủ để tổ chức bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào.

Mật độ dân số của Hà Nội là hơn 2.500 người/km2. Mật độ này tại TP Hồ Chí Minh là 4.300 người/km2. Ngay cả các thảo luận về “không gian công cộng” hiện nay tại các thành phố này, cũng chỉ dám bàn đến không gian công cộng lớn cấp quận, huyện – tìm kế xây dựng thêm các công viên mới, hoặc nhà thi đấu thể thao quy mô – chứ bàn đến việc tạo ra không gian sinh hoạt công cộng ở cấp độ phường/xã là bất khả thi.

Cái phiếu sinh hoạt Hè và cuộc thi aerobic đó chỉ là một câu chuyện dĩ vãng, để nói rằng việc loay hoay “sinh hoạt Hè ở đâu” là một vấn đề có tính lịch sử. Thả trẻ con ra đường chơi tự do, người lớn đi làm, không an toàn cả về mặt an toàn thể chất lẫn an toàn xã hội. Nhốt ở nhà thì buồn chán. Mỗi mùa Hè, phụ huynh đôn đáo đi tìm chỗ gửi con. Và có dấu hiệu cho thấy rằng cả một ngành công nghiệp đã ra đời thay thế cho “phiếu sinh hoạt Hè” trong quá khứ: học kỳ quân đội; khóa tu mùa hè; khóa hướng đạo sinh; các lớp học năng khiếu, toán học hay thể thao…

Nhưng vấn đề không thể được giải quyết một cách có hệ thống. Chuyện cũng không thay đổi nhiều so với 30 năm trước, là việc có ai tìm được thứ phù hợp cho con, hay các bạn thiếu niên có tìm được thú chơi phù hợp trong một tháng rưỡi Hè hay không thực ra phụ thuộc vào may mắn.

Năm xưa thì phường ngẫu nhiên tổ chức lớp bóng đá, bóng chuyền hay thể dục nhịp điệu. Các bạn ra nộp phiếu sinh hoạt ngẫu nhiên bắt gặp, tình cờ thấy hay và có một mùa Hè vui vẻ. Năm nay thì bố mẹ ngẫu nhiên đọc được quảng cáo trực tuyến về khóa tu, học kỳ quân đội và các bạn tham gia cũng… hên xui về mặt cảm xúc và những điều thu được.

Có lẽ vấn đề lớn và sâu xa hơn: việc quan tâm đến hoạt động ngoại khóa của trẻ từ lúc chúng còn đang đi học, tức là còn đang được giám sát và định hướng 8 tiếng mỗi ngày. Ngay từ thời điểm đó, nhà trường và phụ huynh đã cần tìm kiếm rằng bạn nhỏ đó có thể tìm thấy niềm vui ở đâu: hội họa, thể thao, toán học, lập trình hay khám phá thiên nhiên…

Và khi đó, chúng ta quay trở lại vấn đề của các chương trình giáo dục phổ thông và các thiết chế nhà trường, chứ không còn là những mùa Hè tự phát nữa. Từ vài thập kỷ qua, các hoạt động tinh thần, bao gồm giáo dục ngoại khóa, giáo dục thể chất, nghệ thuật và thiên nhiên đã được thảo luận – nhưng vẫn được gọi bằng khái niệm “ngoại khóa” nhằm phân biệt với “chính khóa”, nghĩa là một bộ phận phi chính thức của hoạt động giáo dục.

Từ câu chuyện “tìm chỗ sinh hoạt Hè” mang tính hên xui trong một tháng rưỡi giữa các năm học, chúng ta có cớ nghĩ rộng đến cả một nền giáo dục phổ thông. Nếu các bạn nhỏ được định hướng và bồi dưỡng 365 ngày một năm về một niềm vui do các bạn lựa chọn, mùa Hè sẽ không bao giờ là vấn đề nữa. Dạy kiến thức khoa học là “chính khóa”; liệu dạy chơi, dạy cách tìm niềm vui trong cuộc sống có bao giờ trở thành “chính khóa”?

Đức Hoàng

Đi tìm mùa Hè quá khứ

Kỳ nghỉ Hè của học sinh đã bắt đầu được trả lại nguyên vẹn về thời gian hơn ở mấy năm gần đây khi các trường học trên cả nước đã thống nhất lại về thời gian nghỉ (đầu tháng 6) và thời gian nhập học năm học mới không sớm hơn ngày khai giảng (đúng ngày 5/9).

Nhiều năm trước, các em chỉ có khoảng 2 tháng nghỉ Hè. Còn bây giờ, kỳ nghỉ 3 tháng hè đã trở lại đúng nghĩa đen của nó giống như nhiều thế hệ trước từng trải qua. Song, đó mới chỉ là sự trả lại khái niệm về mặt thời gian mà thôi. Về ý nghĩa và tính chất của kỳ nghỉ Hè, mọi thứ vẫn y như cũ. Và trong thời kỳ tốc độ đô thị hóa như hiện nay, cái gọi là kỳ nghỉ Hè của các em còn lại những gì?

Đi du lịch, đó luôn là lựa chọn đầu tiên của mỗi gia đình, tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Nhiều tiền thì đi nước ngoài, ít hơn một chút thì đi nghỉ dưỡng ở đâu đó trong nước, còn ít hơn nữa, gia đình cũng cố gắng thu xếp vài ngày cho con em về quê hoặc đi chơi đâu đó tiết kiệm nhất. Tất cả đều nhằm một mục đích: nghỉ Hè thì cho con cái một chuyến đi chơi xa.

Học thêm năng khiếu, đó không còn là lựa chọn ưu tiên của mùa Hè nữa. Ngày xưa, mùa Hè là lúc mà đám trẻ sẽ được đi học ở Cung thiếu nhi, hoặc ít nhất cũng là nhà thiếu nhi quận, huyện. Các môn lựa chọn tùy theo sở thích. Hè trước học vẽ, hè sau có thể học nhạc, học kịch, học bơi, học bóng đá v.v và v.v. Nói chung, ở thời bao cấp, kỳ nghỉ Hè luôn gắn với một khóa học năng khiếu nào đó. Còn hiện nay, điều kiện kinh tế đã tốt hơn nhiều rồi, học năng khiếu không còn là đặc sản mùa Hè nữa. Nó đã trở thành món ăn thường nhật. Các em đã quay quắt với các khóa học thêm một môn năng khiếu nào đó, ít nhất là 1-2 buổi mỗi tuần. Mùa Hè, các em vẫn tiếp tục học các môn đó như lệ thường nên nó không còn đặc biệt nữa.

Vậy thì cuối cùng, mùa Hè của các em còn gì?

Chỉ còn lại những không gian bé nhỏ sau đợt đi du lịch, với iPad, tivi, máy tính, điện thoại thông minh. Cùng lắm thì nếu gia đình sống ở khu dân cư có điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng tốt, các em có thêm cái sân chơi mà thực tế các em không chỉ chơi ở đó mỗi mấy ngày hè. Cái các em đang thiếu, và không chỉ thiếu trong mùa Hè đơn thuần, chính là những người bạn thực sự. Trẻ em ngày nay thiếu bạn, do điều kiện sống khép kín hơn rất nhiều. Và cái sinh hoạt cộng đồng quý giá nhất giúp các em mở rộng mối quan hệ xung quanh mình là sinh hoạt hè cũng gần như đã bị khai tử. Cơ hội kết bạn lớn nhất ở mùa Hè đã không còn.

Ở chung cư tôi sống, Ban quản lý và Ban quản trị có thể chăm lo từng li từng tí cho cư dân, tới mức độ chỉ cần 1 phản ánh nhỏ sẽ có ngay giải đáp và giải pháp. Ấy vậy mà tranh cãi mãi, suốt gần 1 tháng trời, hai cái Ban đó mới đồng ý với đề xuất của cô tổ trưởng dân phố là cần có một buổi lễ trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt, kèm theo đó là một buổi “bơi miễn phí mỗi tuần” cho trẻ em trong chung cư.

Đáng buồn là khi ý kiến của bà cô tốt bụng được đưa ra, tưởng rằng các cư dân trong chung cư sẽ phải ủng hộ và tạo áp lực để hai “Ban trời ơi” kia phải thỏa hiệp nhưng hóa ra chính cha mẹ lại xem chuyện sinh hoạt hè ở chung cư là vô bổ, không cần thiết. Và đến bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao họ có thể nghĩ việc giam con mình trong mấy bức tường căn hộ suốt kỳ nghỉ hè với các tiện ích có hại cho mắt, cho tâm lý lại tốt hơn việc các cháu tham gia chơi chung với nhau các trò chơi vận động thể chất.

Mùa Hè của nhiều thế hệ chúng ta (8x trở về trước) đã gắn liền với hoạt động sinh hoạt hè tại tổ dân phố. Sáng sớm là í ới gọi nhau đi tập thể dục. Thêm vào đó là các hoạt động năng khiếu, các câu lạc bộ theo sở thích như vẽ, đọc sách v.v và v.v… Rồi ngoài các hoạt động được tổ chức bởi địa phương, bởi Đoàn thanh niên sẽ là các hoạt động tự phát của đám trẻ cùng trong một xóm, ngõ, tập thể. Một đứa trẻ ngày xưa có thể đọc vanh vách tên của bạn bè cùng trang lứa sống cùng khu phố theo kiểu “đứa này con ông bà nào, nhà làm nghề gì”. Trẻ con ngày xưa có bạn. Và chính bạn bè mới chia sẻ cho nhau những thường thức đơn giản nhất.

Từ tấm bé, lúc còn chưa vào lớp 1, đứa trẻ có thể nhìn cái lá mà biết đó là cây bàng hay cây sấu, cây nhãn hay cây cơm nguội. Cha mẹ không phải là người truyền thụ chủ yếu cho chúng những thường thức ấy. Chính bạn bè, những đứa cùng lối xóm, những đứa đầu trần rủ nhau ra tắm mưa mới là nguồn chia sẻ kiến thức chủ yếu đó. Hãy thử hỏi chính con mình xem cái cây mọc ngay ở khu dân cư mình sống là loại cây gì, câu trả lời của chúng đủ khiến bạn giật mình. Chúng không hề biết bởi chính chúng ta đã ngăn cản chúng được tiếp xúc để biết.

Các chung cư là giải pháp rất tốt cho những gia đình có thu nhập trung bình khi mà giá nhà đất ở Việt Nam đã lọt tốp những quốc gia bất động sản đắt đỏ nhất. Nhưng cách chúng ta sống trong chung cư có ổn hay không lại là một câu hỏi khác cần giải pháp khác. Những căn hộ luôn đóng kín cửa khác hẳn với những căn hộ ở tập thể cũ thời bao cấp. Sự đóng kín ấy, thậm chí cả việc quản trị thang máy theo mã từng tầng đã ngăn cản giao tiếp của cư dân. Và khi cha mẹ sống trong một khuôn mẫu “gần như không giao tiếp với hàng xóm”, con cái cũng sẽ lặp theo cái khuôn mẫu đó. Trong bối cảnh khép kín như thế, kỳ sinh hoạt hè lẽ ra là cơ hội tuyệt vời để cải thiện quan hệ và giao tiếp nhưng cuối cùng, nó cũng đã bị khai tử bởi nhiều nguyên do.

5 năm chuyển về sống ở chung cư sau 1 thời gian dài sống ở hẻm, con tôi chỉ có đúng 3 người bạn hàng xóm mà mối quan hệ đó bắt nguồn từ việc bọn trẻ học chung với nhau lớp mẫu giáo. Chính từ mối quan hệ của các con, chúng tôi đã kết bạn thân thiết với hàng xóm của mình và phát hiện ra rằng họ cực kỳ thú vị, nhiều điều đáng để mình học hỏi. Giả sử con tôi không có cơ hội học chung lớp mẫu giáo với những đứa trẻ hàng xóm đó thì sao nhỉ? Có thể đến giờ, sau 5 năm, chúng không có người bạn nào sống cùng chung cư cả.

Ở cùng khu chung cư với tôi là 3-4 người bạn khá thân của tôi. Cũng chính họ là nguồn động viên để tôi chuyển về sống nơi này. Ấy vậy mà kỳ lạ thay, sống xa nhau thì bọn tôi còn thường gặp mặt. Về ở gần, chỉ toàn nhắn hỏi nhau qua mạng xã hội. Có lẽ, ỉ vào chuyện “ở ngay sát cạnh, lúc nào cần gặp thì gặp được ngay” nên chúng tôi bớt gặp nhau chăng? Chính người lớn chúng ta đã hạn chế giao tiếp trong không gian chung cư như thế thì bảo sao những đứa trẻ cũng mất đi cơ hội giao tiếp để hình thành một kinh nghiệm sống trong cộng đồng.

Ngày xưa, thời bao cấp, chúng ta khốn khó hơn hôm nay nhiều lần về điều kiện sống, điều kiện kinh tế. Song, có những cái của ngày xưa tuyệt vời hơn ngày nay rất nhiều. Tập quán cộng đồng được hình thành ngay từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ và được củng cố mạnh mẽ hơn nhờ vào các đợt sinh hoạt Hè. Có lẽ, đã đến lúc phải đi tìm lại mùa Hè xa xưa, mùa Hè kiểu quá khứ cho con em chúng ta hôm nay để chúng không phải lớn lên như những thực thể lẻ loi và hoàn toàn mờ nhạt ký ức về nơi chúng từng sinh ra, lớn lên và có một tuổi thơ đúng nghĩa.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/mua-he-tre-tho-i735458/