Tầm nhìn Hồ Chí Minh cho công nghiệp và thương mại Việt Nam hôm nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người ký 'giấy khai sinh' mà Người luôn vun gốc, tưới cội, chăm cành cho ngành Công Thương ngay từ khi thành lập để ngành luôn xứng đáng là trụ cột của kinh tế đất nước ở mọi thời kỳ.
Ngày 13/10/1945, ngay sau khi nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới Công Thương Việt Nam. Đây có thể coi là “bản khai sinh” lần thứ nhất của ngành Công Thương. Ngày 14/5/1951, giữa muôn vàn khói lửa của kháng chiến trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, hoạch định rõ vai trò, vị trí của một cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan trọng về kinh tế. Đây là “bản khai sinh” lần thứ hai của ngành Công Thương.
Những năm tháng hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác vẫn luôn dành thời gian trực tiếp đi thăm các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp. Có những nơi Bác đến không chỉ một lần mà nhiều lần. “Bác mong các cô chú tiến bộ mãi” là thông điệp Người truyền cho ngành Công Thương cả nước.
Nhà máy điện Bờ Hồ năm 1954, Nhà máy diêm Thống Nhất năm 1956, Mỏ than Đèo Nai, Xưởng may 10 năm 1959, Nhà máy thuốc lá Thăng Long năm 1960, Nhà máy sứ Hải Dương năm 1962, Khu gang thép Thái Nguyên, Nhà máy cao su Sao Vàng, Bóng đèn phích nước Rạng Đông năm 1964 và nhiều nơi khác mãi vẹn nguyên những kỷ niệm lần Bác đến thăm.
Ở đấy, Người không chỉ truyền cảm hứng lao động, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cảm hứng tất cả vì chủ nghĩa xã hội của đất nước mà còn tin tưởng, giao phó trách nhiệm cho toàn ngành Công Thương với xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, hòa bình, thống nhất đất nước, với cả sự phát triển không chỉ lúc bấy giờ mà còn cả tương lai.
Trong hành trình 80 năm xây dựng và phát triển, đi cùng đất nước, lớn lên cùng đất nước, ngành Công Thương Việt Nam luôn vững bước theo tư tưởng của Bác, từ cứu quốc - kiến quốc đến phát triển quốc gia, từ tự lực đến hội nhập.
Từ tư tưởng của Bác về phát triển công nghiệp gắn với tự lực, tự cường, đến nay, ngành Công Thương đã triển khai nhiều bước đi vững chắc trong chuyển đổi năng lượng xanh. Quy hoạch điện VIII ra đời năm 2023, định hướng phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), để bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải. Nhiều dự án điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, lưới điện thông minh đang được đầu tư bài bản, thu hút hàng tỷ USD vốn FDI. Đây là minh chứng rõ rệt cho tinh thần làm chủ khoa học - kỹ thuật mà Bác từng nhấn mạnh.
Thúc đẩy thương mại hiện đại, mở rộng thị trường quốc tế chính là sự cụ thể hóa tư tưởng của Bác về thương nghiệp gắn chặt với phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời gắn với chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế mà Bác Hồ từng đề ra từ rất sớm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới Công Thương Hà Nội tại Bắc Bộ phủ năm 1945 (Ảnh tư liệu)
Những năm qua, Việt Nam có sự bùng nổ về thương mại điện tử, trong đó giai đoạn 2020 - 2025, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 20 - 25%/năm. Việt Nam hiện là thành viên của 17 FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEP… Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần lớn vào tăng trưởng GDP. Việt Nam là một trong 20 nền thương mại lớn nhất thế giới.
Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030 diễn ra trong bối cảnh đất nước chuyển mình mạnh mẽ. Mục tiêu được xác lập rõ ràng: Đến năm 2030,Việt Nam trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngành Công Thương đặt ra các nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp, vươn lên nhóm đầu ASEAN, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu. Giữ vững vị trí trong top 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu và 30 thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới. Phát triển hạ tầng năng lượng - logistics - thương mại hiện đại, đồng bộ, xanh - số - kết nối. Bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước, ổn định xuất nhập khẩu, giữ thế chủ động chiến lược.
Không chỉ là kế hoạch, đây còn là hành trình kế thừa “tư tưởng công nghiệp hóa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng lên thành hành động toàn diện trong kỷ nguyên số – xanh – toàn cầu hóa.
Tầm nhìn Hồ Chí Minh về công nghiệp và thương mại vẫn mãi xanh tươi. Đó là sự kết hợp giữa: Lòng tin vào nhân dân, khát vọng tự chủ, hành động cụ thể để xây dựng nền kinh tế độc lập – hội nhập – bền vững.
Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ mới là cơ hội để chúng ta “soi lại tầm nhìn Bác – định hình khát vọng mình”. Không chỉ tiếp lửa truyền thống, mà bứt phá tư duy - đổi mới hành động - dẫn dắt tương lai.
“Giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công Thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân”.Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công Thương Việt Nam ngày 13/10/1945