Muối lạc rong biển, từ món ăn dân dã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao

Sản phẩm muối lạc rong biển của cơ sở chị Lê Thị Uyên được sản xuất, đóng gói theo quy trình hiện đại, đạt tiêu chuẩn OCOP và được đông đảo người tiêu dùng yêu thích. Từ một món ăn dân dã, sản phẩm này đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Trị năm 2022.

Sản phẩm muối lạc rong biển của cơ sở chị Lê Thị Uyên được người tiêu dùng ưa chuộng -Ảnh: T.H

Sản phẩm muối lạc rong biển của cơ sở chị Lê Thị Uyên được người tiêu dùng ưa chuộng -Ảnh: T.H

Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông huyện Hải Lăng, chị Lê Thị Uyên (36 tuổi) ở thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng, luôn ấp ủ phát triển một sản phẩm từ nông sản địa phương có nguồn gốc, chất lượng đến với người tiêu dùng. Nhận thấy người dân quê mình trồng lạc cho năng suất và chất lượng tốt nên chị quyết định “khởi nghiệp” với món ăn truyền thống của cha ông để lại.

Theo chị Uyên, trước kia nguyên liệu làm muối lạc khá đơn giản, chủ yếu từ các loại hạt quen thuộc như lạc, mè và muối trắng. Để tạo nên một món ăn giàu dinh dưỡng, chị Uyên cho thêm một số gia vị vào muối lạc, trong đó có rong biển - một loại thực phẩm giàu nguyên tố vi lượng, khoáng chất, chất xơ tốt cho cơ thể. Nhờ đó mà muối lạc từ món ăn dân dã đã được “nâng cấp” giá trị lên nhiều lần.

Chị Uyên cho biết: “Mới đầu tôi chỉ làm để phục vụ gia đình, dư ra vài hộp thì rao bán cho bạn bè, người thân. Sau một thời gian bán thử, thấy mọi người phản hồi rất tốt, lượng người đặt mua ngày càng tăng nên tôi chuyển sang làm bán chuyên nghiệp”.

Theo chị Uyên, để có một mẻ muối lạc đúng vị, từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến phải được thực hiện kỹ càng. Hạt lạc phải tròn đẹp, vỏ bóng được thu mua trực tiếp tại địa phương, sau đó sàng bỏ lớp vỏ lụa, ướp các loại gia vị, đặc biệt là dầu ăn được làm từ cây sả nên rất thơm. Nguyên liệu rong biển cũng được chọn kỹ, xé nhỏ và ướp gia vị. Lạc và rong biển tiếp tục được sao khô bằng máy trong trong thời gian nửa canh giờ. Hỗn hợp nguyên liệu bán thành phẩm này được trộn với mè vàng đã rang chín theo tỉ lệ thích hợp cho ra đời sản phẩm.

Muối lạc rong biển được chế biến với gia vị chay để người dùng chay và mặn đều có thể thưởng thức.

Trung bình mỗi tháng cơ sở chị Uyên nhập vào từ 3 - 3,2 tạ lạc hạt và bán ra từ 1.200 -1.400 hũ muối lạc, mỗi hũ có trọng lượng 300gr.

Sản phẩm chủ yếu bỏ sỉ, trong đó thị trường miền Nam chiếm 80%. Dẫu đắt hơn dòng truyền thống nhưng nhờ vị lạ miệng nên nhiều khách hàng đã đặt mua loại muối lạc rong biển này để dùng trong bữa ăn gia đình hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè.

Nhờ lượng mua ổn định, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng. Những nỗ lực của bà chủ 8X đã được đền đáp khi sản phẩm muối lạc rong biển đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Trị năm 2022. Đây là động lực để chị Uyên tiếp tục thực hiện mong muốn mở rộng thị trường, quảng bá, vươn tầm sản phẩm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng, ông Văn Ngọc Tiến Đức cho biết: “Muối lạc rong biển huyện Hải Lăng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là một sản phẩm có nguồn gốc từ nguồn nguyên liệu của địa phương.

Với hiệu quả kinh tế mà mô hình của chị Uyên mang lại, thời gian tới, địa phương sẽ hướng tới việc phát triển nhiều mô hình tương tự để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân”.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/muoi-lac-rong-bien-tu-mon-an-dan-da-tro-thanh-san-pham-ocop-3-sao/179841.htm