Đề xuất giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như hiện nay trong suốt năm 2026, thay vì điều chỉnh tăng trở lại theo khung thuế tối đa quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Đề xuất này được Bộ Tài chính nêu ra tại dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành. Dự kiến, Nghị quyết sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, việc giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là nhằm góp phần bình ổn giá, hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.

Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được áp dụng từ tháng 4/2022 đến nay. Cụ thể, mức thuế hiện tại đang được áp dụng là: Xăng (trừ ethanol) 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa 600 đồng/lít.

Đây là mức đã được giảm 50% so với trần khung thuế theo Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Tài chính cho biết, nếu không tiếp tục gia hạn, từ 1/1/2026 mức thuế sẽ quay trở lại mức tối đa, cụ thể: Xăng (trừ ethanol) 4.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2.000 đồng/lít; Dầu hỏa: 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn 2.000 đồng/kg.

Việc giữ nguyên mức thuế giảm sẽ giúp tiếp tục hỗ trợ ổn định giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát và duy trì sức mua trong dân cư.

Đối với nhiên liệu bay – một trong những đầu vào quan trọng của ngành hàng không, Bộ Tài chính đánh giá chính sách giảm thuế thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp hàng không được giảm nhẹ, hỗ trợ các hãng vượt qua khó khăn thời kỳ COVID-19 và suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, hiện thị trường hàng không trong nước đã cơ bản phục hồi, các hãng hàng không cũng đang hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác như giảm 2% thuế VAT, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm phí - lệ phí và tiền thuê đất.

Để tạo sự công bằng giữa các ngành vận tải như đường bộ, đường sắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2026 là 2.000 đồng/lít, thấp hơn mức tối đa 1.000 đồng.

Theo lộ trình dự kiến, kể từ ngày 1/1/2027, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại theo khung thuế trần quy định tại Nghị quyết số 579/2018. Điều này có nghĩa là các loại nhiên liệu sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn giai đoạn hiện tại gấp 1,5–2 lần.

Việc trở lại mức thuế trần từ 2027 sẽ tạo dư địa tài khóa cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế được kỳ vọng hồi phục bền vững hơn, đồng thời đảm bảo mục tiêu lâu dài về môi trường và phát triển bền vững.

Diệu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-xuat-giu-nguyen-muc-giam-thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau-den-het-nam-2026-729935.html