Mục tiêu 355km metro tại TPHCM: Thách thức và kỳ vọng

TPHCM đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ hoàn thành 355km đường sắt đô thị nhằm tạo nên mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ. Đây không chỉ là lời giải cho vấn nạn ùn tắc giao thông dai dẳng mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, kết hợp với phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Khu vực depot Long Bình thuộc dự án metro số 1 TPHCM. Ảnh: Duy Anh

Khu vực depot Long Bình thuộc dự án metro số 1 TPHCM. Ảnh: Duy Anh

Sau 12 năm xây dựng, tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (metro Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành và vận hành chính thức từ cuối tháng 12/2024.

Theo Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1, đơn vị vận hành khai thác), sau hơn 3 tháng vận hành thương mại, metro số 1 đã thực hiện 15.324 chuyến tàu với trung bình 348 lượt khách/chuyến, tổng lượng khách đi tàu đạt hơn 5,3 triệu lượt.

“Metro số 1 được người dân đón nhận tích cực. Lượng hành khách đi tàu vượt kỳ vọng, đó là tín hiệu tích cực, dấu hiệu khởi sắc của giao thông công cộng trong thời gian sắp tới”, ông Lê Minh Triết - Giám đốc HURC1 cho hay.

Gồng mình với 355km metro

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông công chánh TPHCM cho biết, từ khi đưa tuyến metro số 1 vào vận hành đến nay, giao thông công cộng ở TPHCM chuyển biến tích cực.

Trong quý I/2025, việc đi lại bằng giao thông công cộng ở thành phố đã tăng gần 7% so với cùng kỳ. “Từ metro số 1, ngành giao thông thành phố đã chuyển đổi các tuyến xe buýt sang xe buýt sử dụng nhiên liệu liệu sạch (xe buýt xanh). Qua đó, đã thay đổi diện mạo chất lượng dịch vụ. Hiện nay, xu hướng người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng giao thông công cộng bắt đầu rõ nét hơn", ông Lâm nói. Ông cho rằng, cùng với giao thông công cộng có sự chuyển biến, các quy định kiểm soát nghiêm ngặt về quy tắc giao thông cũng đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm 3 tiêu chí (giảm số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương).

Theo ông Lâm, trong 10 năm tới thành phố sẽ hoàn thiện các tuyến vành đai 2, 3 và 4, dự án mở rộng quốc lộ (quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam,…). Từ đó, cơ bản giải quyết hạ tầng giao thông đô thị. Tuy nhiên, để giảm ùn tắc giao thông cần phát triển hệ thống giao thông công cộng và chuyển tiếp sang giai đoạn giảm phương tiện cá nhân. “TPHCM đã đề xuất và được Quốc hội thông qua Nghị quyết 188 - với chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư. Đây sẽ là chìa khóa để thành phố hoàn thành 355km đường sắt đô thị trong 10 năm tới - một cột mốc quan trọng trong hành trình hiện đại hóa hệ thống giao thông, giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và hướng đến một đô thị xanh, thông minh và bền vững”, ông Lâm cho biết.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc triển khai tuyến metro số 1 từng gặp không ít trở ngại do nhiều khâu bị kéo dài, đặc biệt là trong quá trình xin ý kiến chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Từ thực tế đó, TPHCM cần rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các dự án tiếp theo. Cần chuẩn bị quỹ đất sạch trước khi khởi công để tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như phát sinh chi phí. Ngoài ra, làm metro không đơn thuần là xây dựng một tuyến giao thông, mà còn liên quan chặt chẽ đến quy hoạch đô thị ngầm, cảnh quan, dịch vụ thương mại và cả hoạt động du lịch, do đó đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành.

Một yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ là cần hoàn thiện cơ chế pháp lý, hạn chế tình trạng “xin - cho”, rút ngắn thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy dự án triển khai đúng kế hoạch.

Theo tính toán, TPHCM cần huy động khoảng 40,2 tỷ USD để đầu tư 355km đường sắt đô thị trong 10 năm. Để làm được điều này, Nghị quyết 188 của Quốc hội cũng đã có các cơ chế giúp TPHCM huy động mọi nguồn lực. Tuy nhiên, vấn đề vốn đầu tư khổng lồ, giải phóng mặt bằng, năng lực thi công,… vẫn là những thách thức cần giải quyết.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM khẳng định, hoàn thành 355km là nhiệm vụ bắt buộc. Nghị quyết 188 của Quốc hội đã tạo cơ chế vượt trội, rút ngắn được 3-4 năm so với quy trình trước đây. Đồng thời, việc phân cấp cho TPHCM được duyệt dự án đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, việc cho phép chỉ định thầu bao gồm tư vấn và xây lắp; chỉ định thầu dự án đường sắt đô thị gắn với TOD (Transit Oriented Development: mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Chính vì vậy, các dự án trong thời gian tới sẽ rút ngắn tiến độ.

“Các cơ chế này giúp rút ngắn đáng kể thời gian. Ví dụ trước đây, tuyến số 5 sau 5-7 năm rồi vẫn chưa thể thông qua chủ trương đầu tư. TPHCM thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Sau khi vận hành tuyến số 1 đã chứng minh hiệu quả hành khách sử dụng metro. Do đó, việc hoàn thành đường sắt đô thị là vô cùng cấp thiết”, ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) là dự án đầu tiên áp dụng cơ chế đặc thù Nghị quyết 188. Dự án khởi công cuối năm nay và dự kiến vận hành vào năm 2030. Vì vậy, các nhóm công việc hiện nay rất gấp rút như hợp đồng dự án, khai thác TOD, công nghệ sử dụng ở tuyến metro số 2.

Về tiêu chuẩn, công nghệ các tuyến đường sắt đô thị, ông Bằng cũng cho biết, tất cả phải thống nhất. Đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM phải thống nhất sử dụng cùng một công nghệ, để đảm bảo vận hành về sau. Theo định hướng, các tuyến đường sắt đô thị này sẽ thực hiện theo công nghệ châu Âu.

Về nguồn vốn, cũng theo ông Bằng, trong đề án xây dựng cơ chế đặc thù đã xác định rõ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương. Nguồn vốn Trung ương đã cân đối và nguồn vốn địa phương cũng đã có lộ trình gồm nguồn vốn đầu tư công, nguồn thu từ TOD, trái phiếu địa phương,… Với cơ chế, chính sách mới, cách làm mới, TPHCM có thể hoàn thành 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới.

Người dân đi tàu metro TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Người dân đi tàu metro TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Chìa khóa TOD

Trong quá trình triển khai hệ thống đường sắt đô thị ở TPHCM, cơ quan chức năng quan tâm triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, việc thúc đẩy phát triển metro đến 2030, hoàn thiện đến năm 2050 theo mô hình phát triển TOD là rất cấp bách. Việc phát triển đô thị theo mô hình TOD quanh các nhà ga giao thông công cộng quy mô lớn, bổ sung hạ tầng kết nối vùng, kết nối các khu vực của TPHCM hiện nay cần có chiến lược.

“Thành phố có thể vận dụng cơ chế đặc thù để thu, sử dụng 100% các khoản thu trong khu vực TOD để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Trong đó, quỹ đất tiềm năng phát triển mô hình TOD ở TPHCM có thể lên tới 60.000 ha”, ông Tuấn thông tin.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc phát triển TOD nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh và bền vững cho TPHCM cũng như toàn vùng. Hiện TPHCM đã quy hoạch nhiều vị trí phát triển TOD. Trong giai đoạn 2024-2028 sẽ phát triển đô thị theo mô hình TOD tại 11 khu vực dọc các tuyến metro số 1, metro số 2 và đường vành đai 3 TPHCM.

Về câu chuyện phát triển TOD, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, mỗi tuyến metro đều có ga trung tâm, ga đầu và ga cuối, đồng thời quy mô cũng có ga lớn, ga trung bình và ga nhỏ. Tùy theo mỗi một nhà ga metro sẽ phải có quy hoạch tích hợp để phát triển đô thị ở tại khu vực đó, thế giới gọi đó là “bán kính vàng”. Các ga metro ở các quốc gia đi qua khu vực dân cư hiện hữu đông đúc, gắn liền với các khu công nghiệp, các khu du lịch lớn để phát huy sức chở lớn của loại hình giao thông này. “Các nước trên thế giới sử dụng quỹ đất quanh các ga metro ở “bán kính vàng” và phát triển các khu thương mại, dịch vụ, sản xuất, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa túi tiền. Đồng thời, cũng phát triển metro đến các điểm được quy hoạch để phát triển khu đô thị mới và thường được gọi là điểm đến mới của các nhà đầu tư”, ông Châu cho biết.

Hành khách chờ tàu metro TPHCM. Ảnh: Duy Anh

Hành khách chờ tàu metro TPHCM. Ảnh: Duy Anh

Đến năm 2035, TPHCM sẽ phải hoàn thiện 7 tuyến metro với chiều dài 355km gồm: tuyến 1 (đoạn Bến Thành - An Hạ); tuyến 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Củ Chi); tuyến 3 (Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã sáu Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ); tuyến 4 (Đông Thạnh - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - khu đô thị Hiệp Phước); tuyến 5 (Long Trường - xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - depot Đa Phước); tuyến 6 (Vành đai trong) và tuyến 7 (Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu công nghệ cao - Vinhomes Grand Park).

Theo ông Châu, trong những năm qua, các doanh nghiệp bất động sản đã bám rất sát các quy hoạch phát triển giao thông. Đơn cử, tuyến metro số 1 TPHCM từ ngày thi công, các dự án bất động sản dọc theo tuyến metro, đặc biệt là tại các khu vực nhà ga đã hình thành. “Tại ga Ba Son, Tân Cảng, có các dự án bất động sản rất cao cấp. Bên kia cầu Sài Gòn, có các ga Thảo Điền, An Phú, Bình Thái đều có các dự án đã được các nhà đầu tư bất động sản thực hiện từ nhiều năm trước. Hiện nay, người dân sinh sống ở các dự án đó đang được hưởng lợi. Nhưng do quá trình trước đây, chúng ta chưa quy hoạch đồng bộ các ga metro nên chưa phát huy được hết hình thức TOD. Chính vì vậy, nhà nước chưa thu được lợi nhiều từ hình thức TOD”, ông Châu nêu.

Ông Châu kỳ vọng việc TPHCM phát triển 7 tuyến metro trong 10 năm tới là tiềm năng để các doanh nghiệp bất động sản đồng hành. Từ đó, hướng đến mục tiêu cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều được lợi.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, để tối ưu quỹ đất quanh nhà ga và thu hút đầu tư, TPHCM cần có chính sách sử dụng đất rõ ràng. Cần xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi theo quy định, tổ chức đấu giá để tạo nguồn vốn cho metro.

Ngoài ra, nếu không thu hồi đất, cũng cần cơ chế thu thuế giá trị gia tăng từ việc đất tăng giá sau khi metro hoạt động, qua đó, tạo nguồn lực để tái đầu tư.

Khu vực nhà ga Rạch Chiếc ở cửa ngõ phía Đông TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Khu vực nhà ga Rạch Chiếc ở cửa ngõ phía Đông TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/muc-tieu-355km-metro-tai-tphcm-thach-thuc-va-ky-vong-post1736833.tpo