Nâng cao năng suất và tính bền vững cho ngành chăn nuôi

Dự án 'Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới' có tên địa phương là Chăn hênh, tên quốc tế là SAPLING, do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), nhóm tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La triển khai từ năm 2022 với mục tiêu nâng cao năng suất và tính bền vững cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

Một trong những hoạt động của dự án, là giới thiệu kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò, lợn, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi và các nhóm cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hướng dẫn nông dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò.

Hướng dẫn nông dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò.

Dự án đã hỗ trợ toàn diện cho các nhà cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo (AI) trong chăn nuôi của địa phương, thông qua tập huấn kỹ thuật; đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân về các thực hành chăn nuôi cải tiến. Hỗ trợ xây dựng mô hình tổ nhóm cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cung cấp cho các thành viên bình trữ nitơ lỏng và tinh bò, tinh lợn, nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ AI.

Bên cạnh đó, các thành viên còn được tập huấn kỹ năng kinh doanh, nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và được cung cấp sổ ghi chép để quản lý dữ liệu hiệu quả.

Bê con ra đời nhờ thụ tinh nhân tạo

Bê con ra đời nhờ thụ tinh nhân tạo

Sau 2 năm triển khai, có 435 người tham gia dự án, trong đó, có 39% là phụ nữ được tập huấn về giống lợn, bò; lợi ích của áp dụng thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò. Ngoài ra, 44 người được tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn và bò; 19 cán bộ thú y được nhận chứng chỉ hành nghề về thụ tinh nhân tạo cho bò tại các huyện Mai Sơn và Phù Yên. Công nghệ thụ tinh nhân tạo đã hỗ trợ hơn 150 hộ gia đình tại các địa phương. Có 205 con bò được kiểm tra, 170 con được thụ tinh nhân tạo trong các năm 2023-2024; tỷ lệ mang thai đạt 46% trong năm 2023 và 50% trong năm 2024. Các thành viên trong tổ nhóm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, sử dụng sổ ghi chép, theo dõi tỷ lệ thụ tinh thành công và thu chi, đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lâu dài.

Cung cấp cho nông dân bình trữ nitơ lỏng nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò.

Cung cấp cho nông dân bình trữ nitơ lỏng nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò.

Để tối đa hóa tác động, dự án đã kết nối các nhà cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò với các nhóm nông dân địa phương. Nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và được liên kết với các dịch vụ thụ tinh nhân tạo lợn, bò thông qua tổ nhóm. Đồng thời, tổ chức các chuyến tham quan đến các trang trại để học hỏi từ thực tế.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/nang-cao-nang-suat-va-tinh-ben-vung-cho-nganh-chan-nuoi-WsykHQnNR.html