Mỹ-Nga tiếp tục đối thoại: Tín hiệu thay đổi trong lập trường của Washington về Ukraine?
Trong bối cảnh tình hình Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, các tín hiệu chính trị từ Washington cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đang từng bước điều chỉnh lập trường của mình đối với cuộc xung đột này. Các cuộc đối thoại cấp cao, những tuyên bố công khai và cả thông tin rò rỉ từ hậu trường chiến dịch tranh cử đều cho thấy Nhà Trắng đang tìm cách cân bằng giữa duy trì ảnh hưởng trong khu vực và không sa lầy vào một cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát nhanh chóng.

Ngày 10/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) tại Kuala Lumpur/Malaysia. Đây là cuộc tiếp xúc liên bộ thứ hai trong năm nay, sau cuộc gặp đầu tiên tại Riyadh vào tháng 2. Theo Ngoại trưởng Rubio, tuy các chủ đề ngoài Ukraine cũng được đề cập, nhưng “việc giải quyết xung đột vũ trang” vẫn là trọng tâm hàng đầu. Ông nhấn mạnh rằng, Tổng thống Donald Trump đang “thất vọng và khó chịu vì phía Nga không còn linh hoạt”.
Theo giới quan sát, những lời chỉ trích này không đơn lẻ, mà là một phần trong chuỗi động thái phản ánh lập trường phức tạp của Chính quyền Tổng thống Trump đối với cuộc chiến ở Ukraine. Một ngày trước cuộc gặp, CNN công bố các đoạn ghi âm từ năm 2024, ghi lại phát ngôn của Tổng thống Trump trong các sự kiện tranh cử, trong đó ông kể lại việc từng đe dọa “ném bom Moscow” và “ném bom Bắc Kinh” khi trao đổi với lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Dù phát ngôn này gây chấn động, nhưng cần đặt nó trong ngữ cảnh khi đây là cuộc gặp với các nhà tài trợ, nơi ông Trump thường có xu hướng thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn. Về phía Điện Kremlin cũng phản ứng thận trọng, với người phát ngôn Dmitry Peskov đặt nghi vấn về tính xác thực của đoạn ghi âm.
Đáng chú ý là những phát biểu này không hoàn toàn mới. Washington Post từng đưa tin về các tuyên bố tương tự từ Tổng thống Trump hồi tháng 5/2024, dù khi đó chưa có bằng chứng ghi âm. Việc các đoạn băng được tung ra đúng thời điểm hiện nay khi thái độ của ông Trump đối với cuộc chiến Ukraine đang có dấu hiệu thay đổi, khiến giới quan sát, dư luận càng chú ý hơn.
Sự điều chỉnh chiến lược: Từ can dự sang giới hạn
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump được cho là đã cân nhắc ba hướng tiếp cận đối với xung đột Ukraine: (1) Tích cực thúc đẩy đàm phán ngừng bắn và tiến tới một thỏa thuận hòa bình. (2) Tránh xa cuộc khủng hoảng nếu nhận thấy không thể đạt được kết quả trong ngắn hạn. (3) Tiếp tục duy trì chính sách can dự như dưới thời chính quyền tiền nhiệm Joe Biden.
Từ những tín hiệu gần đây, có thể thấy Tổng thống Trump đang dần chuyển sang phương án thứ hai. Việc nối lại hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào ngày 8/7 - chỉ giới hạn trong các hệ thống phòng thủ - là động thái mang tính thỏa hiệp. Nó vừa cho thấy Washington không hoàn toàn rút lui, vừa không hàm ý gia tăng áp lực quân sự lên Moscow. Đồng thời, việc ông Trump công khai thể hiện sự không hài lòng với tiến trình đàm phán Nga-Ukraine, nhưng chưa gây sức ép buộc Kiev nhượng bộ, phản ánh ý định giữ vai trò trung gian hòa giải hơn là bên can thiệp trực tiếp.

Lập trường trừng phạt: Cứng rắn về lời nói, thận trọng trong hành động
Gần đây, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông cũng không loại trừ khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Một trong những đề xuất đáng chú ý là mức thuế nhập khẩu lên tới 500% đối với các quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt, uranium và các sản phẩm năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chính sách này, ông Trump cần sự đồng thuận từ Quốc hội - điều vẫn còn bỏ ngỏ - và phối hợp với các đối tác châu Âu, nơi mà lập trường còn phân hóa. Hơn nữa, chính ông Trump từng thừa nhận trong tháng 6 rằng các biện pháp trừng phạt trước đây đã gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Chiến lược giữ khoảng cách có tính toán
Theo Konstantin Sukhoverkhov, Giám đốc chương trình tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga nhận định, những diễn biến trên cho thấy Tổng thống Trump đang từng bước tách Mỹ khỏi vai trò can dự sâu vào xung đột Ukraine. Chính quyền của ông vẫn giữ cam kết ủng hộ Kiev, nhưng ở mức độ giới hạn, chủ yếu thiên về hỗ trợ phòng thủ và tạo sức ép ngoại giao. Việc tránh gây thêm áp lực trực diện với Moscow phản ánh mong muốn của ông Trump trong việc giữ thế trung lập tương đối - vừa để duy trì hình ảnh lãnh đạo cứng rắn trong nước, vừa để không bị cuốn vào một cuộc xung đột dai dẳng như tiền lệ Afghanistan.
Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ đang có xu hướng chuyển trục về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ưu tiên của Washington dưới thời Tổng thống Trump có thể sẽ không còn tập trung cao độ vào Đông Âu. Những lời đe dọa Moscow - dù là phát ngôn cứng rắn hay tín hiệu trừng phạt - có thể chỉ là một phần của chiến lược “mặc cả” nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán, hơn là phản ánh một lập trường đối đầu nhất quán.
Tuy nhiên, sự thiếu kiên nhẫn của Tổng thống Trump với tiến trình hòa bình, vốn đòi hỏi thời gian và sự ổn định chính trị lâu dài, đang ngày càng bộc lộ rõ. Điều này có thể dẫn tới một giai đoạn chính sách Mỹ-Ukraine thiếu rõ ràng, và khiến cục diện chiến sự thêm phần phức tạp trong thời gian tới.