Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động vùng cao
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là ở khu vực vùng cao, các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai song song với các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Sau khi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và phát huy năng lực sở trường, nhiều lao động đã tìm được việc làm ổn định, số khác cũng đã áp dụng những kiến thức được học vào thực tiễn để tạo sinh kế, tăng thu nhập và từng bước vươn lên làm giàu. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn tạo sức bật cho các địa phương hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Tại huyện Cẩm Khê, giai đoạn 2017-2023, trên địa bàn đã có hơn 9.000 lao động qua đào tạo và truyền nghề, trong đó có 4.500 lao động được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trở lên. Thông qua các lớp đào tạo nghề đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp vào công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại các địa phương. Điển hình như mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại tổng thu khoảng 3 tỉ đồng/năm của gia đình anh Lê Đăng Ninh ở khu Cầu Tây, xã Tiên Lương.
Để có được thành quả này, anh Ninh tham gia ba lớp đào tạo chăn nuôi lợn vào năm 2014, chăn nuôi gà năm 2018 và chăn nuôi trâu bò năm 2020, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức. Đến nay, trang trại với diện tích 7ha của anh luôn duy trì 10.000 con gà, 4.000 con vịt, ngan, 800 con lợn... để xuất bán ổn định cho các thương lái trong và huyện đến thu mua.
Anh Lê Đăng Ninh chia sẻ: “Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, tôi đã nắm bắt được nhiều kiến thức, cách phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Từ đó, áp dụng thành công vào mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các lớp đào tạo, lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao trình độ, cập nhập những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi và tạo thêm việc làm cho bà con”.
Năm 2024, cùng việc phát triển nguồn lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, huyện Cẩm Khê dự kiến sẽ đào tạo nghề sơ cấp cho 420 lao động nông thôn, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề trên địa bàn lên 68%.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cẩm Khê chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Huyện Đoàn và các địa phương rà soát nhu cầu học nghề của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 35 để mở rộng lớp đào tạo: Tiếng Trung, chăm sóc sức đẹp, vận hành xe nâng hàng, điện lạnh và điện dân dụng để đáp ứng nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, miền núi. Việc mở rộng các lớp sơ cấp nghề ngắn hạn ngay tại các xã, thị trấn được cho là giải pháp hiệu quả giúp người dân có điều kiện học tập và áp dụng ngay tại gia đình, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số nói riêng được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm. Đến tháng 11/2023, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo cho 26.661 người, trong đó, trình độ Cao đẳng, Trung cấp là 7.240 người; Sơ cấp, dưới ba tháng là 19.421 người và có hơn 4.000 lao động thuộc địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tạo sức bật giảm nghèo bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở GDNN và 21 cơ sở tham gia hoạt động GDNN với 62 ngành, nghề đào tạo trình độ Cao đẳng; 57 ngành, nghề đào tạo trình độ Trung cấp cùng 96 ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 280 lớp đào tạo nghề cho hơn 9.800 lao động nông thôn với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 71%. Đến nay, đã có trên 90% lao động sau khi đào tạo xong có việc làm ổn định, trong đó hơn 70% được làm đúng với ngành, nghề đào tạo.
Những kết quả trên không chỉ giúp tỉnh Phú Thọ “cán đích” sớm so với chỉ tiêu đạt trên 50% lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo và truyền nghề theo chương trình Mục tiêu Quốc gia đã đề ra đến năm 2025, mà còn tạo sức bật để các địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và giảm nghèo bền vững.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các văn bản của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong đó xác định, việc phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách nhân lực qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đặc biệt là mở rộng hoạt động đào tạo cho lao động nông thôn và các vùng cao, huyện miền núi và các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần tạo sức bật cho kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Đây được cho là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế và những làn sóng đầu tư mới.
Trong năm 2024, các cơ sở GDNN dự kiến tuyển sinh, đào tạo cho 28.500 người, trong đó trình độ Cao đẳng, trung cấp là 10.500 người; sơ cấp và dưới ba tháng là 18.000 người. Đồng chí Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội khẳng định: “Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh, đào tạo năm 2024. Trong đó, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương để tạo nhiều cơ hội tìm hiểu thông tin với nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng như các trường đại học, cao đẳng và cả thị trường xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nghề cho các đối tượng lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, sau đó mở rộng cho thanh niên có nhu cầu tại các xã, khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh... Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động GDNN, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trực tiếp mở hoặc đầu tư vào các cơ sở GDNN để thu hút thêm nguồn lực, công nghệ và trang thiết bị cho cơ sở GDNN, góp phần giải quyết việc làm và tạo sức bật cho các mục tiêu giảm nghèo bền vững tại các địa phương”.