Mỹ đưa ra hệ thống định giá đất hiếm để hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước
Những nỗ lực của Mỹ nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm và đầu tư vào ngành công nghiệp trong nước đã được đẩy mạnh với kế hoạch do Nhà Trắng hậu thuẫn nhằm tạo ra một hệ thống định giá riêng biệt với mức giá cao hơn.

Phương Tây đã cố gắng làm suy yếu sự chi phối của Trung Quốc đối với 90% nguồn cung đất hiếm, một phần vì mức giá thấp được thiết lập tại Trung Quốc đã loại bỏ động lực đầu tư ở nơi khác. Các công ty khai thác ở phương Tây từ lâu đã kêu gọi một hệ thống định giá riêng để giúp họ cạnh tranh trong việc cung cấp các kim loại thuộc nhóm đất hiếm.
Theo một thỏa thuận được công bố vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đảm bảo mức giá tối thiểu cho công ty khai thác đất hiếm nội địa duy nhất là MP Materials với mức giá gần gấp đôi giá thị trường hiện tại.
MP Materials có trụ sở tại Las Vegas, hiện đã khai thác và xử lý đất hiếm, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất nam châm thương mại tại cơ sở ở Texas vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận về giá sẽ có tác động tích cực cho các nhà sản xuất, nhưng có thể làm tăng chi phí cho người tiêu dùng, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô và khách hàng của họ.
"Mức giá chuẩn này hiện là trọng tâm mới trong ngành, sẽ kéo giá lên", Ryan Castilloux, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Adamas Intelligence cho biết.
Bộ Quốc phòng sẽ trả cho MP Materials khoản chênh lệch giữa 110 USD/kg đối với hai loại đất hiếm phổ biến nhất và giá thị trường hiện do Trung Quốc quy định. Tuy nhiên, nếu giá tăng trên 110 USD/kg, Bộ Quốc phòng sẽ nhận được thêm 30% lợi nhuận.
Sản lượng MP Materials tăng dần
Sau khi lỗ ròng 65,4 triệu USD vào năm ngoái chủ yếu do giá thấp của Trung Quốc, MP Materials sẽ tăng sản lượng nam châm tại nhà máy ở Texas ban đầu lên 1.000 tấn mỗi năm, sau đó mở rộng lên 3.000 tấn mỗi năm.
Theo thỏa thuận tuần trước, Bộ Quốc phòng sẽ trở thành cổ đông lớn nhất với 15% cổ phần và MP Materials đã sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm thứ hai tại Mỹ, cuối cùng sẽ bổ sung thêm 7.000 tấn mỗi năm. Tổng sản lượng sẽ là 10.000 tấn mỗi năm - tương đương với mức tiêu thụ nam châm của Mỹ vào năm 2024. Tuy nhiên, con số này không bao gồm 30.000 tấn mà Mỹ nhập khẩu đã được lắp đặt trong các sản phẩm lắp ráp.
Công ty tư vấn Adamas Intelligence dự đoán nhu cầu toàn cầu về nam châm vĩnh cửu đất hiếm sẽ tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, lên khoảng 607.000 tấn, trong đó Mỹ sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng phần trăm hàng năm mạnh nhất trong những năm tới là 17%.

Nhu cầu về nam châm đất hiếm dự kiến tăng mạnh trong thập kỷ tới
Sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc đối với phần lớn nhu cầu đất hiếm đã được chú ý bởi việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn.
Cho đến nay, các chính phủ phương Tây đã không mấy thành công trong việc cố gắng giúp các ngành công nghiệp của họ trở nên cạnh tranh.
Trong khi đó, những nỗ lực để đạt được thỏa thuận về mức giá cao hơn chỉ giới hạn trong các thỏa thuận từng phần, trong đó đặt ra mức phí bảo hiểm cho nam châm.
Dominic Raab, cựu Ngoại trưởng Anh cho biết, ông không ngạc nhiên khi chính quyền Tổng thống Trump kết luận rằng chỉ riêng việc giảm thuế sẽ không tạo ra mức đầu tư cần thiết.
"Bước tiếp theo là, liệu họ có thể mở rộng quy mô hay không?", ông cho biết.
Mức giá 110 USD/kg cho neodymium và praseodymium được Bộ Quốc phòng Mỹ đảm bảo, cao hơn một chút so với mức giá 75-105 USD/kg mà công ty tư vấn Project Blue ước tính là cần thiết để hỗ trợ sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong những năm tới. Trong khi đó, mức giá thị trường hiện tại là khoảng 63 USD/kg.
Giá đất hiếm đã ở mức thấp trong những năm gần đây, chịu áp lực từ nguồn cung dồi dào từ nhà sản xuất hàng đầu là Trung Quốc.
Ông David Merriman, Giám đốc phân tích của Project Blue cho biết, vẫn chưa rõ người tiêu dùng công nghiệp thương mại sẽ phản ứng thế nào với mức giá cao hơn và liệu điều này có khiến họ đầu tư vào đất hiếm hay không, vì họ có nguồn cung đa dạng hơn.
"Tuy nhiên, các nhà tiêu dùng lớn không được chính phủ hỗ trợ ít có khả năng đi theo mô hình đầu tư này, vì họ không quá gắn bó với một tuyến đường cung ứng khu vực cụ thể", ông nhấn mạnh thêm.
Theo người phát ngôn của hãng sản xuất ô tô Volkswagen: "Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm tăng cường sự ổn định lâu dài và đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các vật liệu quan trọng".