Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Như Xuân

Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, huyện Như Xuân đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho LĐNT, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mô hình chăn nuôi bò tập trung tại xã Thanh Quân.

Để công tác ĐTN đạt hiệu quả cao, hàng năm huyện Như Xuân xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT tại các xã, thị trấn và giao cho Ban Chỉ đạo dạy nghề cho LĐNT huyện đẩy mạnh tuyên truyền về công tác ĐTN cho LĐNT theo các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh đến đội ngũ cán bộ các phòng, ban của huyện, công chức chính sách các xã, thị trấn; chỉ đạo quán triệt đến các tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn các đoàn viên, hội viên nắm được nội dung trong công tác ĐTN và tổ chức thực hiện. Duy trì và phát triển việc dạy nghề cho LĐNT, trong đó tập trung vào các nghề truyền thống như: chăn nuôi - thú y, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp. Du nhập, đưa vào giảng dạy một số nghề mới có xu hướng phát triển thuận lợi nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, như: may công nghiệp, cơ khí... Bên cạnh đó, hàng năm UBND huyện quan tâm phân bổ kinh phí để tổ chức các lớp ĐTN cho LĐNT (ngoài nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia). Năm 2021, nguồn kinh phí cấp là 160 triệu đồng và 69 triệu từ nguồn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2022, nguồn kinh phí được cấp là 150 triệu đồng, huyện đã giao cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 2 lớp ĐTN dưới 3 tháng cho 65 học viên (gồm 1 lớp chăn nuôi và 1 lớp nghề may công nghiệp). Ngoài ra, năm 2022 trên địa bàn huyện đang triển khai các lớp ĐTN thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Dự kiến mở 10 lớp ĐTN dưới 3 tháng thuộc tiểu dự án 1, thuộc dự án 4 và 29 lớp thuộc tiểu dự án 3, thuộc dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự kiến khoảng 1.170 người được ĐTN và cấp chứng chỉ đầu năm 2023. Hiện nay, huyện Như xuân đã hoàn thiện các bước về xây dựng kế hoạch, xây dựng dự toán, tuyển học viên, đấu thầu triển khai thực hiện.

Có thể khẳng định, công tác ĐTN cho LĐNT ở Như Xuân những năm qua đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng LĐNT ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công tác ĐTN trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn nhất định, như: Thời gian của các lớp ĐTN ngắn (chỉ khoảng 3 tháng) nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, tư duy và kỹ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng. Các ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, nên chưa thu hút được học viên tham gia. Công tác phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Một số chủ doanh nghiệp thậm chí còn từ chối việc nhận học viên các lớp ĐTN đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi một số doanh nghiệp lại chủ yếu tuyển lao động phổ thông, thu hút lao động đi làm ngay mà không cần qua đào tạo, dẫn đến tình trạng nhiều LĐNT chưa quan tâm tới việc đi học nghề một cách bài bản.

Bà Lê Thị Nhi, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: ĐTN gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thời gian tới, để nâng cao trình độ cho LĐNT, công tác ĐTN cần phải bám sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh để đạt được hiệu quả thiết thực. Muốn vậy, nội dung ĐTN cần hướng vào thực tiễn, gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội. Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp dạy nghề cho LĐNT theo hướng tăng cường bài giảng tích hợp, phát huy năng lực, tăng cường tính chủ động, tích cực của người học nghề. Nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phải phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, đề án tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cũng như điều kiện của người học nghề. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu và số lượng; chuẩn hóa trong công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; thực hiện tốt các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý dạy nghề; thu hút cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề, nông dân sản xuất giỏi... tham gia dạy nghề cho LĐNT.

Song song với các giải pháp nêu trên, huyện Như Xuân tiếp tục xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo cân đối giữa các cấp trình độ đào tạo, các địa phương, giữa các nhóm nghề đào tạo. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động dạy nghề; thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng của thiết bị dạy nghề được đầu tư, xây dựng các phương án đảm bảo sử dụng thiết bị dạy nghề có hiệu quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dạy nghề; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với công tác dạy nghề cho LĐNT. Quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất; giúp người lao động tìm việc làm sau khi kết thúc khóa ĐTN... góp phần tăng thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-nhu-xuan/178920.htm