Na Uy và Úc chấm dứt các khoản tài trợ nước ngoài cho năng lượng hóa thạch
Úc và Na Uy đầu tuần này công bố các hướng dẫn quốc gia về việc thực hiện cam kết chấm dứt các khoản đầu tư quốc tế mới vào hoạt động năng lượng hóa thạch không có biện pháp giảm phát thải.
Theo một tuyên bố trực tuyến từ liên minh của họ, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Sạch (CETP), hiện có 41 chính phủ và tổ chức đã thực thi tuyên bố Glasgow về Hỗ trợ Quốc tế công cho Chuyển đổi Năng lượng Sạch.
Từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, cơ quan tín dụng xuất khẩu của Na Uy sẽ dừng cấp tài trợ cho các dự án dầu khí nếu không có công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon hoặc các công nghệ tương đương dưới dạng điện khí hóa.
Lệnh ngừng hỗ trợ này áp dụng cho tất cả các hình thức hỗ trợ công cộng trực tiếp, hay "tài chính – bao gồm thương mại, viện trợ phát triển và các dòng tiền khác – tài trợ xuất khẩu và tất cả các hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc khuyến mãi do các cơ quan của Na Uy cung cấp", theo văn bản hướng dẫn của Na Uy.
Tuy nhiên, Export Finance Norway "có thể cung cấp các khoản vay và bảo lãnh cho công nghệ khí hậu và môi trường (ví dụ, thu hồi và lưu trữ carbon) và các biện pháp HSE [sức khỏe, an toàn và môi trường] đối với cơ sở hạ tầng hiện có phục vụ cho việc khai thác dầu khí", theo hướng dẫn.
Na Uy, một trong mười quốc gia khai thác khí tự nhiên lớn nhất thế giới, cho biết họ đang ưu tiên năng lượng tái tạo trong các khoản tài trợ phát triển.
“Là một phần trong sáng kiến Phát triển Năng lượng, Na Uy sẽ chuyển giao kiến thức liên quan từ ngành dầu mỏ sang các ngành công nghiệp tái tạo mới ở các nước đang phát triển”, hướng dẫn của Na Uy nêu rõ.
“Na Uy gần đây đã thiết lập hai công cụ giảm rủi ro mới nhằm huy động đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển. Quỹ đầu tư khí hậu, được thành lập vào năm 2022, là công cụ quan trọng nhất của Na Uy trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo, lưu trữ và truyền tải ở các thị trường mới nổi có lượng khí thải lớn từ than và sản xuất điện hóa thạch”.
Quỹ đầu tư khí hậu của Na Uy có kế hoạch đầu tư 10 tỷ NOK (898,57 triệu USD) vốn trong 5 năm. “Một công cụ bảo trợ nhà nước mới cũng đang được thiết lập”, hướng dẫn cho biết. “Công cụ này sẽ cấp các khoản tài trợ cho năng lượng tái tạo lên tổng 5 tỷ NOK trong thời gian 5 năm”.
Bên cạnh tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ năng lượng tái tạo, Na Uy còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kinh doanh vào một lĩnh vực khác nằm trong cam kết CETP. Na Uy cho biết: "Ngân sách nhà nước nêu rõ nguyên tắc chính là các dự án nhận được tài trợ thông qua các chương trình hỗ trợ hướng đến doanh nghiệp phải phù hợp với mục tiêu chuyển đổi của chính phủ vào năm 2030 và mục tiêu Na Uy trở thành quốc gia có mức phát thải thấp vào năm 2050".
"Nguyên tắc này cũng áp dụng cho hoạt động xúc tiến kinh doanh trên phạm vi quốc tế. Nguyên tắc này bao gồm các dự án có tác động trung lập và các dự án có tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi xanh, đồng nghĩa sẽ có chỗ cho các dự án trong ngành dầu khí phù hợp với Thỏa thuận Paris".
"Những nguyên tắc này cũng sẽ hướng dẫn Na Uy về quy cách bỏ phiếu trong hội đồng quản trị tại các ngân hàng phát triển đa phương và lập trường Na Uy tại các diễn đàn đa phương", Na Uy cho biết thêm.
Tại Úc, hỗ trợ công trực tiếp, bao gồm các khoản vay, bảo lãnh, bảo hiểm và cổ phần cho các dự án năng lượng hóa thạch không giảm phát ở nước ngoài sẽ kết thúc vào ngày 5 tháng 12 năm 2024.
“Không giảm phát (unabated)" đề cập đến một dự án không hoặc không thể chứng minh được mức giảm phát thải cao thông qua việc áp dụng công nghệ thu hồi carbon (ví dụ CCS hoặc CCUS), hoặc các công nghệ hiệu quả khác”, theo hướng dẫn của Úc.
"Bên cạnh đó, để được xem là “giảm phát thải” (abated), một dự án cần phải chứng minh việc giảm phát thải đáng kể trong suốt vòng đời của sản phẩm, hỗ trợ các lộ trình chuyển đổi về mức phát thải ròng bằng 0 và không tạo ra các tác động làm chậm trễ hoặc giảm thiểu quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Các biện pháp bù đắp hoặc tín chỉ carbon không được coi là một hình thức giảm phát thải".
Một số trường hợp có thể miễn trừ nếu một dự án năng lượng hóa thạch không giảm phát nhằm mục đích phục vụ lợi ích quốc gia.
"Trong những trường hợp như vậy, là một phần của quyết định, chính phủ cũng cần xem xét liệu quốc gia đó có chiến lược chuyển đổi carbon thấp hoặc cam kết đóng góp quốc gia (NDC) bao gồm lĩnh vực năng lượng hay không; liệu giao dịch có phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris (bao gồm giới hạn mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C) hay không; và các tình huống không có lựa chọn năng lượng tái tạo khả thi, hoặc nếu dự án có thời gian cụ thể và có mốc thời gian chuyển đổi hoặc tích hợp năng lượng tái tạo", Úc cho biết.
Úc cũng có thể cấp miễn trừ vì lý do nhân đạo. "Chính phủ có thể quyết định, tùy từng trường hợp, hỗ trợ cho việc cung cấp điện khẩn cấp nhằm mục đích nhân đạo", văn bản hướng dẫn của Úc cho biết.