Muốn thu hút và giữ chân người tài, phải trao cơ hội cống hiến

Đại biểu Quốc hội cho rằng, người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công.

Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Nội dung nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ; chính sách phát hiện và cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức

Nói về "chính sách đặc biệt" để thu hút nhân tài, đại biểu Nguyễn Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công. Muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.

Đại biểu Nguyễn Việt Nga phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Việt Nga phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu kiến nghị thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình; cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới; trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan. “Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ, thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng” - đại biểu nêu.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đề nghị quy định khung tiêu chí xác định người tài năng, cũng như “khung cứng” chế độ chính sách đặc biệt do ngân sách Nhà nước hỗ trợ chung, để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện. “Ở những tỉnh miền núi, điều kiện ngân sách còn hạn chế, các chính sách đưa ra thu hút chưa thực sự có tính chất đột phá, rất khó thu hút được người có tài, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục” - nữ đại biểu nêu thực tế.

Đại biểu cũng cho biết nhiều trường hợp tuyển dụng được người tài vào làm việc nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn mà không giữ chân được những cán bộ, công chức này ở lại lâu dài phục vụ cho tỉnh. Vì thế, đề nghị với các địa bàn khó khăn, ngân sách Trung ương có thể hỗ trợ để địa phương có thể thực hiện tốt chính sách này hoặc tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các tỉnh liên quan đến bố trí nguồn lực thực hiện chính sách, vì có như vậy mới có thể giữ chân người tài năng ở các tỉnh miền núi, vùng cao yên tâm ở lại cống hiến

Không để KPI trở thành hình thức

Đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) bày tỏ hoan nghênh việc dự thảo đã bổ sung tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm. Đại biểu cho rằng, đây là bước tiến quan trọng để xây dựng đội ngũ công chức có trách nhiệm; đồng thời đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn chi tiết việc đánh giá công chức, đặc biệt là làm rõ hai tiêu chí: đạo đức công vụ và kết quả công việc.

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu tại phiên họp.

Liên quan đến đề xuất áp dụng KPI (chỉ số hiệu suất công việc) vào khu vực công, đại biểu cho rằng đây là hướng đi đúng, nhưng cần thận trọng để tránh hình thức vì KPI chỉ thực sự hiệu quả khi phải gắn với đặc thù vị trí việc làm và hành trình phát triển nghề nghiệp của công chức; công chức có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ. “Trong thực tế, nhiều công chức “chịu trách nhiệm nhưng không có quyền”, hoặc thiếu nhân lực, ngân sách, công cụ hỗ trợ” - đại biểu nêu và cho rằng, cần có cơ chế thưởng – phạt rõ ràng gắn với kết quả KPI. “Nếu đánh giá xong mà không ai được thưởng hay bị ảnh hưởng, thì KPI chỉ là hình thức” - đại biểu nêu.

Một điểm đáng chú ý khác trong phát biểu của đại biểu là đề xuất tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Theo bà, hiện nay người đứng đầu vẫn bị trói tay bởi những rào cản văn hóa như “nể nang”, “tình nghĩa”, “ngại va chạm”, trong khi lại thiếu công cụ để tổ chức, sắp xếp lại nhân sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị luật cần mạnh dạn quy định cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu, đồng thời giao thẩm quyền xây dựng chỉ số đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm trong phạm vi từng ngành, địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đánh giá cán bộ là khâu khó nhất, đã có nhiều quy định song triển khai chưa đạt kết quả như mong đợi, còn có sự nể nang, tính phê và tự phê chưa cao. “Không thể “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” mà không bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, không làm được việc mà cứ định kỳ lên lương. Tôi tâm đắc đánh giá theo vị trí việc làm và áp dụng KPI để thay đổi tư duy trong đánh giá cán bộ, đảm bảo công bằng hơn” - đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/muon-thu-hut-va-giu-chan-nguoi-tai-phai-trao-co-hoi-cong-hien-i768355/