Thấy gì ở mùa lễ hội Xuân? - Bài 1: Nhiều chuyển biến tích cực

Những ngày này, không khí lễ hội rộn ràng khắp mọi miền, mở ra một mùa xuân tràn đầy sắc màu văn hóa. Mặc dù vẫn còn một số lễ hội tái diễn cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp lộc cần được điều chỉnh, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, đa phần các lễ hội diễn ra trong không khí văn minh, an toàn. Đáng mừng hơn, ý thức người dân ngày càng được nâng cao, tạo nên những điểm sáng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách

Những tín hiệu đầu mùa lễ hội cho thấy công tác quản lý lễ hội năm nay có nhiều đổi mới so với các năm trước. Các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng các phương án trọng tâm, tập trung vào những điểm then chốt và có dự báo cụ thể cho từng hoạt động lễ hội, để mỗi lễ hội trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, giàu ý nghĩa và mang đậm bản sắc truyền thống…

Lễ khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Phạm Sỹ.

Lễ khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Phạm Sỹ.

Tại Hà Nội, các điểm du xuân nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Hương… thu hút rất đông du khách. Ghi nhận thực tế cho thấy, các điểm đến này có nhiều đổi mới tích cực, từ đa dạng các hoạt động văn hóa cho đến công tác đón tiếp, phục vụ khách du xuân. Tình trạng đốt vàng mã, nhét tiền lẻ ở những nơi thờ tự… đã được hạn chế rất nhiều.

Tại Di tích đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), từ mùng 1 Tết đến nay, những ngày cao điểm đón từ 12 - 13 nghìn lượt du khách. Tính đến hết ngày 5/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), Lễ hội đền Sóc đã đón khoảng 700 nghìn lượt khách. Theo Trung tâm Quản lý Khu du lịch - Di tích đền Sóc, số lượng du khách đến với mùa lễ hội năm nay dự kiến đạt 1 triệu lượt.

Để có một mùa lễ hội an vui, an toàn, văn minh, năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc đã có nhiều thay đổi trong kế hoạch nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn nét đẹp truyền thống lễ hội. Từ năm 2018 đến nay, việc tán lộc giò hoa tre được Ban Tổ chức thay đổi để vẫn bảo đảm các nghi lễ truyền thống và ngăn chặn tình trạng lộn xộn, “cướp lộc” như trước đây.

Năm nay, Lễ khai hội Xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức ngày 7/2 (tức mùng 10 tháng Giêng) theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Để phục vụ chu đáo nhu cầu du khách, TP Uông Bí và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai hội Xuân, đón khách tham quan Yên Tử và các lễ hội trên địa bàn thành phố, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, đảm bảo an toàn cho du khách đến du xuân và tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo văn minh, lịch sự.

Còn tại Di tích chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), chỉ trong ít ngày đầu xuân đã đón hơn 100 nghìn lượt khách. Ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng diễn ra đúng ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết nên lượng khách giảm so với mọi năm nhưng vẫn đạt khoảng 25 nghìn lượt khách… Bên cạnh những hoạt động văn hóa được chuẩn bị kĩ lưỡng và diễn ra rất hấp dẫn thì công tác đảm bảo an ninh trật tự cũng được các địa phương hết sức chú trọng.

Hay như Lễ hội chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định) vừa diễn ra thu hút lượng lớn khách thập phương về trẩy hội. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách, Ban Tổ chức chợ Viềng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội ứng trực 24/24 giờ trên nhiều tuyến đường. Các chốt kiểm soát được bố trí hợp lý để phân luồng giao thông, phòng chống cháy nổ, đồng thời kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật như cờ bạc, trộm cắp...

Ông Phạm Xuân Tài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, năm nay tại các di tích đã có nhiều nỗ lực, tạo điểm mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần tôn vinh và phát huy giá trị di tích và bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời cũng lưu ý các điểm di tích này tiếp tục thực hiện tốt, phát huy kết quả đạt được, kiên quyết đẩy lùi những tiêu cực trong lễ hội, nhất là chú trọng công tác vệ sinh môi trường, vị trí để các hòm công đức, kiên quyết xử lý các trường hợp bán hàng rong tại khu vực tổ chức lễ hội… Tất cả những nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và du khách thập phương đi lễ Phật, du xuân, đón lộc đầu năm trong không khí an toàn, văn minh và tràn đầy ý nghĩa.

Không để biến tướng, trục lợi

Có thể thấy rõ những chuyển biến tích cực về một mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, văn minh ở nhiều địa phương. Song vẫn còn một số lễ hội diễn ra cảnh đám đông chen lấn, xô đẩy để tranh lộc, cầu may; một số nơi vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách, đổi tiền lẻ…

Hình ảnh chen lấn tại Lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc). Ảnh: Việt Hà.

Hình ảnh chen lấn tại Lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc). Ảnh: Việt Hà.

Mới đây, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Ất Tỵ và các lễ hội xuân 2025. Theo đó, Bộ lưu ý, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và nhà nước; rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh công cộng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; vận động nhân dân không đốt vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.

Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội. Thanh, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2025 được các địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc. Qua công tác kiểm tra, giám sát và nắm bắt tình hình tại một số địa phương trước mùa lễ hội 2025, công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội đã được thực hiện rất chu đáo, đảm bảo tính thiết thực, an toàn và tiết kiệm, đồng thời phù hợp với nếp sống văn minh và truyền thống văn hóa.

Đối với một số lễ hội tập trung đông người, xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, phát ấn thu tiền không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

“Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025” - ông Thắng nhấn mạnh.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), năm 2025, công tác quản lý, tổ chức lễ hội cần tiếp tục kế thừa thành tựu năm 2024, thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018 của Chính phủ. Các lễ hội truyền thống phải được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu.

(còn nữa)

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thay-gi-o-mua-le-hoi-xuan-bai-1-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-10299596.html