Mỹ áp thuế nhôm thép: Lợi bất cập hại

Theo phóng viên TTXVN tại New York, giới chuyên gia nhận định quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu gần như hoàn toàn giống với bước đi ông từng làm dưới nhiệm kỳ đầu, đồng thời dự báo các hệ quả lợi bất cập hại tiếp theo.

Công nhân kiểm tra các thanh cuộn nhôm tại nhà kho trong khu công nghiệp ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Công nhân kiểm tra các thanh cuộn nhôm tại nhà kho trong khu công nghiệp ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Phản ứng thuận đầu tiên sẽ đến từ các nhà sản xuất thép nội địa Mỹ, những người sẽ hoan nghênh kế hoạch áp thuế của ông Trump. Bởi họ là những người đang phải cạnh tranh nhọc nhằn trước sản phẩm kim loại giá rẻ của nước ngoài. Cũng giống như dưới thời nhiệm kỳ đầu của ông Trump, doanh nghiệp sắt thép chính là nhóm vận động hành lang mạnh nhất đối với chính quyền hiện hành để nhận được bảo hộ. Giới quan chức dưới quyền Tổng thống Trump đồng ý rằng một ngành công nghiệp kim loại nội địa mạnh mẽ có vai trò quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ.

Nhưng thuế cũng gây ra nhiều tranh cãi. Áp thuế chắc chắn sẽ khiến các đồng minh của Mỹ như Canada, Mexico, hai nước cung cấp chủ chốt hàng kim loại nhập khẩu cho Mỹ, rúng động. Thuế cũng có thể kích hoạt trả đũa nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, khiến nhiều ngành công nghiệp nội địa Mỹ sử dụng kim loại để chế tạo ô tô, đóng gói đồ hộp và nhiều mặt hàng khác bất bình. Những ngành này sẽ phải đối mặt với giá thành tăng cao sau khi thuế có hiệu lực.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những biện pháp Mỹ áp dụng có tác động tích cực đến doanh nghiệp chế tạo sắt thép, nhưng về cơ bản lại gây hại cho nền kinh tế do làm tăng giá thành đối với các ngành công nghiệp khác.

Mặt khác, các chuyên gia nhận định kiểu áp thuế để bảo hộ ngành thép nội địa như vậy sẽ chưa phải là biện pháp để bảo đảm tập đoàn sắt thép US. Steel trụ vững. Hãng thép mang tính biểu tượng của bang Pennsylvania phải đối mặt với khó khăn về tài chính, buộc phải đồng ý để tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản mua lại. Thương vụ đó bị Tổng thống Joe Biden chặn lại, khi ông tuyên bố muốn U.S. Steel vẫn giữ thương hiệu công ty Mỹ.

Việc Mỹ từng áp thuế 25% với mặt hàng nhôm thép trước đây giúp các chuyên gia kinh tế có được dữ liệu đầy đủ về tác động của thuế với các ngành công nghiệp tại Mỹ. Nghiên cứu của Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC), một tổ chức phi đảng phái tại Mỹ, cho thấy thuế nhôm, thép làm tăng giá nhập khẩu, kích thích các nhà tiêu thụ nhôm thép Mỹ sử dụng nhiều hơn sảm phẩm nội địa. Nhu cầu tăng đẩy giá kim loại tăng, giúp các nhà chế tạo sắt thép Mỹ mở rộng sản xuất, đưa đến mức tăng sản lượng giá trị 2,25 tỷ USD vào năm 2021. Nhưng chính sách thuế này cũng có hạn chế. Báo cáo của ITC chỉ ra rằng giá thành nhôm, thép tăng khiến chi phí sản xuất cho các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng nhiều nhôm, thép bị đội giá. Nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất là các công ty chế tạo máy, phụ tùng ô tô, công cụ cầm tay. Tựu chung lại, những ngành tiêu thụ sắt thép ghi nhận mức sụt giảm sản lượng trị giá 3,48 tỷ USD do tác động của thuế, nhiều hơn mức giá trị mà ngành công nghiệp sắt thép Mỹ thu được.

Cũng có một luồng thông tin khác. Một số lãnh đạo trong ngành luyện kim Mỹ nhận định mức thuế trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump là chưa đủ mạnh. Số này lập luận rằng nhập khẩu nhôm, thép từ các nước, nhất là Mexico, bắt đầu tăng vọt trở lại ngay sau khi thuế được rút, dựa theo thỏa thuận của Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Ông Zach Mottl, Chủ tịch Liên minh vì thịnh vượng Mỹ (CPA) – tổ chức ủng hộ áp thuế nhôm, thép nhập khẩu, cho rằng những xu hướng kiểu như vậy là minh chứng cho thấy thuế cần phải được mở rộng, chứ không phải giảm, để bảo vệ chính các ngành công nghiệp hạ nguồn tại Mỹ.

Tuy nhiên, ông Chad Bown, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Trump cuối cùng sẽ lại áp dụng điều khoản miễn trừ với một số nước, hoặc một số ngành khỏi bị áp thuế. Thực tế là trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump áp thuế với nhôm, thép trên phạm vi toàn cầu, khiến nhiều đồng minh như Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) tức giận. Sau đó, ông đạt thỏa thuận với Australia, Hàn Quốc và Brazil; rút lại một phần rào cản thuế với Mexico, Canada sau khi hai nước láng giềng cùng Mỹ ký USMCA.

Hoài Thanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-ap-thue-nhom-thep-loi-bat-cap-hai-20250211103448346.htm