Mùa Xuân trên bản Dao

Với gần 30 nghìn nhân khẩu, cộng đồng người Dao ở Thái Nguyên phân bố khá đông tại các địa bàn miền núi, vùng cao như Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai. Đi qua những tháng ngày khó khăn, gian khổ, hôm nay, bà con người Dao đã dựng xây được cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Người Dao Thái Nguyên đã mạnh dạn đưa các giống chè lai vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Người Dao Thái Nguyên đã mạnh dạn đưa các giống chè lai vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

No ấm tìm về

Sau Tết Nguyên đán, đường vào bản Dao Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ) vẫn ngập tràn sắc hoa đào thắm đượm. Dẫu vậy, bà con trong bản đã bắt đầu ra đồng cấy lúa vụ xuân. Bà Dương Thị Hoa, một người dân trong xóm chia sẻ: Chúng tôi vừa đón một cái Tết đầm ấm, yên vui. Kỳ nghỉ lễ đã qua, giờ là lúc mọi nhà quay trở lại nhịp sống thường nhật, tập trung lao động, sản xuất để có thu nhập ổn định, cuộc sống sung túc hơn.

Từng là bản người Dao với nhiều khó khăn về đường giao thông, điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính người dân, đường về Tân Lập hôm nay đã được cứng hóa. Điện cũng đã về bản, không chỉ thắp sáng mọi nhà mà còn giúp người dân đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất chè. Bởi thế, trong số trên 100 hộ dân của bản, số hộ khá, giàu đã chiếm hơn 80% và số hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay… Vui nhất là khi bản người Dao này đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế ở xã Phú Xuyên, luôn mạnh dạn trong việc đưa giống lúa, chè mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất…

Không riêng Tân Lập, bản người Dao Cao Biền, nơi được xem là địa bàn khó khăn nhất của xã Phú Thượng (Võ Nhai) cũng đã có những đổi thay ngoạn mục. Từ khi có điện (tháng 9 năm 2020), cộng thêm con đường vào bản được cứng hóa, người Dao ở Cao Biền đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất dựng xây cuộc sống mới. Theo đó, cây hồi, thạch đen ở bản người Dao này đã trở thành thứ hàng hóa có giá trị khi tư thương đua nhau đưa xe tải về thu mua tận nơi. Với giá bán trên dưới 35 nghìn đồng/kg cây thạch khô và gần 30 nghìn đồng/kg hồi tươi, đời sống của gần 50 hộ dân trong xóm đang đổi thay từng ngày, cái nghèo ngày càng bị bỏ xa hơn.

Kể từ ngày có điện, các hộ dân ở Cao Biền đã có thể dùng nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh… Vì thế, mỗi cái Tết về cũng vui. Thay vì lo thức ăn bị hỏng do để lâu, thịt lợn, bánh chưng được bà con bảo quản trong tủ lạnh ăn đến qua Rằm tháng Giêng vẫn còn dư ít nhiều. Đây là lời lý giải, vì sao chiều 30 Tết, người dân trong bản lại chung nhau thịt lợn nhiều đến vậy. Rồi đêm Giao thừa, mọi nhà quây quần xem các chương trình chào mừng năm mới trên ti vi nên không khí đón xuân thật đầm ấm, tươi vui…

Điểm qua những đổi thay ở Tân Lập và Cao Biền để thấy được, hòa chung với dòng chảy của Thái Nguyên, bà con người Dao trong tỉnh đã có những đổi thay khi no ấm đang tìm về, đời sống kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.

Lưu giữ hồn quê

Cuộc sống ngày một sung túc, người Dao Thái Nguyên vẫn không có chuyện “có mới nới cũ”, quên những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bà con vẫn lưu giữ những nét đẹp mang hồn cốt của quê hương, dân tộc mình. Đơn cử, từ trước Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân người Dao Quần Chẹt đã hồ hởi đón cái Tết “Năm Cùng”. Đây được xem là 1 trong 3 cái Tết quan trọng của bà con (Tết Thanh minh, Rằm tháng Bảy, Tết “Năm Cùng”). Với bà con người Dao, Tết “Năm Cùng” được xem là thiêng liêng, đầm ấm nhất trong năm, là thời khắc gửi gắm tất cả niềm vui, hy vọng vào một năm mới an lành, đủ đầy.

Theo ông Dương Trung Vân, người dân tộc Dao Quần Chẹt, tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Quân Chu (Đại Từ), Tết “Năm Cùng” là Tết tổng kết cuối năm, là dịp để mọi người nghỉ ngơi, ăn Tết. Theo đó, nghi lễ báo công không thể thiếu thầy cúng có chức sắc ở bản. Lễ vật thường có thủ lợn, gà trống, bánh giày để tỏ lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Trong đó, bánh giày làm từ gạo nếp ngon chính là nét đặc trưng nhất của dịp Tết “Năm Cùng”. Mẻ bánh đầu tiên được dâng cúng tổ tiên; mẻ thứ hai, các cụ cao niên mới được nếm trước; mẻ thứ ba, gia chủ và khách đến dự cùng quây quầy chia nhau thưởng thức…

Khi tổ chức lễ cúng, bà con không dùng hương mà đốt vỏ cây mỏng, có mùi thơm (lấy trong rừng đúng ngày 7 tháng 7 âm lịch) đặt trong chén nhỏ. Việc đốt vỏ cây thơm được thực hiện liên tục cho đến khi chén đầy như một cách dâng lên tổ tiên sự ấm áp và lòng thành kính… - ông Dương Trung Vân

Dịp Tết này, nhiều gia đình người Dao Quần Chẹt mổ lợn tự nuôi, làm bữa cơm tươm tất mời anh em, bè bạn đến chung vui để chúc cho gia chủ một năm mới gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Khi cái Tết “Năm Cùng” qua đi, bà con lại chuẩn bị đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc ấm cúng.

So với hơn 20 năm trước, hiện nay, bà con người Dao Thái Nguyên tổ chức Tết rất “to”. Không chỉ thịt lợn, gói bánh chưng, bà con còn bày biện, trang hoàng nhà cửa khá tỉ mỉ với hoa mơ, hoa mận, hoa đào. Nhiều nhà làm thêm bánh khảo, nấu thứ rượu ngô ủ men lá… Đặc biệt, các tiết mục văn hóa, văn nghệ cũng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con người Dao trong những dịp Tết đến, xuân về. Ngay như ở bản người Dao Cao Biền, nhà văn hóa xóm nằm ngay sát con đường bê tông những ngày Tết hoạt động “hết công suất” bởi không ít hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ diễn ra.

Ngày đầu Xuân mới, theo những con đường bê tông uốn lượn tìm về các bản người Dao nằm gọn dưới chân núi, chúng tôi vui lây với niềm vui của bà con. Năm tiếp năm, đời sống của người Dao Thái Nguyên ngày càng đi lên mang theo bao niềm vui và khát vọng của bà con vùng núi. Mùa Xuân đang hiện hữu trong mỗi con đường, góc bản và từng nếp nhà. Ở đó, mỗi người dân đang cùng đoàn kết xây dựng bản làng ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc…

Huệ Dinh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202502/mua-xuan-tren-ban-dao-3cc270e/