Nên bỏ điểm b khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo về cấm đăng tải thông tin
Theo ĐBQH, nên bỏ điểm b khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo với nội dung cấm đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh kiểm tra vụ việc vi phạm.
.t1 { text-align: justify; }
Trong quá trình thanh, kiểm tra vẫn nên cung cấp cho cơ quan báo chí thông tin trong phạm vi cho phép
Tại điểm b khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo đề cập đến những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, trong đó có quy định: “Đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo”.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu, chuyên gia vẫn cho rằng, nên cân nhắc quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo để tránh mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật liên quan.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng bày tỏ: “Về vấn đề này, tôi đã nhiều lần ý kiến trong các cuộc thảo luận và tại Kỳ họp thứ 9, tôi đã đọc rất kỹ báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, nêu rõ: "Quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn và phát tán các thông tin khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến, kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Đối với những sự việc chưa được thanh tra, kiểm tra, vẫn có thể phản ánh thông tin nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực. Đối với vụ việc đang được tiến hành thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận của cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, việc công bố thông tin là không được phép, vì có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình thanh tra, kiểm tra".
Theo tôi, việc cấm phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, điều đó đương nhiên là đúng, bởi vì, phát tán thông tin thất thiệt về bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào, cũng đều bị xử lý theo quy định, điều này đã có quy định rất cụ thể, chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.
Tuy nhiên, với quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta cũng đã có những quy định pháp luật khác có liên quan, để quy định rõ, trong quá trình thanh, kiểm tra, sẽ không công khai những thông tin gì. Đối với các ngành nghề, các lĩnh vực khác, tôi thấy vẫn đang thực hiện theo quy định chung một cách bình thường. Chẳng hạn, trong quá trình điều tra, với phạm vi có thể cung cấp cho cơ quan báo chí được đến đâu, thì cơ quan điều tra vẫn nên cung cấp và báo chí hoàn toàn có thể đăng tải thông tin. Còn đương nhiên, với những thông tin thất thiệt là chắc chắn bị cấm, điều này cũng đã được quy định trong các luật khác.
Bởi vậy, theo tôi, trong quá trình thanh, kiểm tra liên quan nhà giáo cũng như các ngành nghề, lĩnh vực khác, thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành là đã đầy đủ. Việc quy định thêm như thế này sẽ vô tình tạo nên nhiều khó khăn. Ví dụ, các cơ quan báo chí có thể cập nhật thông tin về tiến trình thanh, kiểm tra đến thời điểm hiện tại, đã tiến hành đến đâu... Bởi cơ quan liên quan cũng thực hiện cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí theo đúng quy định của pháp luật. Những thông tin nào không được phép cung cấp, thì cơ quan liên quan cũng không cung cấp, báo chí cũng không có nguồn tin để đăng tải”.
“Như vậy, luật đã có quy định rõ ràng, không cần thiết phải quy định lại theo hướng là nhà giáo được “hưởng những quy định riêng về thông tin”, vì nghề giáo cũng không thuộc các ngành nghề mang tính chất bí mật quốc gia. Những ngành nghề, lĩnh vực mang tính chất bí mật quốc gia, đã có những quy định riêng, còn đối với nghề giáo, tôi cho rằng, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác. Mặc dù cũng nên có những đặc thù nhất định đối với nhà giáo, song, theo tôi, chỉ nên có quy định đặc thù trong chế độ chính sách” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Cần cân nhắc nguyên tắc minh bạch và quy định để tách bạch, tránh chồng lấn với quyền giám sát của người dân
Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng đề cập: “Tại điểm b khoản 3 của Điều 11 dự thảo luật quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo đó là: Không được đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo. Đây là điểm mới nhằm bảo vệ danh dự của nhà giáo khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ dư luận.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định này còn chung chung, thiếu cụ thể. Đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn và cần cân nhắc nguyên tắc minh bạch và quy định để tách bạch, tránh chồng lấn với quyền giám sát của người dân, nhất là khi nhà giáo có dấu hiệu vi phạm.
Cần quy định rõ để tránh hiểu nhầm giữa việc cấm phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo với việc phản ánh dấu hiệu vi phạm của nhà giáo với cơ quan chức năng”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng chỉ ra: “Thực tế, nhiều vấn đề phát sinh trong trường học như: bạo lực học đường, tình trạng lạm thu, vấn đề dạy học thêm trái quy định, sự việc cắt xén khẩu phần ăn của học sinh, hay những vụ gian lận và những sai sót trong các kỳ thi,… được phát hiện, xử lý trong thời gian qua cơ bản đều bắt đầu từ nguồn tin, phản ánh của học sinh, phụ huynh và các cơ quan báo chí.
Tôi cho rằng, việc quy định hành vi cấm để bảo đảm không gây tổn hại đến danh dự, uy của cá nhân nhà giáo cũng như cơ sở giáo dục và tránh tác động tiêu cực không đáng có đối với môi trường giáo dục là rất cần thiết.
Tuy nhiên, để bảo vệ danh dự, quyền lợi của nhà giáo cần phải bổ sung các quy định nâng cao các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát và đánh giá định kỳ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm. Như vậy, mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo môi trường học đường trong sạch và lành mạnh”.
Về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng nêu quan điểm, nên bỏ hẳn điểm b trong khoản 3 Điều 11 của dự thảo Luật Nhà giáo với nội dung là cấm đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Ảnh: quochoi.vn.
“Bởi vì, trong Luật Thanh tra (tại khoản 5 Điều 8) đã nêu, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra là: Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.
Vậy, nếu bây giờ chúng ta lại nêu lại vấn đề này, thì chúng ta lại nêu lại quy định ở trong Luật Thanh tra, sẽ gây quy định chồng chéo và không cần thiết. Mặt khác, có thể gây hiểu lầm, có những việc đáng lẽ được công bố nhưng lại không được công bố vì các tổ chức khác liên quan đến nhà giáo. Chính vì vậy, theo tôi, nên bỏ điểm b khoản 3 Điều 11 này” - Đại biểu Nguyễn Quang Huân lý giải.